Tinh hoa Việt

Gen Z tìm gì ở báo chí?

HÀ LAN 20/06/2024 08:51

Khác với những thế hệ trước đó, Gen Z (chỉ thế hệ sinh từ năm 1997 - 2012) lớn lên trong thời đại của internet nên dường như công nghệ đã được “cài đặt sẵn” trong cuộc sống của họ.

img_8365.jpg
Bạn đọc Gen Z “săn lùng” bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ in kèm báo Nhân Dân số ra ngày 7/5/2024. Ảnh: Xuân Ngân.

Với bộ lọc thông tin nhanh nhạy cùng khả năng sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng công nghệ số, Gen Z đang đặt ra cho báo chí bài toán làm sao để thu hút nhóm đối tượng này?

Tạo niềm tin cho Gen Z

Trong thời đại mà công nghệ ngày càng phát triển và mạng xã hội đang thống trị thời gian sử dụng thiết bị, việc tương tác và tiêu thụ tin tức của độc giả trẻ đã có sự thay đổi sâu sắc. Giờ đây, Gen Z lựa chọn các nền tảng mạng xã hội thay vì các nguồn tin tức truyền thống đã không còn là điều đáng ngạc nhiên.

Có thể dễ nhận thấy, Gen Z đều có điểm chung là tiếp cận thông tin báo chí chủ yếu qua mạng xã hội, thời gian đọc báo không nhiều, chỉ vài lần/tuần. Ngọc Linh (21 tuổi), sinh viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho biết, theo thống kê dữ liệu trên điện thoại tự động tính theo tuần của bản thân thì trung bình mỗi ngày Linh sử dụng các trang mạng xã hội trong 7 - 8 giờ đồng hồ. Trong đó ứng dụng chiếm nhiều thời gian nhất là Facebook, TikTok, Instagram...

“Thông thường tôi chỉ cần lên các trang mạng xã hội là đủ biết thế giới đang vận hành như thế nào. Tôi theo dõi đủ các kênh tin tức từ chính thống đến “hóng biến” để có thể cập nhật thông tin bằng vài thao tác lướt trên điện thoại. Mặc dù thông tin trên các trang mạng xã hội sẽ bị đan xen bởi những bài đăng khác, nhưng đó không phải là vấn đề quá lớn”, Ngọc Linh cho hay.

Sống trong “biển thông tin” rộng lớn, Gen Z không chỉ tiếp nhận nguồn thông tin từ một phía mà còn tiếp nhận từ nhiều nguồn khác nhau. Làm thế nào để các bạn trẻ có thể xác định được những nguồn thông tin đáng tin cậy giữa hàng nghìn thông tin trên internet, được dẫn dắt bởi các nhà sáng tạo nội dung, người có ảnh hưởng hay người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trong khi thông tin chia sẻ từ những đối tượng này chia thường không tuân theo các nguyên tắc chất lượng báo chí như những đơn vị báo chí uy tín.

Điều này tưởng chừng như sẽ làm khó Gen Z nhưng thật ra đó không phải là rào cản. Vì bộ lọc thông tin của thế hệ này có sự chủ động theo cách riêng của họ. Gen Z là thế hệ tiếp xúc với khối lượng lớn thông tin từ rất sớm. Họ không dễ bị dao động bởi những tít báo giật gân hay những quảng cáo trá hình. Chính vì vậy họ sẽ luôn đặt câu hỏi về mức độ xác thực của thông tin để có thể đánh giá xem có nên tin tưởng vào bài báo, trang báo đó không.

Vấn đề tạo niềm tin với người trẻ thế hệ Z chính là một trong những nút thắt quan trọng để các cơ quan báo chí thu hút và trở thành công cụ thông tin đáng tin cậy cho người trẻ. Độc giả trẻ luôn mong đợi nhiều hơn từ báo chí để trao đi niềm tin của mình. Nếu không đủ tin tưởng, họ sẽ dễ đổi sang tờ báo khác ngay nếu không hài lòng về bất kỳ vấn đề gì, từ việc nội dung thông tin sai, đến chất lượng app (ứng dụng) của tờ báo chạy chậm, hay các hình ảnh, video đăng trên trang báo điện tử có chất lượng kém… Do đó, dù Gen Z là thế hệ độc giả thích đọc nhanh, nhưng phần lớn họ không hời hợt - như cách mà nhiều người vẫn hay hiểu nhầm (hoặc đánh giá thấp).

Theo TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân, từ góc độ người làm báo, các “nhà xuất bản” tin tức phải chú ý hơn tới việc cung cấp các tin tức vắn tắt, chắt lọc và đa dạng, ngày càng nâng cao chất lượng các bài báo, dù ngắn hay dài, nhất là về nội dung, sự hấp dẫn, chính xác, cập nhật và có hình thức, thể hiện, trình bày phù hợp với hành vi, thói quen của Gen Z; chú ý tạo sự cân bằng hơn giữa tin tức và tính giải trí, tính tổng hợp đầy đủ và các lát cắt riêng theo chủ đề của các trang tin; gia tăng tiếng nói của thế hệ trẻ trong cung cấp tin tức và coi trọng thúc đẩy sự tương tác để tiếp cận nhiều độc giả hơn, đa dạng hóa trải nghiệm và cá nhân hóa lựa chọn...

Sự tương tác này không chỉ nằm ở việc độc giả có thể bình luận vào dưới các bài báo, mà còn là khả năng tham gia vào các cuộc thăm dò ý kiến, nhận xét về một vấn đề nào đó, hoặc “giao lưu” trên mạng xã hội với tờ báo.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, để giữ chân được độc giả Gen Z thì nội dung của báo chí thôi là chưa đủ. Quan trọng là phải tạo dựng được niềm tin cùng cách thể hiện, trình bày phù hợp với hành vi, thói quen của Gen Z.

Thay đổi để bắt nhịp cùng Gen Z

Những thách thức mà độc giả Gen Z đặt ra cho báo chí là sự kết hợp và cân bằng giữa nội dung có trách nhiệm, cách thức thể hiện đa dạng, trải nghiệm khách hàng tích cực và sự kết nối nhân văn giữa con người với con người.

Gen Z có thể là những con người của công nghệ, nhưng họ rất coi trọng sự kết nối con người. Có lẽ đó là lý do mà Gen Z có thể lựa chọn chính xác những gì mình muốn xem, mà ở đó còn có thể bình luận và tương tác. Hiện nay một số cơ quan báo chí đã xây dựng được các cách kết nối với độc giả trẻ đã cho thấy hiệu quả khi ngày càng có nhiều độc giả trung thành hơn. Nhiều trang Facebook, group Facebook đã được lập ra để tương tác với độc giả. Chiến lược này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của độc giả và chất lượng nội dung, mà còn giúp cơ quan báo chí hiểu rõ hơn về độc giả của mình. Một số cơ quan báo chí đang làm tốt việc này như: VTV, báo Nhân Dân, báo Thanh Niên... đều sở hữu những kênh mạng xã hội ưa thích của Gen Z.

Không chỉ đổi mới trên internet, các đơn vị báo chí còn phải thay đổi cách đưa ấn phẩm báo chí đến với bạn đọc trẻ. Chẳng hạn, chỉ cần đổi mới cộng thêm sự sáng tạo mà trong tháng 5 vừa qua, báo Nhân Dân sau khi phát hành số đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được rất nhiều bạn trẻ Gen Z săn lùng. Nhà báo Thi Uyên (thành viên nhóm tác giả) chia sẻ: “Nhóm phát triển mong muốn tạo ra một sản phẩm kết hợp công nghệ và báo in truyền thống. Cá nhân tôi hy vọng rằng trải nghiệm thực tế ảo tăng cường trên ấn phẩm này sẽ giúp Gen Z thêm gần gũi và gắn bó với nội dung báo chí chính thống. Thay vì dùng kính phức tạp, toàn bộ trải nghiệm sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng trên điện thoại: Báo Nhân Dân - quét AR”.

khanh-an1-1-.jpg
Phóng viên Trần Khánh An (Sinh năm 2000, báo VietNam News).

Có thể thấy, nếu các cơ quan báo chí đầu tư để thúc đẩy sự yêu thích và lòng tin của đối tượng độc giả Gen Z sẽ là một hướng đi cần thiết cho sự phát triển của báo chí trong tương lai. Theo TS Lại Hải Bình - Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện (Học viện Phụ nữ) cho rằng, trong 10 năm tới thế hệ Z sẽ là nhóm công chúng nắm giữ vai trò quan trọng trong lựa chọn tin tức. Bởi vậy họ sẽ là nguồn doanh thu chính cho hoạt động tiếp cận và trao đổi tin tức. Nếu các cơ quan truyền thông chuyển mình, tiếp cận với nhóm này, họ sẽ là những công chúng trung thành nhằm xây dựng một nền tảng truyền thông vững chắc trong tương lai.

Các chuyên gia truyền thông cho rằng, cơ quan báo chí muốn phát triển cần phải gây dựng thế hệ độc giả tương lai, mà việc nhắm vào Gen Z chính là mục tiêu cần phải đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc. Bên cạnh đó cần hướng đến sự độc đáo, sáng tạo thì mới có thể chinh phục được những độc giả trẻ, nhưng lại rất khó tính này.

Tự sự của phóng viên Gen Z
Việc đọc báo mỗi ngày sẽ giúp cho người trẻ định hướng được luồng thông tin, từ đó có được trong tư tưởng của mình những mục tiêu đúng đắn, không bị lay động trước những thông tin xấu, độc tràn lan trên mọi nền tảng mạng xã hội.
Tôi cho rằng, thế hệ Gen Z đang đứng giữa rất nhiều nguồn tin tức, việc lựa chọn, tiếp nhận như thế nào sẽ là cách của mỗi người. Nhưng khi tìm đến với các trang báo chính thống các bạn sẽ có ngay cho mình được thông tin chuẩn, không cần phải kiểm chứng qua nhiều nguồn khác. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, các cơ quan báo chí cũng cần có thêm các kênh để thu hút độc giả trẻ, chẳng hạn như xây dựng các kênh thông tin nhanh trên mạng xã hội, dẫn nguồn link để người đọc tiếp cận trực tiếp... Từ đó tạo được thói quen cho người trẻ và gây dựng sự uy tín trong lòng Gen Z.
Với tôi, việc làm báo là một trải nghiệm quý giá để tìm hiểu về cuộc sống. Dấn thân vào báo chí giúp bản thân tôi có cơ hội được cọ sát, thực chiến với các vấn đề trong xã hội cần góp tiếng nói của người làm báo. Đây cũng là môi trường để người trẻ như tôi trưởng thành hơn, nhìn về cuộc sống bằng một góc nhìn bao quát hơn để thấy ngoài kia vẫn còn nhiều điều để học hỏi mỗi ngày.

(PV Trần Khánh An, sinh năm 2000, báo VietNam News)

HÀ LAN