Nỗi lo thừa thầy, thiếu thợ
Chỉ 15 điểm 3 môn đã đỗ vào đại học đối với nhiều ngành xét tuyển sớm bằng học bạ trung học phổ thông (THPT) đang đặt ra câu hỏi về vấn đề chất lượng đào tạo cũng như nỗi lo mất cân đối nguồn lực lao động.
Trong số nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn có điều kiện - thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới chính thức trúng tuyển - có những ngành, những trường lấy điểm học bạ là 15 điểm, trung bình mỗi môn chỉ cần 5 điểm đã trúng tuyển.
“Dễ” như vào đại học
Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương có điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT năm 2024 chỉ từ 15 - 22 điểm, ngoại trừ khối ngành Sức khỏe. Trường ĐH Hòa Bình lấy điểm chuẩn xét học bạ từ 15 - 17 cho các ngành, trừ khối ngành Sức khỏe. Trường ĐH Gia Định công bố điểm chuẩn phương thức xét học bạ THPT là 16,5 cho toàn bộ các ngành.
Điểm chuẩn học bạ nhiều ngành tại các trường: Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chỉ từ 18 điểm/tổ hợp 3 môn. Trung bình, thí sinh chỉ cần đạt 6 điểm/môn trong tổ hợp xét tuyển là đủ điều kiện trúng tuyển. Thậm chí, nếu thí sinh có điểm ưu tiên khu vực và đối tượng thì điểm học bạ thấp hơn 6 điểm/môn cũng có thể trúng tuyển ĐH.
Vì điểm xét tuyển này đã bao gồm điểm ưu tiên nên nhiều ý kiến lo lắng xuất hiện khi thí sinh có điểm học bạ quá thấp cũng có thể đỗ ĐH, điều này có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Nhất là khi điểm học bạ hiện nay ở các trường vẫn có sự nương tay, cả nể, thương học trò của các thầy cô, hay tình trạng “chạy điểm” vẫn diễn ra.
Những hệ lụy
Chất lượng đầu vào vẫn là một trong những yếu tố tiên quyết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trưởng phòng tuyển sinh của một trường ĐH ở Hà Nội cho rằng, đào tạo sinh viên trình độ ĐH nhưng đầu vào thấp quá sẽ khó đảm bảo đào tạo tốt. Không chỉ riêng mức điểm xét tuyển bằng học bạ thấp mà khi điểm chuẩn các phương thức xét tuyển khác quá thấp so với mặt bằng chung của các trường ĐH đào tạo cùng ngành cũng đặt ra những lo lắng về chất lượng đào tạo.
Việc hạ thấp điểm chuẩn để “vét” thí sinh của một số trường ĐH đã được cảnh báo về nguy cơ “thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân ra trường cất bằng ĐH đi làm công nhân. Đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng: Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở Việt Nam hiện nay chính là do việc các cơ sở giáo dục ĐH đào tạo tràn lan, lấy điểm chuẩn thấp để có thể tuyển nhiều thí sinh. Một phần nguyên nhân là do tâm lý sính bằng cấp, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp của ngành giáo dục cũng không bằng tư duy “con đường học ĐH là con đường có tương lai xán lạn”. Mặt khác, hiện nay, các trường ĐH chủ yếu vẫn đang dựa vào nguồn thu học phí để vận hành. Bởi vậy, nhiều trường ĐH dù không có đủ sức hút vẫn cố vơ vét thí sinh để “nuôi” bộ máy” - bà Minh phân tích.
Chia sẻ quan điểm này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, thực tế cho thấy việc đánh giá học bạ ở khá nhiều trường phổ thông hiện nay chưa đảm bảo độ tin cậy cũng như độ chính xác, có thể có trường này trường kia, ở vùng miền nào đó cho nâng điểm lên vì làm thật thì người học bị thiệt, các trường sợ bị tụt thành tích.
“Vào ĐH theo cách như vậy gây mất công bằng cho các thí sinh. Cần làm tốt hơn nữa công tác phân luồng, hướng nghiệp ở bậc phổ thông để những em có năng lực phù hợp thì học ĐH, những em khác đi học nghề, học cao đẳng…” - ông Vinh nói.
Đề xuất quay lại điểm sàn đại học
Nhìn lại trước năm 2018, Bộ GDĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH đối với tất cả các trường, nhiều năm liền ở mức 13-14-15 điểm/3 môn đối với từng khối thi và tùy từng năm căn cứ vào các dữ liệu mà Bộ có như số thí sinh, tổng chỉ tiêu, các phổ điểm…
Từ năm 2018, Bộ GDĐT tạo chính thức bỏ quy định điểm sàn nói chung. Các trường sau đó tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Riêng những ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe ở các trình độ ĐH, cao đẳng căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đến những năm gần đây, điểm sàn cho các trường đào tạo sư phạm, sức khỏe vẫn do Bộ GDĐT quy định, trong khi các ngành khác tự xác định điểm sàn cho phương án xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ hoặc chứng chỉ quốc tế... Điều đáng nói, nếu như kết quả thi tốt nghiệp THPT đảm bảo độ tin cậy về đánh giá khi học sinh cả nước khi thi chung đề thì kết quả học bạ THPT lại khiến nhiều người đặt câu hỏi do có sự chênh lệch trong thang đánh giá, chất lượng đào tạo ở từng địa phương, từng trường. Đặc biệt, những ngờ vực trong việc làm đẹp hồ sơ bậc THPT, giáo viên “nương tay” với học sinh của mình được nhiều chuyên gia chỉ ra, nhất là khi có những chênh lệch trong đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ rõ rệt qua thống kê hàng năm của Bộ GDĐT.
Cụ thể, năm 2023, hầu hết các địa phương đều có điểm học bạ cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này phản ánh việc các nhà trường chạy đua thành tích, chưa chú trọng dạy học thực chất cũng như đánh giá sát năng lực học sinh. Nhìn nhận vấn đề này, TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu trước đây phương thức xét tuyển học bạ thường phổ biến ở những trường ngoài công lập thì nay các trường ĐH công lập, thậm chí là các trường tốp đầu cũng xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, mức điểm trúng tuyển lại phụ thuộc vào từng ngành của từng trường. Nhưng nhìn chung, điểm chuẩn cũng phản ánh rõ tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” ở các trường ĐH hiện nay. Có những trường có điểm chuẩn sát ngưỡng điểm tối đa là 30 điểm/tổ hợp 3 môn, trong khi một số khác lại lấy điểm chuẩn từ 5 điểm/môn nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh đề xuất để các trường không mở rộng đầu vào một cách tràn lan như hiện nay, Bộ GDĐT cần đưa ra các quy chuẩn, phải đề ra một mức điểm sàn nhất định vào ĐH, không để tiếp tục tình trạng tuyển sinh tràn lan như hiện nay.
Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Hạ điểm chuẩn vì khó tuyển sinh không chỉ đặt ra với các trường top giữa, top dưới mà ngay trong những trường ĐH top đầu cũng có những ngành có điểm chuẩn thấp hơn hẳn vẫn khó tuyển sinh dù đó là ngành đào tạo thế mạnh, truyền thống của nhà trường. Chẳng hạn, số liệu đăng ký tuyển sinh ĐH trong 2-3 năm gần đây cho thấy số người đăng ký ngành Khoa học giảm rõ rệt, mỗi năm giảm 3%. Tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, các ngành Khoa học cơ bản có điểm chuẩn năm 2023 với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp chỉ 16 điểm, như ngành Địa chất học, Kỹ thuật địa chất…
Dù tuyển sinh bằng học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực… thì vẫn cần quan tâm số 1 là chính sách chất lượng của nhà trường để đảm bảo đào tạo ra người học có việc làm, phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nếu chỉ chờ “mở đầu vào, siết đầu ra” thì rất khó để đảm bảo chuẩn đầu ra, vì hiện nay vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất. Cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc thanh kiểm tra, phát hiện những bất cập trong tuyển sinh, đào tạo của các trường để đảm bảo quyền lợi cho người học.