Những hệ luỵ khôn lường từ biến chứng của răng khôn
Theo Ths.BS. Nguyễn Văn Anh, Giám đốc chuyên môn Nha khoa WeSmile, răng khôn mọc lệch ngầm gây ra rất nhiều biến chứng ảnh hưởng tại chỗ và sức khỏe toàn thân của người bệnh.
Răng khôn hay còn được biết tới với cái tên răng số 8, là răng hàm lớn số 3, nằm ở phía trong cùng của mỗi hàm răng. Có tổng cộng 4 chiếc răng khôn, 2 răng ở hàm trên và 2 răng ở hàm dưới. Chúng là những chiếc răng mọc lên cuối cùng trên cung hàm. Trong một số trường hợp có thể không có mầm răng số 8.
Răng khôn thường bắt đầu mọc ở độ tuổi từ 17 – 25 tuổi, khi xương hàm đã phát triển hoàn thiện. Quá trình mọc răng số 8 thường rất chậm và kéo dài trong một khoảng thời gian rất dài, có thể gây nhiều tai biến cho người bệnh, đặc biệt trong các trường hợp răng mọc lệch và mọc ngầm.
Việc khám giúp phát hiện tình trạng bất thường của răng số 8, xác định nguy cơ tai biến, từ đó giúp bác sỹ lập kế hoạch điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Răng 8 có thể bảo tồn hay phẫu thuật loại bỏ và nếu phải nhổ bỏ thì thực hiện theo phương pháp phẫu thuật nào cho phù hợp. Chỉ định điều trị kịp thời và chính xác sẽ tránh được những biến và mang lại sức khỏe cho người bệnh.
Vì sao răng khôn hay mọc lệch?
Trong thời kỳ bào thai, mầm răng vĩnh viễn được hình thành từ rất sớm và qua vài giai đoạn. Mầm răng khôn được hình thành muộn hơn so với các răng khác và do sự kéo dài ra sau của dải tạo mầm răng gọi là lá răng.
Khi trẻ được sinh ra và lớn lên, quá trình phát triển của mầm răng khôn vẫn tiếp tục, cùng với sự phát triển ra sau của xương hàm kéo theo mầm răng khôn bị kéo ra sau, dẫn tới mầm răng khôn bị lệch.
Mặt khác, răng khôn bắt đầu mọc ở tuổi trưởng thành, mọc muộn nhất so với các răng khác. Lúc này, xương hàm đã phát triển hết, xương khá cứng chắc và hàm răng đã ổn định trên cung hàm. Khi chúng mọc lên, gặp vật cản là xương hàm chắc khỏe và bị “chiếm chỗ” bởi các răng khác.
Quá trình hình thành và mọc của răng khôn có nhiều yếu tố tác động đến, vì vậy các răng số 8 có thể không mọc được ở vị trí bình thường và thẳng đứng như các răng khác. Chúng có thể mọc lệch, lạc chỗ, kẹt, thậm chí không mọc lên được, chính vì vậy nó gây ra nhiều rồi loạn bệnh lý khác nhau.
Biến chứng do mọc răng khôn
Theo BS. Nguyễn Văn Anh, Răng khôn mọc lệch ngầm gây ra rất nhiều biến chứng ảnh hưởng tại chỗ và sức khỏe toàn thân của người bệnh.
Túi viêm quanh thân răng: Biến chứng này thường gặp trong trường hợp răng khôn mọc thẳng, nhưng thiếu chỗ theo triều trước sau hoặc lệch má, phí lưỡi. Túi viêm thường được hình thành phía xa răng khôn khi thiếu chiều rộng để mọc ( tên gọi khác là lợi trùm).
Bệnh nhân thường biểu hiện đau tại vùng răng khôn, há miệng hạn chế, sau vài 3 ngày có thể dịu hay tạo mủ. Biến chứng này thường lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể gây viêm họng hạt, viêm đường tiêu hóa do thường xuyên nuốt phải mủ từ túi viêm hàng ngày.
Và cũng chính từ các ổ viêm mạn tính này có thể là khởi phát của những biến chứng nặng nề khác như: Viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm mô tế bào, áp xe cơ cắn, viêm nhiễm thành bên hầu, áp xe thành bên hầu, viêm quanh Amidan.....
Chứng đau dây thần kinh vùng đầu lan toả hoặc khu trú: Răng ngầm có thể là nguyên nhân gây ra đau đầu hay các chứng đau dây thần kinh vùng đầu mặt của bệnh nhân. Lý do là răng ngầm mọc ra chèn vào các đầu dây thần kinh tận.
Sâu răng số 7 và sâu chính răng khôn: Do thức ăn đọng lại dưới lợi chùm răng khôn và khe giữa răng số 7 và số 8.
Răng khôn cũng có thể gây cản trở việc lắp hàm bán phần và toàn bộ; cản trở điều trị răng vĩnh viễn mọc ngầm; cản trở quá trình chỉnh nha;…
Đặc biệt, răng khôn còn có thể gây tiêu chân răng lân cận dẫn tới phá huỷ cấu trúc răng đó. Sự tiêu chân răng xuất hiện ở những răng phía sau của hàm trên và hàm dưới, bắt đầu là sự tiêu chân răng phía xa dần dần phá huỷ toàn bộ răng.
Ngoài ra, răng khôn có thể gây loét, sang chấn cho mô mềm đối diện và xung quanh nó như lưỡi. Đặc biệt sau nhổ răng khôn đối diện khiến cho mô mềm sưng to tạo điều kiện cho răng khôn còn lại cùng bên gây sang chấn.
“Răng ngầm có thể gây ra rất nhiều biến chứng và không ai đảm bảo rằng răng ngầm không có triệu chứng gì sẽ không gây ra biến chứng trong tương lai. Việc lấy bỏ răng ngầm hay để lại cần được cân nhắc, xem xét với tất cả các khả năng có thể xảy ra”, BS Anh cho hay.
Do đó, BS. Nguyễn Văn Anh nhấn mạnh, cần thăm khám bác sỹ để được đánh giá tình trạng răng khôn, mức độ mọc lệch và khả năng giữ lại hay nhổ bỏ răng 8 để phòng và xử lý các biến chứng do răng 8 mọc lệch gây ra.