Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đi và viết, không cần gì hơn thế
Thời sự báo chí trong những ngày tháng 6 năm nay có nhiều điều để quan tâm, suy nghĩ. Và xét ở góc độ nghề nghiệp, lựa chọn một đồng nghiệp để trò chuyện nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi nghĩ, mỗi người đều có phương án của riêng mình. Tôi chọn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một người bạn cũ, một gương mặt không mới, nhưng cởi mở với những thực hành nghề nghiệp đa dạng…
Tôi là một đám mây phiêu bồng
Nhà báo NGUYỄN THANH BÌNH: Nhiều người nhắc đến nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là nhớ đến những phóng sự của anh. Và khó có thể phủ nhận một điều, chính phóng sự cũng là thể loại làm nên tên tuổi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Những năm 90 của thế kỷ 20 ấy, chắc phải có một nỗi niềm gì đó, một hào hứng gì đó, để anh khởi đầu nghề báo, rồi mải mê đi đó đi đây, viết và viết?
Nhà báo ĐỖ DOÃN HOÀNG: (Cười) Tôi vào Đại học là năm 1994,
tức là cuộc đời của anh bạn trẻ tên Hoàng mở ra đầy ngơ ngác và hào hứng suốt thời sinh viên và các năm đầu đời làm báo. Tôi ước hơn chục năm, từ khoảng năm 1995 đến năm 2010. Ai cũng vậy thôi. Đó là tuổi đẹp nhất của người làm nghề viết. Sau này, tôi đi khắp Việt Nam, rồi mở rộng ra thế giới. Tôi bị cái câu của ông Tư Mã Thiên mê dụ, đại ý là: Đi hết các núi sông trong thiên hạ, đọc hàng vạn cuốn sách và đi hàng vạn ngọn núi con sông.
Đi và viết, không cần gì hơn thế. Tiền cũng chả cần. Tiêu tốn sức khỏe và sự mạo hiểm cũng chả cần. Bỏ các vị trí béo bở đi theo một dự án mơ hồ nào đó, với tiếng gọi mơ hồ nào đó, mà vừng trán chứa đầy các đám mây khát vọng vần vũ.
Thế rồi, vẫn là phóng sự, dẫn anh đi từ báo nọ sang báo kia…
- Đúng vậy. Tôi trải qua các báo Thanh Niên, An ninh Thế giới, Công an Nhân dân, rồi sang tờ Lao Động, rất ngẫu hứng và toàn là có người rủ rê mời mọc. Đi thì đi, không cần quay lại cơ quan cũ lấy hồ sơ, không cần dọn bàn ghế hay tài liệu. Vì “hành trang anh chẳng có gì”.
Mãi đến giờ, khi ai đó phỏng vấn tôi, đề nghị được ghi hình tại toà soạn, thì câu trả lời rất thật mà như tiếu lâm: “Tôi không có bàn làm việc, tôi không biết vị trí của tôi ngồi ở đâu. Chắc mấy trăm người trong cơ quan tôi cũng không biết hết mặt”. Bởi tôi là một đám mây khá phiêu bồng.
Độc giả giờ cũng nguội lòng hơn
Những cuộc dịch chuyển như thế, khiến cho anh thay đổi môi trường làm việc, “thỏa chí” viết phóng sự theo cách riêng, thậm chí không còn bị gò bởi những khuôn khổ của báo in. Sự chuyển dịch của báo chí trong những năm qua phải nói là rất mạnh mẽ. Nhưng cũng có một sự thật thế này: sau 1/4 thế kỷ, nhiều tờ báo in đã không còn giữ chuyên mục phóng sự. Tôi thấy mảnh đất phóng sự màu mỡ ngày nào đã “bạc màu”. Anh có nghĩ vậy không?
- Tôi nghĩ, "bạc màu" do sự cạnh tranh của mạng xã hội, của internet nói chung, của văn hóa nghe nhìn lên ngôi. Lúc tôi vào nghề và chục năm sau đó, toàn là: 1 phóng sự trị giá 1 chỉ vàng. Giờ thì nhuận bút cơ bản “bèo bọt”, do báo chí gặp khó khăn. Các mục phóng sự tôi từng làm mưa làm gió, thậm chí mỗi ngày “phóng một cái sự” đến nay đều đã cáo chung.
Ngoài những điều như anh vừa nói, thì cũng phải nhìn nhận một cách sòng phẳng, ngày càng thiếu vắng sự dấn thân của người cầm bút, và cái “chất” của phóng sự nó cũng không còn như xưa?
- Đúng. Không chỉ cái chất phóng sự truyền thống nó đã khác, mà độc giả giờ cũng nguội lòng hơn rồi.
Độc giả ngày nay họ thích những tin tức cập nhật, thật nhanh và thật ngắn. Những phóng sự dài kỳ, những câu chữ dềnh dang không còn được ưa thích. Và có vẻ các tòa soạn báo cũng không còn nâng niu phóng sự nữa…
- Rất đúng. Các tờ báo cũng không nâng niu nữa. Những tờ báo hoàng kim về phóng sự tôi từng chứng kiến và từng viết vô số với giá “mỗi chỉ vàng một bài” đều cơ bản “bạc màu” phóng sự hoặc biến mất chuyên mục phóng sự đi rồi… Tiền đầu tư cho mục cũng vơi đi hoặc “hết tài trợ”. Và người viết, vì thế, cũng chẳng để tâm nữa.
Tôi chờ đợi vận may
Chính nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, sau những dấn thân với phóng sự điều tra, có vẻ cũng đã không còn mặn mà như trước. Nhiều người bất ngờ, có người tiếc khi thấy “nhà báo chuyên phóng sự” dạo này mải mê đầu tư máy ảnh đi chụp các loài chim trong rừng thẳm. Có phải bước vào cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” nên ngại va chạm, hay là anh đang ủ một cơ hội nào đó?
- Tôi ủ nhiều kế hoạch để chờ đợi vận may. (Cười). Nhưng tôi không hề ngại va chạm khi làm phóng sự. Các giải Nhất, Giải A Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng tiêu cực mà tôi nhận mấy năm qua cho thấy một điều: Phóng sự của chúng tôi chưa bao giờ va chạm thế.
Anh đang muốn nói đến quá trình làm phóng sự phanh phui việc người ta tàn sát rừng nghiến cổ thụ ở Na Hang, Tuyên Quang phải không?
- Phải rồi. Loạt phóng sự ấy (Giải A, Giải báo chí Toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực) đã khiến các đối tượng đi tù tới 64 năm. Còn nhiều vụ chấn động khác nữa. Đời tôi chưa bao giờ chấp nhận va chạm, kêu cứu tới Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra và Ban Biên tập về việc họ dọa trả thù chúng tôi… - như lúc này. Tuy nhiên, quả là tôi làm có ít hơn.
Và thận trọng hơn?
- Thận trọng, và ngại “húc đầu vào đá” hơn. (Cười). Tôi vẫn mải mê với rừng, nhưng ngả về chim chóc, muông thú, nhiếp ảnh hoang dã. Bởi vì tôi bị lạc vào những đam mê khó tả. Tôi cũng nghĩ: chả tội gì mình buông bỏ cái đam mê ấy.
Tôi làm phóng sự về lĩnh vực này và chinh phục đủ các giải quán quân báo chí. Rồi đứng ra cùng cộng sự thành lập các câu lạc bộ, mạng lưới báo chí, các hội bảo tồn chim muông trong cả nước. Tôi đi các trường đại học dọc miền Trung và Tây Nguyên truyền cảm hứng về chủ đề này.
Tôi nghĩ, mình làm điều gì có ích cho đời thêm nữa, ngoài việc làm báo, lại thỏa cái đam mê với những ẩn ước thời thơ ấu ở rừng rú của mình nữa. Tội gì mà không làm.
Thiên nhiên giúp tôi làm mới mình
Khi dấn sau vào rừng thẳm, im lặng lắng nghe tiếng hót các loài chim và chụp những vẻ đẹp của chúng, điều anh nhận ra là gì?
- Tôi giác ngộ, tôi lột xác từ ngày tôi đi châu Phi và đi các nước châu Mỹ, châu Âu. Thấy thiên nhiên tuyệt bích và quan trọng quá. Thấy chúng ta ứng xử với thiên nhiên đôi khi bất nhẫn quá. Và thiên nhiên lành lẽ còn giúp hình thành nhân cách con người ta, bảo bọc con người ta, cứu rỗi con người ta. Tại sao không hành động.
Tôi nhận ra, thiên nhiên là nơi tôi thư giãn, làm mới mình và truyền cảm hứng cho mình sống và cống hiến cho lĩnh vực đó. Lại vừa được làm nghề đến tận cùng. Các giải báo chí lớn, uy tín nhất Việt Nam mà tôi nhận được thời gian gần đây đều viết về bảo vệ thiên nhiên: vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, vụ phá rừng nghiến cổ thụ “khủng” nhất Việt Nam; Điều tra về những “nấm mồ” rùa biển lớn nhất từng được biết đến trên thế giới…
Vẫn phải nhắc lại: mình làm được, có cảm hứng để làm, thấy hạnh phúc để làm và để du ngoạn, tận hưởng: Tại sao không?
Thực hành nghề nghiệp, tất nhiên, tôi hiểu có nhiều cách khác nhau. Lựa chọn cách nào tùy thuộc mỗi người. Lựa chọn của anh bây giờ là một cách. Cách ấy, tự anh đánh giá thì thế nào?
- Tôi lựa chọn điều tôi thích. Đã thích thì dù khổ cũng không thấy khổ. Nguyên tắc: được làm điều mình thích là một hạnh phúc lớn. Nhưng hạnh phúc thật sự lớn sẽ phải là: làm điều mình thích mà không hề phải làm điều mình không thích! Trong mọi giá trị phấn đấu, thì Tự do là quý giá nhất.
Tự do gì cũng là tự do trong giới hạn
Trở lại với những phóng sự trong mấy năm gần đây khi anh cùng các đồng nghiệp thực hiện. Nhiều độc giả vẫn nhớ tới sự dấn thân, đeo bám, không ngại khó ngại khổ. Ở góc độ nghề nghiệp, thành thật mà nói, có đề tài nào đã khiến anh tính đến bỏ cuộc?
- Trong Hội báo Toàn quốc vừa rồi, tôi được Hội Nhà báo Việt Nam mời điều hành một phiên thảo luận. Và tôi có làm banner cho cuộc ấy như sau: “Phóng sự - Điều tra: Hành trình làm điều có ích”. Tôi luôn khát khao, dùng con chữ, hình ảnh, nghề báo của mình; cả hình ảnh cá nhân và hoạt động ngoài trang viết của cá nhân mình, để làm gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc đời.
Tôi hy vọng sẽ không bị coi là cao đàm khoát luận hay dạy đời khi nói ra câu trên. Bởi đó là thực tâm suy nghĩ của tôi, khi làm nghề, viết lách như cơm ăn nước uống hàng ngày như bây giờ; ngày làm việc, đêm giảng dạy/nói chuyện cho sinh viên và các nhà báo như bây giờ; viết tới hơn 30 cuốn sách và đi vài chục quốc gia như lâu nay. Tôi tin, nếu đi đến tận cùng nghề nghiệp, anh cũng sẽ nghĩ như thế. Tôi cứ nghĩ, có làm được hay không thì để người đời suy xét. Làm gì có ai đánh thuế giấc mơ. (Cười).
Và đó cũng là lý do tôi đeo bám, dấn thân, không ngại nguy hiểm và khó khăn. Tuy nhiên, những đề tài tôi bỏ cuộc cũng nhiều lắm. Sức, tài của mình có hạn, cái “trần” của công việc mình làm cũng có hạn. Tôi càng hiểu sâu sắc, viết và lách. Tự do gì cũng là tự do trong giới hạn.
Góp ý, phản biện cũng phải dựa trên những quy định luật pháp cho phép...?
- Phải rồi. Góp ý, phản biện, kiến nghị, thậm chí tố cáo điều gì cũng phải dựa trên quy định luật pháp và là nơi thể hiện sâu sắc nhất trách nhiệm xã hội của người cầm bút chân chính.
Nhiều đề tài, sau nhiều năm đeo bám, tôi chưa bao giờ dám công bố, vì tài liệu chưa kín kẽ. Nghề báo, nghề viết, là sáng tạo trong nhọc nhằn và cô đơn. Tôi không tin, anh sẽ làm tốt công việc làm báo, chỉ nhờ cảm hứng từ cà phê đặc hay rượu nặng hay các cuộc giao lưu ồn ào. Mà là sáng tạo tận hiến như một con sói cô độc, với tính chuyên nghiệp được tôi rèn từng giờ từng phút từng giây, với sự khắc kỷ “trái tim nóng và cái đầu lạnh” thật sự. Chỉ khi đó, những tác phẩm mới thật sự có sức sống trong lòng công chúng.
Tôi không sấp mặt vì tiền
Đã bao giờ anh so sánh hiệu quả của việc làm diễn giả, giảng bài cho các tổ chức, các trường đại học với việc làm báo chưa?
- Tôi đi bằng hai chân. (Cười). Giảng dạy - truyền cảm hứng cho các trường, cho các đồng nghiệp, cho các tổ chức trong và ngoài nước là một lĩnh vực tôi đặc biệt tâm huyết. Tôi nhìn thấy tính hữu ích của nó. Trừ những người bảo tôi huyên thuyên ba hoa (ví dụ thế) thì tôi luôn nghĩ có quá nhiều người họ lắng nghe tôi như tri âm tri kỉ. Họ trở thành bạn quý của tôi chỉ qua vài buổi giao lưu. Đến lượt họ truyền cảm hứng cho tôi.
Ý tưởng và các đề tài ra đời từ đó. Chuyến đi dọc các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên giảng dạy, diễn thuyết của tôi thật sự là một hành trình làm tôi hạnh phúc. Có như ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, anh Hà Phước Phú - Phó Chi Cục trưởng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam ngồi nghe tôi và cộng sự nói về bảo tồn hoang dã từ 8h sáng đến 12 giờ trưa. Tôi thật sự bất ngờ, cứ tưởng như thông thường, các vị ấy đến khai mạc xong rồi về. Chúng tôi gắn bó với nhau từ đó.
Với các bạn sinh viên báo chí, tôi vui vì bao năm qua, tôi đào tạo họ, giúp họ có một cái nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc và rồi họ “sánh vai” với tôi và các nhà báo kỳ cựu khác, nhận các giải A, giải B, Giải Báo chí Quốc gia… Có nhà lầu, xe hơi, vợ con đuề huề nhờ làm báo lương thiện. Đi khắp các tỉnh thành giảng dạy cho Trung tâm nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, tôi coi là các chuyến đi học nghề, học hỏi đồng nghiệp, trau rèn kĩ năng đối thoại, phỏng vấn, diễn thuyết của mình, khai thác các đề tài phóng sự độc quyền với sự hỗ trợ của các nhà báo mà họ ưu ái gọi tôi là “thầy Hoàng”…
Còn “chân chính”, tức là nghề báo thì sao?
- Tôi vốn học Tổng hợp Văn, vì nhà nghèo, bố tôi lo tôi không kiếm được cơm áo nên khuyên tôi bỏ ngang sang học báo chí. Được đi như một cánh chim bạt gió khắp địa cầu, làm được những điều mình thích (và biết đủ với những gì mình không làm được), tôi cảm thấy hạnh phúc.
Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo và nghề giảng dạy. Và, chọn cả những sai lầm của tôi trong 30 năm cầm bút vừa qua. Chọn cả cách sống không học hàm học vị, không làm bất cứ chức vụ nào - ngoài danh xưng nhà báo. Mỗi sáng thức dậy và mỗi đêm đi ngủ, không nghĩ mảy may tí nào tới tiền bạc… Nhiều khi “áo cơm ghì sát đất”, nhưng tôi không sấp mặt vì tiền, không đội tiền lên đầu.
Tôi gọi đó là cách nghĩ “tri túc tâm thường lạc”, biết đủ thì là đủ.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, quê Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Đã in 33 cuốn sách ở nhiều thể loại: Ghi chép, Phóng sự, Điều tra, Bút kí, Tạp văn, Truyện ngắn, Tiểu thuyết. Hiện công tác tại báo Dân Việt/ Nông thôn Ngày nay.
Anh đã được nhận 7 giải Báo chí Quốc gia và nhiều giải thưởng báo chí, văn chương và điện ảnh khác.
Tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng đã được chọn để đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 (Bộ Cánh Diều); và sách Ngữ văn lớp 9 (bộ Cánh Diều).
Cùng với làm báo, anh còn là giảng viên kiêm chức/thỉnh giảng của Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền và một đơn vị khác. Phối hợp điều tra, đào tạo cho nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế.