Báo động đỏ hỏa hoạn ở khu dân cư
Chỉ trong 1 ngày 16/6, đã có 2 vụ cháy khiến 7 người tử vong. Đáng chú ý, thời gian gần đây, cùng với tình trạng hỏa hoạn xảy ra tại nhà trọ cho thuê (trong đó có chung cư mini), cháy ở quán karaoke, cháy nhà xưởng... thì cháy ở khu dân cư cũng đã tới mức báo động.
Cụ thể 2 vụ cháy trong ngày 16/6, một vụ xảy ra ở tỉnh Bắc Giang; một vụ tại Hà Nội. Vụ thứ nhất, vào lúc 3 giờ 40 phút, người dân phát hiện xảy ra cháy tại căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (phường Đa Mai, TP Bắc Giang). 3 người tử vong. Vụ thứ hai, vào lúc 18 giờ 22 phút, trên phố Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội). 4 người tử vong.
Cả hai vụ cháy đã để lại hậu quả thảm khốc. Sau khi lực lượng chức năng dập tắt đám cháy, bao giờ cũng tiến hành xác định nguyên nhân, ra thông báo hướng dân, cảnh báo. Một số vụ còn truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố bắt tạm giam, đưa ra tòa xét xử. Nhưng thật đáng lo ngại là hỏa hoạn vẫn xảy ra, mất mát đau thương vẫn còn đó. Dù bất cứ lý do gì thì sau mỗi vụ cháy đều khiến người dân bàng hoàng, hoảng sợ.
Riêng với Hà Nội, sau vụ cháy nhà dân ngày 24/5 tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) làm 14 người chết, 6 người bị thương, Chủ tịch UBND thành phố đã có công điện gửi giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với nhà trọ trên địa bàn thành phố. Công việc phải hoàn thành trước ngày 15/6 và báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/6.
Nhưng rồi, trong khi việc báo cáo chưa hoàn tất thì đã lại xảy ra vụ cháy cướp đi cuộc sống của 4 người.
Nguyên nhân các vụ gây cháy được chỉ ra nhiều. Riêng cháy tại khu dân cư phần lớn được cho là do người dân mất cảnh giác và thiếu hiểu biết về phòng cháy chữa cháy. Nhiều vụ ngọn lửa bùng phát từ việc đốt vàng mã, chập cháy điện, kể cả việc có người cho rằng do lỗi bình ắc-quy của xe máy điện dù điều đó khó có thể chứng minh. Các vụ cháy ở khu dân cư có thể là một ngôi nhà ngoài phố, có thể ở căn hộ chung cư, nhưng nhiều hơn là nhà dân trong những con ngõ dài, hẹp, mật độ xây dựng dày đặc. Nhiều nhà chỉ có 1 cửa ra vào phía trước, không có cửa sổ vì hai bên nhà xây áp sát nhau nên khi cháy rất khó thoát nạn. Đối với nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, khó thoát hiểm, khả năng thông gió, thoát khói của những ngôi nhà này rất hạn chế. Khi không may hỏa hoạn xảy ra không chỉ nạn nhân khó thoát được, mà lực lượng cứu hỏa cũng khó tiếp cận để sớm tiếp dập lửa, cứu người. Vì thế, hậu quả để lại thường rất đau xót.
Mùa hè nóng bức, nguy cơ cháy nổ (trong đó có các khu dân cư) tăng lên. Thật đáng lo ngại khi vào tối 16/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia lại cho biết Hà Nội, khu vực Bắc Bộ, Hòa Bình và Trung Bộ đã bước vào đợt nắng nóng gay gắt mới kéo dài nhiều ngày; nhiệt độ nhiều nơi trên 40 độ C - cao nhất từ đầu mùa hè tới nay và cũng là nền nhiệt mức kỷ lục nhiều năm.
Theo cơ quan chức năng, nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư cũng tăng lên.
Nếu như các cơ sở sản xuất, kinh doanh... việc đầu tư trang bị trang thiết bị phòng cháy chữa cháy là bắt buộc; kể cả khi hỏa hoạn xảy ra thì cũng có thể truy cứu trách nhiệm. Nhưng với cháy nhà dân trong khu dân cư thì việc đó là rất khó. Không chỉ ngôi nhà phát sinh cháy bị thiệt hại đầu tiên, mà trong nhiều trường hợp còn cháy lan sang nhà khác do các ngôi nhà san sát nhau. Vậy, làm sao để hạn chế tối đa cháy ở khu dân cư? Trước hết và quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng cháy của từng gia đình. Sau đó là sự quan tâm nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên của tổ dân phố, chính quyền xã phường cũng như lực lượng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Chỉ khi “vòng tròn trách nhiệm” được khép kín thì nguy cơ hỏa hoạn trong khu dân cư mới giảm bớt. Còn nếu vẫn có lỗ hổng, vẫn còn lơ là mất cảnh giác thì “bà hỏa” có thể “ghé lại” bất cứ lúc nào. Mà như thế, thực tế đã cho thấy, hậu quả cháy trong khu dân cư thường là rất thảm khốc.