Mái chùa vang tiếng học vần
Hoạt động dạy và học chữ viết Khmer cho con em đồng bào dân tộc mỗi dịp hè trong các ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu thúc đẩy nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu tinh thần của đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh.
Mỗi dịp hè, nhiều ngôi chùa trong tỉnh Bạc Liêu lại mở những lớp học dành cho con em người Khmer. Khi đến đây, các em được bổ túc văn hóa và quan trọng nhất là được học tiếng Khmer để thêm hiểu, thêm yêu, giữ gìn, phát huy văn hóa tộc người.
Một ngày mới bắt đầu ở ngôi chùa Moniserey Sophon Cosđôn (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) không chỉ có tiếng tụng kinh mà còn có tiếng trẻ đọc bài. Đến với lớp học có những em mới vào học lớp 1 đến những em đang học trung học cơ sở. Xuất thân, lứa tuổi khác nhau nhưng các em có điểm chung là ham học. Lớp học ở chùa được tổ chức khá bài bản: Có bàn ghế, bảng đen, phấn trắng và cả giáo án để giảng dạy.
Bà Sơn Thị Phe dẫn 2 cháu nội đến chùa Moniserey Sophon Cosđôn dự khai giảng các lớp học chữ Khmer năm 2024. Hai cháu trai của bà sẽ học lại chương trình Ngữ văn Khmer lớp 1 mà năm ngoái học dang dở vì trở ngại thời tiết, đi lại khó khăn. Năm nay, bên cạnh điểm dạy chính ngay tại tự viện, nhà chùa mở thêm một điểm lẻ ở ấp Bình Tốt B (xã Vĩnh Phú Tây), nên các cháu của bà Phe sẽ được học gần nhà.
Trong lễ khai giảng, Ban quản trị chùa và Đại đức Thạch Dương Trung - Trụ trì chùa đã động viên học sinh đi học chuyên cần, ra sức học tập để có thể đọc, viết ngôn ngữ của chính dân tộc mình, làm hành trang sau này vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Hè năm nay, có 60 cháu tham gia học ở 3 khối lớp chữ Khmer, từ lớp 1 đến lớp 3.
Còn tại chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), 6 lớp dạy chữ Khmer đã bắt đầu từ tuần cuối tháng 5/2024. Các lớp học chia làm 2 ca: 13 – 15 giờ và 15 – 17 giờ hàng ngày, do 6 vị sư giảng dạy. Hòa thượng Dương Quân - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa cho biết: Chùa có đông phật tử, khuôn viên rộng rãi nên thuận lợi mở các lớp dạy chữ. Hoạt động này hướng đến giúp các em đọc, viết chữ Khmer được.
Đến chùa học chữ đã là nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer từ nhiều năm nay. Bên cạnh hướng dẫn các em đánh vần, tập viết, các nhà sư còn dạy các em điều hay lẽ phải, làm theo lời Đức Phật Thích Ca để trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt. Mái chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, mà còn là ngôi trường và là điểm vui chơi của học sinh.
Theo Hòa thượng Tăng Sa Vong - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Buppharam (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), đồng bào Khmer có tiếng nói, chữ viết và nền văn hóa riêng rất đặc sắc. Các lớp dạy tiếng Khmer có ý nghĩa quan trọng với bà con. Ngoài dạy chữ, dạy tiếng Khmer còn dạy cả văn hóa truyền thống, lịch sử, giáo lý nhà Phật và đạo làm người. Đầu tháng 6, đã có 20/22 chùa Phật giáo Nam tông trong tỉnh có mở các lớp dạy chữ Khmer dịp hè năm học 2023 - 2024. Chùa Buppharam hè này mở 6 lớp dạy chữ cho con em ở các ấp quanh chùa (ấp Đay Tà Ni, ấp Cái Giá), và dạy đến chương trình Ngữ văn lớp 4. Nhà chùa đặt may, in đồng phục cho học sinh, lắp thêm 10 bộ máy vi tính bên cạnh 2 bộ máy vi tính hiện có, đồng thời, tiếp tục mời một thầy giáo dạy tiếng Anh đến dạy cho các cháu…
Bạc Liêu là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Toàn tỉnh có hơn 17.160 hộ đồng bào Khmer với trên 74.740 khẩu. Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm chung tay bảo tồn, đánh thức giá trị của văn hóa truyền thống, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Năm 2023, UBND tỉnh Bạc Liêu đã cấp 520 triệu đồng hỗ trợ người dạy tiếng và chữ viết Khmer trong dịp hè. Đây là chính sách đặc thù của tỉnh, bên cạnh thực hiện đầy đủ, kịp thời những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã giúp cho cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt. Diện mạo nông thôn không ngừng khởi sắc, trình độ dân trí được nâng cao.