Sức khỏe

Đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thông tin, quảng cáo thuốc

Đức Trân 16/06/2024 18:01

Tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, theo đó bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc, bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc.

Để thực hiện phương án bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc, thông tin thuốc nêu trên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật dược 2016 hiện đang bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thông tin, quảng cáo thuốc.

luat-duoc-01.jpeg

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật dược 2016 bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin thuốc tại khoản 3 Điều 78 và thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thuốc tại khoản 3 Điều 79, bãi bỏ quy định tại khoản 10 Điều 6. Bổ sung đối tượng được thông tin thuốc (người hành nghề dược) tại khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 76; bổ sung điểm đ tại khoản 6 làm rõ hơn thuốc mà cơ sở kinh doanh dược được thông tin thuốc.

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 78 theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết hình thức thông tin thuốc; cách ghi, yêu cầu đối với nội dung thông tin thuốc; các trường hợp tạm dừng hoạt động thông tin thuốc.

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 79 Luật Dược theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết cách ghi, trình bày, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo thuốc; các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc; các trường hợp tạm dừng hoạt động quảng cáo thuốc; trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo thuốc của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 Điều 76 và sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 79 để bổ sung một số nguyên tắc cơ bản đối với nội dung thông tin, quảng cáo thuốc.

Lý giải xung quanh những thay đổi liên quan đến một số quy định về thông tin, quảng cáo thuốc tại tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật dược 2016, Bộ Y tế cho biết, công tác quản lý nhà nước về thông tin, quảng cáo thuốc vẫn duy trì được hiệu quả khi chuyển sang cơ chế hậu kiểm.

Cụ thể, cần xem xét triển khai các biện pháp như quy định rõ yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc; các trường hợp tạm dừng hoạt động quảng cáo thuốc; trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo thuốc của Bộ, cơ quan ngang Bộ tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng mức xử phạt vi phạm, đặc biệt là các hình thức xử phạt bổ sung và quy định về việc cải chính thông tin đối với các nội dung thông tin, quảng cáo thuốc chưa đúng quy định để đảm bảo tính tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin quảng cáo thuốc.

Tăng cường hoạt động hậu kiểm thông tin quảng cáo thuốc ở cả cấp trung ương và địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc cho cả người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường vai trò của các đơn vị liên quan (các cơ quan truyền thông, các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo như Google, Facebook...) trong giám sát hoạt động quảng cáo thuốc.

Đức Trân