Lại xếp hàng xin học
Tối 16/6, nhiều phụ huynh tại TPHCM xếp hàng trước cổng Trường Tiểu học Thực hành - Đại học Sài Gòn để đăng ký mua hồ sơ xét tuyển vào lớp 1 cho con. Còn tại Hà Nội, gần đây nhiều phụ huynh cũng cuống cuồng tìm lớp “tiền tiểu học” cho con. Điều đó cho thấy việc vào lớp 1 cũng như các lớp đầu cấp đang có vấn đề.
14 giờ ngày 17/6, Trường Tiểu học Thực hành - Đại học Sài Gòn bắt đầu phát hành hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. Nhưng từ nửa đêm hôm trước đã có rất nhiều phụ huynh chờ chực tại cổng trường xếp hàng lấy số thứ tự. Số người xếp hàng cứ tăng dần nên bảo vệ trường đã phải mở cổng cho phụ huynh đã đăng ký theo danh sách vào hành lang tiếp tục ngồi chờ. Có người nhận xét rằng, phụ huynh kiên nhẫn xếp hàng ở trường này không khác gì dòng người xếp hàng mua vàng tại các điểm bán vàng bình ổn giá của ngân hàng.
Sở dĩ như vậy là do năm học tới trường này chỉ tuyển 150 chỉ tiêu, giảm 25 chỉ tiêu so với năm học trước. Đối tượng tuyển sinh là trẻ đủ 6 tuổi, sinh năm 2018. Trường xem xét tiếp nhận hồ sơ theo thứ tự ưu tiên lần lượt là: Trẻ có bố hoặc mẹ là viên chức, người lao động đang công tác tại Trường Đại học Sài Gòn. Tiếp đến là trẻ - con của cá nhân, đơn vị có nhiều hợp tác, đóng góp trong sự nghiệp phát triển nhà trường. Đối tượng thứ ba là trẻ có cha hoặc mẹ là cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Trẻ mầm non thuộc đối tượng còn lại.
Như vậy, cánh cửa vào trường là vô cùng hẹp, nếu không thuộc 3 đối tượng đầu.
Việc này khiến người ta nhớ lại 12 năm trước, sau một đêm dầm mưa xếp hàng, sáng 12/5/2012 hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng sắt ùa vào sân Trường Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con.
Còn thời gian này ở Hà Nội, nhiều phụ huynh lại cuống cuồng vì chuyện học “tiền tiểu học” của con. Tháng 9 tới trẻ mới vào lớp 1 nhưng nhiều phụ huynh đã lo cho con đi học sớm theo hình thức bán trú 5 ngày/tuần, từ thứ 2 đến thứ 6. Tại nhiều địa điểm, giống như chính khóa, lớp học bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 16 giờ 30 chiều, buổi trưa sẽ ăn và ngủ lại nhà cô. Dù là học trước chương trình nhưng lịch học “tiền tiểu học” của một trẻ 6 tuổi rất nặng.
Nhiều nhà giáo dục đã khuyên các bậc phụ huynh không cần thiết cho con học “tiền tiểu học” trước khi vào lớp 1, nhưng đều bị bỏ ngoài tai. Họ cho rằng khi vào lớp 1 con cái sẽ phải tự mình đối mặt với nhiều điều mới lạ, khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, rụt rè. Nên đi học trước vẫn là thượng sách.
Việc vào lớp 1 ở các thành phố lớn vẫn tiếp tục gay gắt, dù ở hình thức này hay hình thức khác. Tất nhiên là xuất phát từ nhu cầu của xã hội nhưng không lẽ ngành giáo dục và chính quyền địa phương vô can? Việc vào lớp 1 phải coi là tất nhiên, cánh cổng trường phải luôn rộng mở cho bất cứ đứa trẻ 6 tuổi nào. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc thiếu trường lớp và kể cả tạo ra đẳng cấp của các trường đã khiến cho tình hình trở nên căng thẳng. Ai cũng muốn con cái được học trường tốt hoặc gần nhà, nên cuộc đua chạy trường rất ráo riết. Với loại hình trường thực nghiệm (hay thực hành) được đánh giá cao vì chương trình học mới, cách dạy mới, hiệu quả học tập của học sinh rất tích cực, vì thế luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh.
Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì tại sao không nhân rộng những mô hình dạy học tích cực đó để đạt được sự cân bằng của cả hệ thống? Khi mà cùng một bậc học hệ công lập (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) nhưng như thể có hai loại khác nhau, hai “trình” khác nhau là điều rất cần phải suy nghĩ.
Việc năm nào cũng vậy phụ huynh ở Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn khác hết sức vất vả chạy trường cho con vào lớp 1 hoặc chuyển cấp cần phải chấm dứt. Việc này không chỉ ngành giáo dục lo được, mà còn phải có sự vào cuộc thực sự của chính quyền địa phương; cả về xây dựng thêm trường học cũng như bố trí đủ giáo viên đứng lớp.
Không thể để “chuyện người lớn” ảnh hưởng tới việc học hành của trẻ em. Ai cũng biết ý nghĩa của việc học hành là vô cùng quan trọng đối với mỗi một con người, một gia đình, dòng họ và cũng là tương lai của đất nước. Nhưng làm gì thì không hẳn nơi nào cũng ý thức được khi mà vẫn ưu tiên xây căn hộ thương mại, nhà hàng khách sạn, siêu thị thay vì dành đất và ngân sách để xây trường học.