Xu hướng tích cực của ngành thép
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9%, lên 1,849 tỷ tấn.
Trong đó, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như ASEAN, châu Âu, Mỹ dự kiến tăng lần lượt là 5,2%, 5,8% và 1,6% so với năm 2023, nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng và sản xuất công nghiệp. Đây đều là những thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam.
Với thị trường trong nước, với tín hiệu khởi sắc từ cuối năm ngoái là cơ sở để tạo đà cho ngành thép ổn định trong giai đoạn đầu năm nay. Số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay 2024, sản xuất thép thô đạt 7,15 triệu tấn, tăng 19%; tiêu thụ đạt 6,96 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng tiêu thụ thép thành phẩm đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng tháng 5 năm nay, tổng tiêu thụ thép toàn hệ thống đạt 351.700 tấn, tăng 1% so với tháng 4 và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
VNSteel dự báo, nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi so với năm 2023, nhưng mức độ phục hồi yếu và chưa thể trở lại mức sản lượng như trước đại dịch Covid-19.
Dự báo thị trường thép trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho hay, giá thép nước ta vẫn đang tiếp nối đà tăng từ cuối năm ngoái và duy trì ổn định. Tuy nhiên, triển vọng tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều thách thức đã khiến giá chưa thể bứt phá. “Quý III thường là mùa mưa tại Việt Nam, làm chậm tiến độ thi công các dự án xây dựng. Cùng với tình hình thị trường bất động sản hiện tại, tiêu thụ sắt thép có thể duy trì ổn định, giá thép xây dựng dự kiến dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn. Xu hướng tích cực hơn sẽ xuất hiện vào cuối quý III, với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, sự thúc đẩy đầu tư công, khi đó giá thép có thể có nhịp phục hồi rõ rệt hơn” - ông Quỳnh dự báo.
Theo ông Phạm Công Thảo - Phó tổng Giám đốc VNSteel, thị trường thép năm 2024 tiếp tục diễn ra trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng yếu và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng nhận định, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
"Tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép" - ông Đa dự báo.