Xã hội

Xả lũ thủy điện: Đảm bảo thông tin đến mọi người dân

MAI ANH 16/06/2024 07:38

Vừa qua tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đã xảy ra sự cố khi thủy điện Suối Mu xả nước nhưng không cảnh báo trước gây ra tình trạng hoảng loạn và nguy hiểm cho người dân và du khách đang tắm suối.

td3_637012886335875676.jpg
Thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy.

Sau khi nhận được thông tin về sự việc xảy ra tại thủy điện Suối Mu (Hòa Bình), sáng ngày 14/6, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lạc Sơn đã báo cáo về sự cố. Theo báo cáo, trưa ngày 9/6, lúc thủy điện Suối Mu mở cống xả cát của đập để thoát nước, lượng lớn nước đổ dồn về hạ lưu, tạo ra dòng chảy mạnh làm cho nhiều người dân và du khách đang tắm suối ở hạ nguồn bị hoảng loạn.

Trước khi thủy điện thực hiện việc xả nước, đã có thông báo cảnh báo nhưng vị trí của loa báo động nằm xa khu vực cư trú và nơi tắm của du khách khoảng hơn 2km, do đó không có ai nghe thấy cảnh báo. Khi chủ một homestay phát hiện đã chạy tới hô hoán. 2 du khách kịp chạy lên bờ, 5 người khác bị cuốn trôi nhưng đã được những người khác kéo lên.

Lý giải về sự việc này, ông Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Suối Mu, cho biết theo lịch định kỳ, đơn vị tách lưới điện để kiểm định thiết bị, dự kiến khoảng một giờ. Trước khi tách lưới, đơn vị đã hút kiệt nước hồ, thông báo trước 15 phút bằng loa đặt tại đỉnh thác suối Mu. Tuy nhiên, thời gian kiểm định dài hơn dự kiến khiến nước nguy cơ tràn mặt đập, buộc đơn vị mở cửa xả đáy đường kính khoảng 80 cm.

"Trước đây, chúng tôi có biên bản phối hợp với xã đặt loa thông báo tại đỉnh thác, nơi có nhiều người tắm nhất. Đề nghị chính quyền rà soát các homestay, thông báo cho du khách tắm đúng điểm quy định để nhà máy lắp loa cảnh báo, chứ không thể lắp loa dọc cả suối", ông Tân nói.

Sau sự việc, lãnh đạo huyện Lạc Sơn đã làm việc với Nhà máy thủy điện Suối Mu, yêu cầu chấp hành quy trình vận hành, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Trước ngày 30/6, nhà máy lắp thêm hệ thống loa cảnh báo xả nước tại hạ du, gần nơi người dân sinh sống để người dân và du khách có thể nghe thấy cảnh báo.

Ngoài sự việc trên, trước đó (ngày 17/3) 3 nữ sinh đang chơi tại khu vực cửa xả Nhà máy thủy điện Cần Đơn (thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, Bình Phước) bất ngờ bị nước cuốn trôi. Trước đó Nhà máy thủy điện Cần Đơn cũng có báo cáo về quá trình vận hành. Theo đó, nhà máy đã có thông báo vận hành từ 0-24h ngày 17/3, nhưng đến gần 22h thì nhận được tin báo có người bị đuối nước cách cửa ra nhà máy khoảng 1- 1,5km. Trưởng ca vận hành đã cho dừng máy phát điện để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng thời báo cáo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về việc dừng máy phát điện theo yêu cầu của địa phương.

Trước những vụ việc này, Bộ Công Thương đã yêu cầu các nhà máy thủy điện kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, cảnh giới ở các hồ đập và phải cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân ở hạ lưu nếu xả lũ khẩn cấp.

Khi diễn biến phức tạp của mùa mưa đang đến gần, ngày 10/6/2024, Bộ Công Thương đã ra công điện chỉ đạo đối với các đơn vị đang có công trình thủy điện như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)... Đặc biệt, Bộ lưu ý đối với các công trình thủy điện, yêu cầu đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, thực hiện nghiêm lệnh vận hành của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai...

Sau công điện của Bộ Công Thương, chiều ngày 15/6, hai nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang đã mở 3 cửa xả đáy. Để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi hồ thủy điện xả nước, sáng 15/6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Sơn La và hồ thủy điện Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn về người, tài sản.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với chủ hồ có giải pháp bảo đảm an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ...

Từ những cảnh báo thực tế, mọi thông tin đến người dân khi các nhà máy thủy điện xả đáy, xả lũ cần phải được thông tin sớm và nhanh chóng để người dân kịp chuẩn bị. Bên cạnh đó, về phía người dân cũng cầng nâng cao ý thức khi tham quan, vui chơi tại khu vực gần các đập thủy điện để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân.

MAI ANH