Hạt cát nằm nghe chuyện nổi trôi
“Cứ im lặng mà vươn thẳng lên mây/ năm búp cầu xòe nhịp/ năm đóa hoa sen của đầm hồ nước Nhật/ đến sông Hồng nở với phù sa”.
Đấy là khổ thơ đầu tiên trong bài thơ “Cầu Nhật Tân” được in trong tập thơ mới nhất “Ngỗng trời kêu xa xứ” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Bài thơ nhắc tôi một kỷ niệm, cách đây 10 năm tôi được cùng đơn vị chủ quản làm “nhạc trưởng” tổ chức 4 trại sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải ở các khu vực Bắc - Trung - Nam.
Vũ Quần Phương là nhà thơ lão thành tham gia trại phía Bắc. Dù tuổi đã ngoài bát thập nhưng ông vẫn hăng hái đi thực tế tại các cơ sở công nghiệp, công trình lớn của ngành giao thông vận tải ở Hà Nội, Hải Phòng. Lúc đó cầu Nhật Tân, cách cầu Long Biên không xa, đã gần hoàn thành. Bốn câu thơ kết của bài thơ càng làm tôi thêm xúc động về cầu Nhật Tân, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản:
“... Giữa hai cầu là xóm bãi tre pheo
mưa bụi giăng giăng rau hoa xanh tốt
đồng Tứ Liên phù sa tra hạt
bên ấy anh đào, nước Nhật cũng đang hoa”
(Cầu Nhật Tân)
Cuộc vận động sáng tác văn học mà tôi đã nói năm đó giải thưởng khá cao, giải nhất lên đến 100 triệu đồng, tiếc rằng nhà thơ Vũ Quần Phương không gửi chùm thơ tham gia. Ông muốn “nhường” những nhà văn khác, nhất là lớp trẻ.
Tôi nhớ lúc Trại sáng tác sắp bế mạc, bên hành lang ở Bảo tàng Văn học, nhà thơ Vũ Quần Phương viết tác phẩm “Bóng mát đường xa” lúc ấy còn thơm mực in. Ông vừa nắn nót ghi bút tích đề tặng, giọng chậm rãi: “Bác Xuân Diệu nhà cậu bày cho tôi cách viết phê bình tiểu luận đấy nhé”. Đúng, sinh thời Xuân Diệu quý mến những người tôi biết như Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Chử Văn Long...
Nhắc lại kỷ niệm với nhà thơ Vũ Quần Phương, không thể không nhớ lại thời tuổi trẻ biết rung động trước ánh mắt của người con gái thời cuối những năm 70 của thế kỷ 20, tôi đã từng ghi vào sổ tay bài thơ tình “Áo đỏ” của ông, và cũng đã từng “tán gái” nhờ bài thơ này với những cảm xúc trong veo:
“Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không?”
(Áo đỏ)
Khi tặng tôi tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ”, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nắn nót, trọng thị người đọc, như tâm tính của ông. Ông bảo: “Với tập thơ mới này, tớ cụ thể, đời sống hơn”.
“Ngỗng trời kêu xa xứ” là tập thơ sang trọng, tinh túy của một tâm hồn thơ luôn tìm tòi vẻ đẹp nhân bản.
Xem mục lục tập thơ, nhận ra nhà thơ Vũ Quần Phương còn chịu đi lắm. Ông còn chịu khó xuất hiện ở nhiều nơi, như Huế, Bắc Giang, Đắk Lắk và cả ở Hà Giang.
Tháng 3 vừa rồi tôi có trở lại Hà Giang, ngược suốt chiều dài quốc lộ 4C vốn được mang tên “Con đường hạnh phúc” và dừng chân ở Mã Pí Lèng, ngắm dòng sông Nho Quế. Hôm từ Mèo Vạc trở về, do xuất phát sớm quá nên đến Mã Pí Lèng hãy còn nhiều mây, thi thoảng mới nhìn thấy dòng sông qua lớp sương từ núi đổ xuống.
Đúng là:
“Đường treo trên đỉnh núi
núi treo trên đỉnh trời
nhìn dưới chân mình sông Nho Quế
như mảnh khăn choàng ai đánh rơi”
(Mã Pí Lèng)
Điều tôi thích ở bài thơ không phải ở thi ảnh “mảnh khăn choàng ai đánh rơi” mà là những thông điệp từ bài thơ tình. “Con đường hạnh phúc” ấy được khởi công xây dựng vào tháng 9/1959, sau 8 năm mới hoàn thành. Năm 2024 này, “Con đường hạnh phúc” vừa đúng 65 năm tuổi. Để có con đường “treo trên đỉnh núi”, hơn 1.300 thanh niên xung phong và 1.000 nhân công thời đó đã lao động trong điều kiện vô cùng khó khăn. Trong số thanh niên xung phong đi mở đường có những người mãi mãi không về. Ở cửa ngõ của thị trấn Yên Minh (huyện Yên Minh), có Nghĩa trang của 14 liệt sĩ thanh niên xung phong nằm lại vì tuyến đường. Con đường này còn là con đường đại đoàn kết. Không có gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết giữa các dân tộc.
***
Nhà thơ Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc, sinh ra và lớn lên tại vùng quê lúa Hải Hậu (Nam Định). Mất bố rồi mất mẹ từ sớm, 16 tuổi ông rời quê hương lên Hà Nội học tập.
Vũ Quần Phương nổi tiếng từ việc không giống ai, tỉ như học làm nghề bác sĩ nhưng sau 7 năm hành nghề, bị thơ “mê hoặc” nên ông rẽ ngang dấn thân vào văn chương. Ông còn là một nhà chính trị, thân sinh của nhà toán học Vũ Hà Văn. Với văn chương, Vũ Quần Phương nổi tiếng, nhờ phong cách thơ lịch lãm, đậm chất Tràng An. Ông được Nhà nước vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật từ năm 2007.
Tôi có hạnh phúc riêng của mình, đó là nhiều lần được gặp gỡ Vũ Quần Phương, cùng được Hội Văn nghệ sĩ Thanh Hóa ở Hà Nội mời tham gia hội thảo, tọa đàm hoặc “hành hương về nguồn” nhiều lần. Tôi từng nói với nhà văn Như Bình về nhà thơ Vũ Quần Phương: “Đó là một người thông tuệ, một pho giai thoại văn nghệ, trí nhớ trác tuyệt và thừa hóm hỉnh”. Nhà văn Như Bình cảm thấy “đúng không chịu được” nên trả lời ngay: “Nói chuyện với ông thú vị vô cùng”.
Tháng 3 vừa rồi, nhà thơ Vũ Quần Phương có chuyến đi vào xứ Nghệ. Qua trang cá nhân của các văn nghệ sĩ ở Nghệ An, tôi được biết Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An mời ông vào nói chuyện cùng văn nghệ sĩ Nghệ An quanh chủ đề “Bức tranh thơ Việt Nam đương đại”. Lâu lắm rồi ông mới trở lại thành Vinh.
“... Và bỗng nhiên tôi cứ lạ cho mình
Bom giặc dội nát đường nát phố
Bom giặc dội mất nhà mất cửa
Cái còn lại và tôi nhìn rất rõ
Ấy lại là tất cả thành Vinh”.
(Về lại thành Vinh)
Bài thơ này nhà thơ Vũ Quần Phương sáng tác từ tháng 2/1971, lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết định. Thời gian ấy, Vinh là một trong những “tọa độ lửa”. Vinh tan hoang dưới mưa bom, bão đạn: “Trẻ con chưa về/ Thành phố đứng trụi trần/ Và sống/ Những đoàn xe đi”; “Sau bốn năm chiến tranh/ Không nhận ra một con đường cũ”.
Trở lại Vinh lần này, ông bất ngờ với sự thay đổi. Ngắm Vinh hôm nay, nhà thơ Vũ Quần Phương càng suy tư, hồi ức; lịch sử sống dậy, có bóng dáng trong hiện tại. Với những con người đã sống giữa hôm qua và hôm nay, bao giờ cũng đọc ra dòng chảy chuyển tiếp. Ông nghe trong đất trời luôn có “hương ký ức”.
“... Hương thời gian xa xăm
căn nhà cũ như người già quên tuổi
giại nứa bậc cầu ao
hương ký ức
buổi đầu ngày lên khói
chén trà nóng tay nâng”.
(Có ngôi sao dậy sớm)
Nếu tính cả tuổi mụ, năm nay nhà thơ Vũ Quần Phương đúng 85 tuổi. Có điều chưa bao giờ nhà thơ nghĩ mình già. Ông vẫn còn cái hăm hở, háo hức với cuộc đời, làm thơ giễu mình và giễu đời. Thi thoảng tôi lại gặp ông, cùng trà nước, lúc thì ở Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, lúc thì ở Thời báo Văn học nghệ thuật. Lại nghe ông chậm rãi mở từng “ngăn ký ức” kể cho chúng tôi nghe nhiều giai thoại văn nghệ.
Vũ Quần Phương ngẫm về mình, hóm hỉnh nói rằng, từ một cậu bé nhà quê lên Hà Nội rồi trở thành một sinh viên y khoa xuất sắc, ngẫm lại, đôi khi, ông thấy đời như một cuộc chơi.
“Bảy tám kề ngay đã tám mươi
Cứ đi, đích đến ở chân người
Đá mòn, núi lở, sông bồi tụ
Hạt cát nằm nghe chuyện nổi trôi”.
(Viết cho sinh nhật).