Giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc
Dù chỉ mang tính thời điểm, tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn cung ứng thuốc cục bộ, đặc biệt là những loại thuốc hiếm, thuốc chuyên khoa…vẫn được ghi nhận. Theo lý giải từ Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tính trạng này.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do đại dịch Covid-19 và chiến tranh tại Châu Âu, giá nguyên vật liệu tăng, ảnh hưởng của chiến tranh tại Trung Đông dẫn đến việc vận chuyển thuốc gặp khó khăn.
“Thực tế, không chỉ tại Việt Nam, tình trạng thiếu nguồn cung thuốc đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, kể cả Châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, một số thuốc hiếm rất khó dự trù số lượng sử dụng vì nhu cầu phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm. Nguồn kinh phí để chi trả cho các loại thuốc này cũng là một vấn đề khó khăn không nhỏ, bởi lẽ, một số thuốc hiếm không thuộc Danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế” –Bộ Y tế đưa ra lý giải về các nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhận định, về nguyên nhân chủ quan, một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động trong việc lập kế hoạch, đặt hàng với nhà cung ứng. Các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc. Nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu.
Đáng nói, tâm lý e dè của một số cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc mặc dù các quy định về đấu thầu thuốc đã có đầy đủ hành lang pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung ứng thuốc cục bộ trong thời gian qua.
Được biết, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc nêu trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, trong năm 2023, Bộ Y tế đã trình cấp có thẩm quyền các văn bản nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tính tại thời điểm hiện tại đang có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại nên bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh.
Bên cạnh việc cấp Giáy đăng ký lưu hành thuốc, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu cho các thuốc chưa được cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc trong một số trường hợp để phục vụ cho nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Bộ Y tế đã nỗ lực trong việc cấp phép nhập khẩu vaccine phòng Covid-19, thuốc điều trị Covid-19 để đảm bảo công tác cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các công tác mua sắm, dự trù để đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, thời tiết giao mùa (đông – xuân, xuân – hè, …) là thời điểm có nguy cơ gia tăng các ca bệnh.
Mặc dù vậy, Bộ Y tế cũng thừa nhận, các biện pháp trên có thể giải quyết tạm thời tình trạng thiếu thuốc cục bộ, tuy nhiên để giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo cung ứng thuốc một các triệt để và lâu dài thì cần điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tiễn, trong đó sửa đổi Luật Dược năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết là giải pháp trọng tâm hàng đầu.
“Liên quan tới các nội dung nói trên, Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật dược năm 2016 đang được Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng, chỉnh lý và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 này sẽ đưa ra các quy định nhằm sắp xếp lại hệ thống cơ sở kinh doanh dược, bổ sung thêm một số loại hình kinh doanh, phương thức kinh doanh. Đồng thời đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, cấp phép nhập khẩu thuốc. Từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả đến người dân, đồng thời làm giảm giá thành thuốc và kết quả là giảm chi phí điều trị cho người dân. Dự kiến trong giai đoạn tới, sau khi Luật dược sửa đổi ban hành, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật dược sửa đổi và các thông tư liên quan nhằm cụ thể hoá các chính sách tại Luật dược sửa đổi để tăng cường đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, hạn chế tình trạng thiếu thuốc như giai đoạn vừa qua” –Bộ Y tế cho biết.