Tác nghiệp ở Trường Sa
Trong chuyến công tác của đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vừa qua có nhiều phóng viên, biên tập viên tham gia. Có người đi lần đầu, cũng có người đã đi nhiều lần nhưng tất cả đều háo hức, xúc động.
Mỗi phóng viên đều chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong suốt hải trình để tạo ra các tác phẩm báo chí về sức sống, sự cống hiến của quân và dân trên đảo.
Khác hẳn trên đất liền, các nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa khó khăn hơn vì thời tiết khắc nghiệt, thời gian gấp gáp, lịch trình dày đặc.
Nơi đầu sóng, ngọn gió
Đối với nhà báo Bùi An Luých (Báo Người Công giáo Việt Nam), đây là chuyến tác nghiệp đặc biệt.
“Lần đầu tiên được đến quần đảo Trường Sa, tôi vừa hồi hộp vừa cảm thấy vinh dự. Mỗi đảo tôi đến đều mang lại những cảm xúc mới, khám phá mới nhưng trên tất cả là sự cảm phục ý chí, nghị lực của quân, dân ta nơi đầu sóng, ngọn gió. Mọi tình cảm thật khó có thể diễn tả hết bằng lời. Trong chuyến công tác này tôi đã xây dựng tuyến bài viết nhằm lan tỏa tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo đến với đất liền”, nhà báo An Luých nói.
An Luých cho biết, tác nghiệp trên hành trình hơn 1.000 hải lý là một trải nghiệm ấn tượng. Trên chiếc ca nô bồng bềnh theo những con sóng cao hàng mét, mọi người đều phải bám chặt vào thành thuyền. Nhưng trong điều kiện khó khăn ấy, các nhà báo vẫn tìm cách “chớp” được những khoảnh khắc đẹp.
Với phóng viên Hoàng Nhung (Tạp chí Mặt trận) được tác nghiệp hơn một tuần ở Trường Sa là kỷ niệm “không bao giờ quên”.
“Giữa biển đảo quê hương, tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ và người dân tại Trường Sa. Được lắng nghe những câu chuyện của những chiến sĩ tại Trường Sa để thấy rõ sự đồng lòng, chung sức, quân với dân cùng một ý chí, cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ biển đảo quê hương. Chưa đi Trường Sa thấy thật là xa, đến Trường Sa rồi thấy thật gần. Vì Trường Sa ở ngay trong tim mỗi chúng ta. Tôi rất cảm động trước sự tươi đẹp của biển đảo, quê hương Việt Nam”, chị Nhung nói.
Nhà báo Phạm Quang Tiến (Báo Hải quân Việt Nam) đã nhiều lần đến với Trường Sa. Nhưng mỗi lần trở lại, anh lại trào dâng cảm xúc khi thấy Trường Sa có những đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của quân dân trên đảo đầy đủ hơn.
“Mỗi chuyến đi Trường Sa khiến tôi thêm tự hào, thôi thúc tôi có nhiều ý tưởng sáng tạo về đề tài biển đảo để truyền tải tới độc giả”, nhà báo Quang Tiến bày tỏ.
Những kỷ niệm khó quên
Nhà báo Vũ Quang (Báo Pháp luật Việt Nam) cho biết, chuyến công tác tháng 5 vừa qua là lần đầu tiên anh được đặt chân đến Trường Sa.
Mỗi chuyến đi Trường Sa khiến tôi thêm tự hào, thôi thúc tôi có nhiều ý tưởng sáng tạo về đề tài biển đảo để truyền tải tới độc giả”, nhà báo Quang Tiến bày tỏ.
Vì là chuyến đi biển dài ngày lần đầu tiên nên khi lên tàu, nhà báo Vũ Quang cùng nhiều thành viên khác không khỏi âu lo. Không phải vì ngại khó, ngại khổ mà lo làm thế nào thích ứng nhanh nhất với cuộc sống trên tàu, để còn tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ trong những ngày đến với quần đảo Trường Sa. Thế rồi, mọi âu lo cũng nhanh chóng qua đi bởi sự chu đáo, tận tình của các chiến sĩ hải quân trên tàu và trên các đảo.
Ngoài nhiệm vụ tác nghiệp gửi bài về tòa soạn, nhà báo Vũ Quang cùng nhóm phóng viên còn có thêm nhiệm vụ là thực hiện các bản tin nội bộ trên tàu. Cái nắng “đổ lửa” ở Trường Sa quyện với những cơn gió mang theo hơi muối của biển cả bám lấy da thịt, khiến anh em phóng viên ai cũng “đổi màu da nâu” chỉ trong vài ngày.
Nhà báo Vũ Quang cho biết, kỷ niệm ấn tượng nhất đối với anh là nhiệm vụ tác nghiệp tại sự kiện lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa.
Tối hôm trước, nhóm phóng viên đã xây dựng phương án chi tiết nhưng tất cả đã không như dự tính. Sau khi Chuẩn đô đốc, Chính uỷ Vùng 3 Hải quân phát biểu thì cơn dông ào ào kéo đến như muốn nuốt chửng con tàu. Nhóm phóng viên ngồi trên xuồng máy ai cũng ướt hết quần áo phải lên tàu ngay, nếu không nguy hiểm sẽ ập tới.
“Không ai bảo ai, các thành viên trong đoàn vẫn đứng dưới mưa tiếp tục thực hiện nghi lễ thả vòng hoa, lễ vật, cùng những cánh hạc giấy để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Buổi lễ đã diễn ra trong không khí linh thiêng. Tác nghiệp trong bối cảnh đặc biệt ấy, nhóm phóng viên chúng tôi không ai kìm được nước mắt”, anh Quang nhớ lại.
Lần đầu tác nghiệp tại Trường Sa, nhà báo Nguyễn Văn Toán (Báo Đại Đoàn Kết) cũng không khỏi bồi hồi. “Đến đây rồi tôi mới thấy rằng mùa hè miền Bắc vẫn quá dễ chịu. Ở Trường Sa nắng bỏng rát, nhiệt độ cao nên ảnh hưởng lớn tới việc tác nghiệp. Tôi phải cố gắng gấp cả chục lần bình thường để có thể săn được bức ảnh ưng ý. Rất mệt, nhưng được tác nghiệp ở Trường Sa, với tình yêu biển đảo quê hương là tôi có động lực vượt qua”, anh Toán nói.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với nhà báo Nguyễn Văn Toán là những ngày gần cuối của hải trình. Biển động khiến hầu hết các nhà báo bị say sóng, nhiều khi tưởng chừng không thể bước nổi. Khó khăn nhất là việc di chuyển bằng xuồng từ tàu mẹ lên các đảo và nhà giàn. Sóng lớn, quần áo ướt sũng nhưng các nhà báo vẫn cố ôm máy quay, máy ảnh được bọc kỹ trong các bao nylon để tác nghiệp.
Theo nhà báo Lê Tú (Báo Đại biểu Nhân dân), những vất vả khi tác nghiệp ở Trường Sa chưa thấm gì so với những khó khăn mà quân dân trên các đảo phải đối mặt, vượt qua.
“Bản thân tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn trong tác nghiệp, làm sao để đưa đến người dân cả nước những hình ảnh chân thực nhất về hơi thở cuộc sống, sự cống hiến, hi sinh to lớn của quân dân nơi biển đảo vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tình cảm giữa đất liền với đảo, giữa biển đảo với đất liền khơi dậy trong tâm khảm mỗi người Việt Nam tinh thần cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, nhà báo Lê Tú nói.