Quốc tế

Thế giới “bay” trở lại

Hà Anh 19/06/2024 09:20

Những chiếc máy bay chở đầy người đi du lịch đang xuất hiện nhiều hơn trên bầu trời, và những ký ức về đại dịch Covid-19 dường như đã tan biến. Thế giới đang bay trở lại.

anhbaitren(1).jpg
Hành khách tại sảnh Sân bay Haneda, Tokyo (Nhật Bản). Nguồn: Bloomberg.

Lượng hành khách kỷ lục

Quý 3/2024, 10,5 triệu chuyến bay dự kiến sẽ bay khắp bầu trời. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đang dự đoán về số lượng hành khách kỷ lục trong năm nay, các máy bay sẽ đầy chỗ như trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và sử dụng lượng nhiên liệu kỷ lục.

Ông Eugene Lindell, người đứng đầu bộ phận sản phẩm tinh chế tại công ty tư vấn công nghiệp FGE cho biết: “Chúng ta đang bắt đầu đi du lịch nhiều hơn và bỏ lại những năm đại dịch”.

Du lịch quốc tế sẽ chứng kiến sự đột biến lớn nhất. Con số này sẽ tăng 9,7% trong năm nay với mức tăng lớn ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Các chuyến bay quốc tế từ châu Á sẽ tăng 23% nhưng hầu như mọi nơi đều có mức tăng đáng kể.

Tại Singapore, một điểm nối khác giữa châu Á và phương Tây, số lượng hành khách tại sân bay Changi trong 3 tháng đầu năm 2024 ở mức 16,5 triệu người, vượt qua mức của năm 2019. Nhu cầu bị dồn nén khiến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu của người Singapore trong quý 1, sau khi chính sách miễn thị thực 30 ngày được áp dụng giữa 2 quốc gia.

Thực tế này đang tạo ra số lượng hành khách kỷ lục cho các trung tâm đường dài quan trọng ở châu Á và Trung Đông. Ví dụ, Dubai International đã ghi nhận quý bận rộn nhất từ trước đến nay về số lượng hành khách trong 3 tháng đầu năm với 23 triệu du khách. Giám đốc điều hành của sân bay dự kiến, họ sẽ đạt kỷ lục 91 triệu lượt khách đến trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo ông Simon Warren - nhà phân tích tại Vitol Group, công ty kinh doanh dầu độc lập, khoảng cách ngắn hơn thực sự đang thúc đẩy sự phục hồi. Ông Warren dự đoán, nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ tăng 650.000 thùng/ngày trong năm nay.

Đối với ngành dầu mỏ, sự hồi sinh này là một động lực đáng hoan nghênh. Đây từng là một thế giới mà OPEC và các đồng minh kể từ những ngày đầu xuất hiện virus Corona đã buộc phải hạn chế nguồn cung xăng dầu một cách khiên cưỡng. Thời điểm đó, mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay thương mại bị ảnh hưởng lớn hơn và lâu dài hơn bất kỳ sản phẩm dầu mỏ chính thống nào khác.

Các nhà kinh doanh dầu khí đánh giá máy bay thường xem xét giá của nó so với dầu diesel, một loại nhiên liệu tương đối giống nhau và chiếm thị phần lớn hơn nhiều trên thị trường xăng dầu toàn cầu. Ở châu Âu, biện pháp này cho thấy nhiên liệu máy bay đã tăng lên kể từ tháng 3, tình hình tương tự cũng được ghi nhận ở châu Á và Mỹ, theo dữ liệu giá trị hợp lý.

Ông Daan Struyven - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ tại Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể về nhu cầu nhiên liệu máy bay trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, dựa trên dữ liệu đặt chỗ. Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu tích cực qua từng năm nhờ sự phục hồi ở đó”.

Nỗi buồn của các nhà môi trường

Đối với các nhà bảo vệ môi trường, xu hướng này lại gây thất vọng vì nó dẫn đến sự gia tăng lượng khí thải carbon và một dấu ấn khác trong sự hồi sinh của ngành du lịch khi thực tế chỉ có khoảng 20% tổng dân số thế giới sử dụng phương tiện máy bay, nhưng tác động của nó lại đang ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh.

Theo các chuyên gia, ngành hàng không không phải là mối đe dọa chính đối với môi trường, nhưng nó chắc chắn được xếp vào hàng những mối đe dọa hàng đầu. Ngành công nghiệp chứng kiến một phương tiện khổng lồ bay trên một quãng đường dài và trong một thời gian dài, đốt cháy hàng gallon nhiên liệu liên tục và thải ra rất nhiều khí nhà kính.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ngành hàng không chịu trách nhiệm cho khoảng 1 gigaton carbon dioxide trong khí quyển mỗi năm. Con người đã bổ sung khoảng 32,6 gigaton carbon dioxide vào khí quyển vào năm 2017, có nghĩa là ngành hàng không chịu trách nhiệm cho khoảng 3% trong số đó.

Ngành hàng không phát thải khoảng 2-3% carbon dioxide, một con số mà ngành này thường chấp nhận. Tuy nhiên, có nhiều loại khí được tạo ra hơn chứ không chỉ là carbon dioxide. Chúng bao gồm các oxit nitơ (NOx), oxit lưu huỳnh, hơi nước, chất cản quang và các hạt, trong số những chất khác, tất cả đều có tác dụng làm nóng lên toàn cầu. Ví dụ, một chuyến bay khứ hồi từ London đến San Francisco thải ra khoảng 5 tấn carbon dioxide cho mỗi người, nhiều hơn gấp đôi lượng khí thải từ 1 chiếc ô tô gia đình trong 1 năm.

Ông Jeffrey Barron - nhà phân tích tại Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết: “Việc di chuyển bằng đường hàng không về cơ bản đã trở lại mức như trước đại dịch. Tuy nhiên, họ cũng đã cố gắng nâng cao hiệu quả của mình trong việc lấp đầy người trên máy bay hơn, nhờ đó nhiên liệu máy bay được tiêu thụ ít hơn một chút so với trước đại dịch".

IATA dự báo, mức tiêu thụ nhiên liệu của ngành hàng không toàn cầu là 99 tỷ gallon (375 tỷ lít) trong năm nay, tăng 3% so với năm 2019. Tuy nhiên, hiệu suất tăng lên đang hạn chế mức tiêu thụ nhiên liệu. Cả IEA và FGE đều không kỳ vọng nhu cầu về nhiên liệu máy bay, bao gồm cả dầu hỏa dùng để sưởi ấm sẽ vượt mức năm 2019 trong năm nay.

Hà Anh