Xung quanh câu chuyện 'cơm nhà'
Nghiên cứu của Q&Me (dịch vụ nghiên cứu, khảo sát thị trường online và offline) cho rằng trung bình một bà mẹ ở Việt Nam dành hơn 28 ngày, tương đương 679 giờ mỗi năm để nấu bữa cơm nhà. Có nghĩa là mỗi ngày họ dành hơn 2 giờ để nấu ăn. Tuy nhiên, tình trạng “chán cơm nhà” lại đang dần phổ biến, khiến nhiều người lo ngại nếp nhà của người Việt đang dần lỏng lẻo.
Vẫn theo nghiên cứu của Q&Me, giá trị kinh tế quy đổi từ những đóng góp của người phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình cao gấp 3 lần ngành công nghệ. Còn theo Oxfam - một liên minh quốc tế chống đói nghèo - thì việc làm không lương trong nhà của phụ nữ toàn cầu có thể lên đến 10,8 nghìn tỉ USD mỗi năm.
Từ lâu, vai trò người phụ nữ như thể được “mặc định” là lo việc bếp núc trong nhà. Vừa lo cho chồng, vừa lo cho con, về già lại lo cho cháu, những công việc cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác nhưng ít được ghi nhận. Đáng tiếc là họ cũng ít nhận được sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình. Cùng đi làm như nhau, nhưng khi về nhà người vợ lại lao vào bếp, còn chồng thì thảnh thơi... xem ti vi. Con cái cũng vậy, đói thì kêu: “Mẹ ơi có cơm chưa?”; ăn xong thì lại để mẹ đánh vật với đống nồi niêu bát đĩa, còn mình thì cắm mặt vào chiếc smartphone.
Cuộc sống thay đổi tất nhiên nhiều thứ cũng thay đổi theo để thích ứng. Bữa cơm gia đình cũng vậy. Ở thành thị, hình như cơm nhà đang trở nên xa xỉ vì để có được đầy đủ các thành viên quanh mâm cơm mỗi ngày là không hề dễ dàng. Nhiều ông chồng lấy cớ bận việc, tiếp khách... thường xuyên bỏ cơm nhà. Con cái cũng vậy, mẹ nấu rồi nhưng chỉ chực bỏ bữa, gọi đồ ship về ăn.
Việc các thành viên trong gia đình chia sẻ tình cảm quanh mâm cơm cứ nhạt dần cũng vì thiếu coi trọng bữa ăn gia đình. Mãi rồi cũng chán, không ít người mẹ đã trở nên ngại nấu nướng. Bếp nước nguội lạnh, sự gắn kết vì thế mà lỏng ra.
Vậy phải chăng nếp nhà của người Việt đang đổi thay? Về việc này, giới xã hội học chia thành “hai phe”. Một “phe” đề cao việc duy trì cơm nhà, mọi thành viên phải tuân thủ triệt để không bàn cãi. “Phe” khác thì lại cho rằng không nhất thiết phải gò bó mọi người vào bữa cơm nhà, cần giải phóng phụ nữ khỏi bếp núc, vì đó cũng là một khía cạnh của sự bình đẳng. Ý kiến khác nhau, nhưng “phe” nào cũng đều thừa nhận cơm nhà bao giờ cũng sạch sẽ, đủ chất và có giá trị như một sợi dây vô hình gắn kết bất chấp mọi ồn ào, xáo trộn bên ngoài.
Về mặt dinh dưỡng, theo TS Hoàng Thị Đức Ngàn (Viện Dinh dưỡng quốc gia), sự chuyển tiếp từ bữa ăn truyền thống (đa dạng thực phẩm), thực phẩm tự nhiên (giàu vi chất) sang chế độ ăn nhanh (thực phẩm đơn điệu) và sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn (giàu năng lượng, nhưng lại ít vi chất) khiến dinh dưỡng của con người dần mất cân đối. Từ đó dẫn đến việc suy dinh dưỡng khiến cơ thể yếu đi nhưng ngày càng có nhiều người thừa cân, béo phì.
Trên thế giới, nhất là tại các quốc gia phát triển, giới khoa học dinh dưỡng liên tục khuyến nghị người dân thực hiện chế độ ăn tăng cường rau xanh, trái cây và các thực phẩm tự nhiên; hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ và gia vị tẩm ướp cũng như đồ uống đóng chai. Mà muốn thế, chỉ có “cơm nhà” mới làm tốt được chức năng đó.
Trở lại với việc nếp nhà của người Việt đang thay đổi, thể hiện trước hết là qua bữa ăn. Việc gì cũng vậy, muốn thành nếp thì phải có ý thức duy trì thường xuyên. Tạo được nếp mới khó, làm hỏng nó thì rất dễ. Điều đó phụ thuộc vào từng thành viên trong gia đình, nếu chỉ một người thì không thể làm được.
Ngay như ở nước Mỹ, khảo sát tiêu dùng của Cục Thống kê nước này cho biết trung bình một người khi ăn ngoài tốn khoảng 8 USD/bữa, trong khi ăn cơm nhà chỉ vào khoảng 4,5 USD. Họ cũng đúc kết những ích lợi của bữa tối gia đình, bao gồm: Thắt chặt hơn mối quan hệ gia đình; có được thực phẩm lành mạnh hơn; cơ hội khám phá món ăn mới; kiểm soát khẩu phần ăn tốt hơn; giảm căng thẳng; giúp trẻ khỏe mạnh hơn và tiết kiệm tiền.
Còn một điều nữa mà không phải ai cũng biết, theo giới khoa học Mỹ, thanh thiếu niên có từ 5 - 7 bữa tối gia đình/tuần nhận được điểm A và B ở trường cao hơn 2 lần so với những thanh thiếu niên có 3 bữa tối gia đình/tuần trở xuống.