Kinh tế

Doanh nghiệp với chiến lược xây dựng thương hiệu

DUY KHANG 16/06/2024 21:58

Việc đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm giúp các doanh nghiệp hoạch định được những phương thức sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới.

anh-thuonghieu136.jpg
Nhiều doanh nghiệp ngành gạo đã và đang xây dựng được thương hiệu riêng cho mình.

Những cơ hội mới

Thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng và thiếu thị trường khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải cạnh tranh gay gắt. Việc đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các DN sẽ là giải pháp phát triển bền vững cho các DN và ngành hàng, từ đó phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của DN cũng như giúp DN hoạch định được những chiến lược sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc tìm ra một xu hướng tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tạo ra địa chỉ số cho DN, từ đó tạo ra góc nhìn tổng thể về bức tranh thị trường Việt Nam.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử sẽ là một trong những lĩnh vực ưu tiên, mang đến một cơ hội lớn cho các DN để tạo ra những vận hội mới trong đổi mới hoạt động kinh doanh.

Cũng theo bà Huyền, trải qua một giai đoạn khó khăn kéo dài bởi dịch Covid-19 hoành hành, thì đây là thời điểm các DN cần phải tập trung vào thị trường, kể cả những thị trường trước đây các DN ít quan tâm.

Đối với chiến lược kinh doanh của DN, ai cũng rõ, thương hiệu chính là yếu tố quan trọng để DN có thể vững chân ở thương trường. Nói về chiến lược thương hiệu cho DN trong bối cảnh hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường thay đổi rất nhanh các DN cần phải huy động sức mạnh tập thể rất lớn. Tuy nhiên, điểm yếu của các DN Việt Nam hiện nay đa phần họ là những DN vừa và nhỏ. Các DN lớn đã có thương hiệu khá tốt và chiến lược kinh doanh hết sức khác biệt, bài bản, thì bản thân các DN nhỏ cũng cần có những lối đi riêng, khẳng định bản sắc của mình, từ đó tạo dựng được thương hiệu riêng trên thương trường.

Có thể thấy, câu chuyện xây dựng thương hiệu chính là vấn đề sống còn của mỗi DN. Nói như TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, DN Việt Nam cần phải khẳng định được thương hiệu từ đó mới nâng cao được vị thế, uy tín trên trường quốc tế và tăng khả năng cạnh tranh.

Phải coi thương hiệu là vũ khí chiến lược

Các chuyên gia kinh tế nhận định, một quốc gia muốn có được các DN phát triển tốt và có thương hiệu tốt thì bản thân quốc gia đó cũng phải có tầm nhìn xa đủ dài và rộng. Việt Nam hiện có khoảng hơn gần 1.000.000 DN nhưng có đến 90% là các DN vừa và nhỏ, phần lớn họ không quan tâm đến những điều thiếu thực chất, bởi họ phải đối diện với vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày nên không muốn nhìn đến vấn đề gì đó quá xa vời. Do đó, câu chuyện phát triển thương hiệu đối với nhiều DN nhỏ và vừa dường như vẫn chỉ là trên lý thuyết. Đây là vấn đề cần phải thay đổi từ chính tư duy của mỗi DN.

Giới chuyên gia chỉ rõ, từ khoảng 5-6 năm trở lại đây hình thái của DN đã bắt đầu thay đổi khá lớn, đã có một bộ phận các DN được tiếp cận công nghệ cũng như những tư duy mới để thay đổi quan điểm kinh doanh. Quan điểm đó là, một DN muốn phát triển sẽ cần hai yêu cầu rất quan trọng là tư duy và tầm nhìn kỷ lục kèm theo ý tưởng sáng tạo. Sự sáng tạo rất cần những điểm khác biệt, càng sáng càng tạo được những công cụ để giúp cho DN có sự khác biệt lớn về sản phẩm cũng như dịch vụ thì cơ hội thành công của DN càng lớn.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu nhận định, trước kia khi người ta nói đến việc làm thương hiệu, thì thường nói đến như cái áo bên ngoài - tức là bộ nhận diện. Nhưng hiện nay tư duy về nhận diện đã thay đổi khá lớn do yêu cầu của thị trường nên các DN cần phải linh hoạt hơn. Có một ví dụ là trên các đường phố Việt Nam thường có rất nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu mà người đi đường thì không bao giờ nhớ được nội dung gì, kể cả khi người ta quyết định dừng lại 1 phút để đọc cũng không thể nhớ được.

Do đó theo khẳng định của vị chuyên gia, đây là một điểm mấu chốt khi các DN thực hiện các nội dung tiếp thị quảng cáo. Thay vì dùng nhiều lời, thay vì dùng chữ thì với xu hướng hiện nay người ta hay sử dụng các yếu tố hình ảnh. Nhiều DN đã áp dụng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo để có thể chinh phục được rất nhiều khách hàng. Thay vì việc đọc những thông tin giống như đọc báo, thông tin bằng hình ảnh sẽ tạo nên sự đột phá và chỉ với một đoạn video rất ngắn nhưng sẽ tạo ra tính thời sự rất cao.

Bởi vậy, các DN cần coi thương hiệu là một vũ khí chứ không chỉ là công cụ. Chỉ khi sở hữu vũ khí đó, DN mới có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN và thương hiệu khác.

Ở một khía cạnh khác, chiến lược khác biệt hóa chính là một công cụ quan trọng để khẳng định thương hiệu của DN. Nói về vai trò của chiến lược khác biệt hóa, ông Michael Eugene Porter - cha đẻ của chiến lược cạnh tranh, từng nhấn mạnh, chiến lược khác biệt hóa là một phương pháp xây dựng thương hiệu, tập trung vào việc tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của DN so với đối thủ cạnh tranh. “Việc tạo ra một chiến lược khác biệt hóa nhằm mục đích định vị một chỗ đứng riêng trong tâm trí khách hàng, thu hút và giữ chân khách hàng, bằng cách cung cấp cho họ những giá trị và trải nghiệm khác biệt”, ông Michael nói.

Trong môi trường kinh doanh, đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương hiệu chính là diện mạo của DN. Điều này được TS Võ Trí Thành không ít lần khẳng định: "Hình bóng thương hiệu trên trường quốc tế là rất quan trọng, bởi đằng sau là sức sáng tạo, công nghệ... Trong xây dựng thương hiệu, nếu chúng ta xuất khẩu được sang một nước phát triển, thị trường khó tính, đòi hỏi cao mà ta xuất khẩu được bền vững thì đây là thước đo chứng tỏ được năng lực, chất lượng, tên tuổi của DN".

Trong xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh DN thì vai trò của Nhà nước, vai trò của người tiêu dùng và bối cảnh chung là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, yếu tố quyết định vẫn là vai trò của bản thân mỗi DN.

DUY KHANG