Kiến trúc xanh cho đô thị
Bao con phố bị nhồi nhét bởi những chiếc “tháp bê tông” ngột ngạt, thiếu những mảng xanh, thiếu mặt nước điều hòa không khí. Vì thế, việc đưa các yếu tố tự nhiên vào trong đời sống con người ngày càng trở nên cấp bách…
Kiến trúc xanh dần trở nên quen thuộc
Kiến trúc xanh là một xu hướng mới trong thiết kế, thi công các công trình kiến trúc. Mục đích là giảm tối đa các tác động của công trình đối với môi trường và thiên nhiên.
Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu toàn cầu, kiến trúc xanh với những đặc điểm, nguyên tắc riêng nhằm giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường tự nhiên, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
Nói đến kiến trúc xanh là nói đến cây xanh, mặt nước, cho dù công trình kiến trúc xanh không chỉ là trồng nhiều cây xanh. Một đô thị xanh phải là đô thị có môi trường sống xanh với một tổng thể kiến trúc xanh đơn lẻ được sắp xếp hài hòa và được quản lý theo quy hoạch của kiến trúc đô thị, cho dù là khu phố cũ hay khu phố mới.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết: Bây giờ, cụm từ kiến trúc xanh (Green Architecture) hay công trình xanh (Green Building) đã trở nên rất quen thuộc trong đời sống xã hội, là cụm từ hot nhất, được nhắc nhiều nhất trong giới kiến trúc sư và giới đầu tư - kinh doanh bất động sản.
Mặc dù từ khi ra đời đến nay, các tiêu chí xác định công trình xanh hay kiến trúc xanh không phải là yêu cầu bắt buộc (được luật hóa), nhưng các kiến trúc sư, mỗi khi thiết kế một dự án kiến trúc bất kỳ nào đó có quy mô lớn hay nhỏ, thấp tầng hay cao tầng, xây dựng đồng bằng, hay trung du, miền núi thì cũng cố gắng sáng tác theo hướng kiến trúc xanh. Điều này khẳng định, ở nước ta, kiến trúc xanh đã và đang trở thành xu hướng kiến trúc tiến bộ nhất trong thế kỷ XXI.
Cũng theo ông Phạm Thanh Tùng, kiến trúc xanh có những đặc trưng như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thiết kế sân thượng trên mái nhà hay công viên trong nhà chính là xu hướng thiết kế kiến trúc của thời đại. Kiến trúc xanh hay công trình xanh về bản chất là giống nhau.
Có khác chăng là các tiêu chí của công trình xanh có tính định lượng, được xác định cụ thể bằng thuật toán, đo đếm bằng các con số thông qua máy móc và sử dụng tiến bộ của khoa học công nghệ (như máy điều hòa không khí, kính chống nhiệt, vật liệu không nung, trí tuệ nhân tạo...). Còn tiêu chí của kiến trúc xanh chỉ mang tính định tính, đề cao sáng tạo của kiến trúc sư, dùng thủ pháp của nghệ thuật kiến trúc kết hợp với việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và công nghệ để đáp ứng các yêu cầu đặt ra (theo 5 tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Không chỉ là nơi có nhiều cây xanh
Các đô thị ở Việt Nam đang phát triển từng ngày và số người sinh sống tại đó cũng tăng theo hằng năm. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, các mảng xanh ở ven các đô thị giảm dần. Thay vào đó là bề mặt công trình - vốn hấp thụ mạnh bức xạ mặt trời tăng, làm nhiệt độ đô thị tăng lên theo.
Cùng các chất thải (rắn, khí, lỏng) từ sinh hoạt của con người, giao thông vận tải, công nghiệp, khiến môi trường đô thị bị thay đổi mạnh, bất lợi không chỉ đối với con người mà còn góp phần gây đột biến đối với hệ sinh thái và môi trường trong đô thị và toàn cầu. Bởi thế, việc phát triển các công trình xanh, phù hợp môi trường sinh thái là vô cùng cần thiết.
Theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, công trình xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính. Việc phát triển công trình xanh đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới và trở thành xu thế tất yếu trong lĩnh vực xây dựng.
Nhìn vào thực tế trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư xây dựng đã “ôm” các diện tích cây xanh công viên, hoặc trồng một số cây xanh trong khuôn viên các công trình nhà chung cư để chào bán, và nói rằng đó là công trình xanh do chủ đầu tư mang lại, nhằm thu hút sự quan tâm của người mua.
Song phải xác định lại, công trình xanh không chỉ là công trình có nhiều cây xanh, mà là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình, trong suốt vòng đời của chúng (từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ).
Ở Việt Nam, khu nhà ở Thăng Long Number One (số 1 Đại lộ Thăng Long, TP Hà Nội) là công trình xanh đầu tiên, được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận và gắn biển vào ngày 9/10/2014. Tại Hà Nội còn một số công trình xanh tiêu biểu như Trường liên cấp Genesis (nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên); Trường Quốc tế Concordia (trụ sở tại huyện Đông Anh); Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (nằm trên đường Tôn Thất Thuyết)…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng: Số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng hơn 230 công trình, rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong 10 năm qua. Không chỉ trông chờ vào ý thức tự nguyện của chủ đầu tư và kiến trúc sư, để kiến trúc xanh thực chất đi vào đời sống cần có những hướng dẫn, quy định hay khuyến khích cụ thể từ Nhà nước. Chỉ khi đó công trình thân thiện môi trường mới là điều tất yếu gắn liền với đạo đức xã hội để các bên liên quan phải cùng thực hiện.
Xu hướng và các mục tiêu cụ thể
Có thể nói, từ xa xưa, kiến trúc nông thôn đã “xanh” để phù hợp môi trường xung quanh. Ở nước ta, theo giới kiến trúc, khái niệm về kiến trúc xanh xuất hiện vào những năm đầu của của thế kỷ 21, đồng thời được quan tâm qua tác phẩm kiến trúc độc đáo “Cà phê Gió và Nước” làm hoàn toàn bằng vật liệu tre (tầm vông), lá truyền thống của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, xây dựng tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương, năm 2006).
Từ năm 2011 đến nay, với sự ra đời Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam cùng sự vận động kiên trì của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc xanh đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một xu hướng kiến trúc tiến bộ, được hưởng ứng, được xã hội quan tâm.
Hiện nay, xu hướng kiến trúc xanh đã và đang được các nhà đầu tư bất động sản ứng dụng vào trong thiết kế kiến trúc các công trình. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần biến các xu hướng đó thành các mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho phát triển đô thị. Bởi chỉ có thế mới có thể góp phần phát triển đô thị xanh, bền vững, đáng sống, giảm phát thải khí nhà kính. Việc đưa kiến trúc xanh vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư bất động sản, của giới kiến trúc sư, mà hơn hết, có tính quyết định là trách nhiệm của chính quyền đô thị và các nhà lập quy hoạch.
Về định hướng phát triển đô thị, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, Hà Nội là một trong những thành phố hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển đô thị xanh bền vững. Đó là lợi thế tự nhiên gồm hệ thống sông hồ dày đặc, thổ nhưỡng đặc sắc, phong phú với những vùng nông nghiệp hoàn chỉnh, tạo không gian để chuyển hóa, tái sinh vật chất dư thừa trong quá trình đô thị hóa.
Tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, Hà Nội được xác định sẽ là thành phố “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; xây dựng thành phố cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới. Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg, các thị trấn huyện lỵ hiện hữu phát triển theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp.
Theo tìm hiểu, Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững.
Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 29 và các cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đồng thời phải chuyển đổi xanh, trong đó có ngành xây dựng. Việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để ngành xây dựng chuyển đổi xanh.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các bộ, ngành liên quan quan xây dựng dự thảo Quyết định của Chính phủ liên quan tiêu chí môi trường và xác nhận dự án đầu tư có thể tiếp cận tài chính xanh. Thị trường đang rất mong chờ quy định này sẽ sớm được thông qua để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức tài chính cũng như chủ đầu tư tham gia thúc đẩy các dự án xanh với các nguồn tín dụng ưu đãi.