Tinh hoa Việt

Sân khấu cho thiếu nhi: Ươm mầm lớp khán giả tương lai

NGỌC HÀ 25/06/2024 05:56

Mặc dù thời gian qua, những người làm sân khấu đã có nhiều nỗ lực để mang đến sự mới mẻ, tích cực, đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Nhưng làm sao để sân khấu thực sự thu hút và trở thành một thói quen giải trí của thiếu nhi vẫn cần có sự đầu tư và nỗ lực từ nhiều phía.

anh-2(1).jpg
Cảnh trong vở kịch "Vị vua không ngai".

Đừng chỉ khởi sắc khi... “đến mùa”

Cứ mỗi dịp nghỉ hè là nhu cầu giải trí của khán giả, đặc biệt là các em nhỏ tăng cao. Đây cũng là thời điểm các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cho ra mắt các vở diễn sân khấu dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi. Năm nay, nhiều nhà hát đã đổi mới từ kịch bản, kỹ thuật biểu diễn đến hợp tác quốc tế để đem đến những kỹ xảo, hình thức biểu diễn mới...

Thời điểm chào đón Tết thiếu nhi 1/6 và mùa hè 2024, Nhà hát Tuổi trẻ đã triển khai dự án “Mùa hè yêu thương”. Đây là dự án thường niên của Nhà hát với 4 vở diễn: “Bữa tiệc của Elsa”, “Vị vua không ngai”, “Giải cứu bà nội”, “Zorba - chú mèo thám tử”. “Giải cứu bà nội” có sự phối hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Bốn bàn tay - một trong những nhà hát trình diễn nghệ thuật múa rối cho trẻ em hàng đầu tại Bỉ. Vở nhạc kịch “Zorba - chú mèo thám tử” là kết quả hợp tác dàn dựng và trình diễn giữa Nhà hát Tuổi trẻ với Nhà hát Sangsang Maru (Hàn Quốc).

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho thiếu nhi với chủ đề “Hành trình kỳ diệu” gồm 3 vở diễn: “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, “Rồng thần trở lại” và “Biệt đội siêu anh hùng”. Trong đó, tác phẩm do đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshige dàn dựng “Bộ quần áo mới của hoàng đế” đã thu được những phản hồi tích cực từ phụ huynh cũng như các em thiếu nhi.

Về phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, để phục vụ các em thiếu nhi mùa hè 2024, đơn vị đã dàn dựng, cho ra mắt vở xiếc “Giấc mơ tuổi thần tiên”.

Ở phía Nam, nhà hát kịch IDECAF tiếp tục chương trình “Ngày xửa ngày xưa” số 35: “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần”.

Sân khấu Sen Việt cũng mang đến vở nhạc kịch dân ca “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” mang đậm dấu ấn ca từ của các bài ca dao, dân ca, hò, vè, lý của vùng đất Nam bộ.

Ngoài ra, nhiều vở kịch thiếu nhi khác cũng ra mắt khán giả nhí trong dịp hè này như chương trình xiếc “Ầu ơ - thanh âm đầu đời” của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam; series “Truyện thần tiên 2 - Mễ Cốc phiêu lưu ký” của sân khấu Trương Hùng Minh, vở “Colora - Xứ sở rực rỡ” của sân khấu Ban Mai…

Có thể thấy, các đơn vị sân khấu lớn nhỏ đều chuẩn bị kịch mục khá phong phú để biểu diễn phục vụ thiếu nhi mùa hè này. Các nhà hát cũng nỗ lực mang đến “làn gió mới” cho sân khấu thiếu nhi bằng cách kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật; hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế; khai thác các vở diễn cũ đã quen thuộc theo hướng mới... Những chuyển động tích cực đó hứa hẹn mang đến cho các em thiếu nhi những “bữa tiệc” nghệ thuật hấp dẫn.

Tuy nhiên, nếu theo dõi nhiều năm thì hầu như các sân khấu cho thiếu nhi chỉ đang tập trung vào biểu diễn theo “mùa vụ”, phục vụ các em vào dịp nghỉ hè, quốc tế thiếu nhi 1/6 hay dịp Trung thu… rồi đóng cửa chờ “đến hẹn lại lên”. Chỉ một số ít đơn vị như Nhà hát Tuổi trẻ, sân khấu thiếu nhi IDECAF, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là có sự đầu tư dài hơi, có các vở diễn để phục vụ các khán giả nhỏ tuổi vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Mặc dù sân khấu cũng đang phải cạnh tranh cùng các loại hình giải trí khác hấp dẫn khác nhưng nếu chỉ tính con đường ngắn khoảng vài tháng thì việc duy trì cho thiếu nhi thói quen thưởng thức các tác phẩm sân khấu sẽ không thể đạt được hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự biểu diễn liên tục và có chất lượng từ các đơn vị nghệ thuật.

Đáp ứng thị hiếu của thế hệ hôm nay

Duy trì thói quen cho thiếu nhi gắn bó với sân khấu là việc làm mà nhiều năm nay các nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn luôn mong mỏi. Thế nhưng khó khăn ở đây là các nhà hát, đơn vị biểu diễn cần làm cách nào để nắm bắt và đáp ứng được xu thế cảm xúc của các em trong bối cảnh xã hội hiện nay? Làm thế nào để sân khấu truyền thống hấp dẫn, thu hút các khán giả nhỏ chính là nỗi trăn trở của nhiều người làm nghệ thuật.

Tại tọa đàm trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất năm 2024 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND TP Hải Phòng, Sở VH-TT Hải Phòng tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trăn trở tìm hướng phát triển cho sân khấu thiếu nhi. Đặc biệt, những người làm nghệ thuật không khỏi “giật mình” trước ý kiến của em Nguyễn Như Khôi - Đại sứ trẻ em Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ suy nghĩ về thực trạng sân khấu dành cho thế hệ trẻ hiện nay.

Như Khôi cho rằng, những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi không thể làm theo kiểu dễ dãi, gây cười, nhảm nhí, bởi điều này giờ đây không còn thích hợp với trẻ em. Theo em, giới trẻ hiện nay thích xem những hình thức nghệ thuật mới, nên sân khấu muốn thu hút cần đẹp, hiện đại; nội dung tác phẩm phải dễ hiểu, đem lại tiếng cười. Khi dàn dựng và biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi.

“Trẻ em hiện nay không chỉ được tiếp xúc với nền văn hoá của Việt Nam mà còn biết được nét độc đáo của các nước nhờ công nghệ phát triển. Vì vậy kịch thiếu nhi không thể làm dễ dãi, gây cười, nhảm nhí. Nó không còn thích hợp với trẻ em, thậm chí gây phản cảm”, Nguyễn Như Khôi bày tỏ.

Từ những chia sẻ của em Nguyễn Như Khôi, NSƯT Lê Hải - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: “Một số nhà hát hay đoàn nghệ thuật chưa hiểu sân khấu dành cho thiếu nhi, nhi đồng là thế nào, vì thế có những tác phẩm không phù hợp hoặc chỉ gây cười nhạt nhẽo. Các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi ít và chất lượng chưa đồng đều. Sân khấu vốn là một loại hình mang đủ yếu tố có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy vậy, vẫn còn nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khác chưa được đầu tư để thu hút lứa tuổi này”.

Còn nghệ sĩ Trung Ruồi cho rằng, ai cũng đã qua tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên nên có thể hiểu một phần nào đó tâm lý của các em, dễ làm cho các em cười, khóc cùng với nhân vật. Tuy nhiên, ở góc nhìn của người trưởng thành, chúng ta cũng phải để ý từng chút một.

“Việc chắt lọc ngôn ngữ trên sân khấu thiếu nhi cũng là một vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm. Tôi lấy ví dụ như việc lựa chọn ngôn ngữ, tình tiết hợp lý cho tác phẩm sân khấu. Có những khi ngôn ngữ thông dụng ngoài đời nhưng không thể sử dụng trên sân khấu. Việc phác họa ngôn ngữ của hai phe thiện - ác cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu sử dụng ngôn ngữ quá thật lại làm cho các em không phát huy được trí tưởng tượng, vô tình có thể tạo ra những giá trị lệch chuẩn”, nghệ sĩ Trung Ruồi nói.

Kịch bản nào để xây dựng tệp khán giả mới?

Từ những thực tế nêu trên, có thể thấy cơ hội để các em thiếu nhi được tiếp cận và thưởng thức các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các chương trình chất lượng không nhiều. Các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi hiện nay còn ít; các nhà hát, đoàn nghệ thuật đều gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản hay. Nhiều tác phẩm được dàn dựng lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài, thiếu các tác phẩm mang tính truyền thống, có nội dung và màu sắc văn hóa Việt Nam.

Chẳng hạn như một số tác phẩm sân khấu phục vụ thiếu nhi hè 2024, phần nhiều kịch bản có yếu tố nước ngoài, dựa vào các câu chuyện nổi tiếng thế giới, trong khi đó kịch bản Việt chiếm số lượng ít ỏi. “Rồng thần trở lại” hay “Biệt đội siêu anh hùng” lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” nổi tiếng của Nhật bản. Hay “Bữa tiệc của Elsa”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh, nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện cũng ăn theo những tác phẩm nước ngoài...

Theo NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, thì việc sử dụng những cốt truyện, hình tượng nhân vật, hay tác phẩm nổi tiếng ở nước ngoài để đưa lên sân khấu cũng dễ lý giải, bởi ngày nay, trẻ em được tiếp xúc sớm với các kênh giải trí và truyền thông thông qua nhiều đồ điện tử tiện dụng.

Tuy nhiên, NSND Trung Hiếu cũng cho rằng đây là điều đáng suy nghĩ và cần tìm phương án giải quyết vì nhiều bạn thiếu nhi yêu thích các nhân vật nước ngoài, biết những câu chuyện cổ tích nước ngoài, hơn là những câu chuyện và vở diễn có nội dung về văn hóa Việt Nam.

Nhiều vở kịch lấy ý tưởng “ngoại” cho thấy vấn đề thực tế của sân khấu là thiếu những nhà viết kịch bản cho thiếu nhi. NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội chỉ ra rằng, tính trong khoảng 10 nhà viết kịch thì chỉ có 1 - 2 nhà viết kịch là viết về đề tài thiếu nhi.

Từ đây, ông Tuấn cho rằng: “Ai cũng hiểu, sân khấu cho thiếu nhi là một địa hạt đặc biệt, không dễ tiếp cận. Nhưng chúng ta phần lớn đưa cách nhìn của người lớn áp đặt cho trẻ vì thế tác phẩm sẽ trở nên gượng gạo. Người cầm bút viết về đề tài thiếu nhi phải thực sự hòa mình cùng đời sống của trẻ thì khi đó tác phẩm văn học hay sân khấu mới được sự đón nhận từ trẻ thơ.

Ở mỗi loại hình sân khấu với đề tài thiếu nhi sẽ có những lợi thế khác nhau và tất nhiên sẽ có màu sắc khác nhau. Kịch nói sẽ đưa các con đến với thế giới chân thực nhất, sống động, tươi mới. Tuồng, chèo, cải lương sẽ đưa các con vào thế giới của những câu chuyện cổ tích lung linh huyền ảo với những cô tiên và điều ước diệu”.

Có thể nói, kịch bản sân khấu là một trong những vấn đề quan trọng để thu hút khán giả nhí. Nó phải là những kịch bản mang giá trị định hướng giáo dục cho con trẻ. Kịch bản không được hời hợt và cũng không nên quá chú trọng chạy theo thị hiếu hay các trào lưu để “dụ” trẻ đến rạp. Vì vậy, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn bên cạnh việc sử dụng những yếu tố “ngoại” cũng cần quan tâm đến việc khai thác văn hóa truyền thống vào các tác phẩm sân khấu để giáo dục con trẻ thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào về dân tộc.

Chỉ khi nắm bắt được tâm lý của lứa tuổi thiếu nhi, vận dụng những giá trị của văn hóa Việt Nam theo cách làm mới, cùng tiếp thu tinh hoa sân khấu của các quốc gia khác thì sân khấu mới có thể có được bước tiến trong việc chinh phục khán giả nhỏ tuổi. Và nếu làm tốt được việc này thì sân khấu sẽ tự mình gây dựng lớp khán giả, đó cũng là những người nối nghề trong tương lai. Thế hệ khán giả nhí hôm nay cần nhiều hơn nữa sự chăm chút, đầu tư để trở thành những con người biết thưởng thức, yêu thích cái đẹp và đam mê nghệ thuật.

NSND Tự Long - người đã gắn bó với việc dàn dựng và biểu diễn phục vụ thiếu nhi hơn 20 năm qua, cho rằng, làm sân khấu cho thiếu nhi tưởng dễ mà khó. Đó phải là tác phẩm giải trí để các em vui vẻ, sảng khoái, nhưng cũng cần có thông điệp giáo dục thật nhẹ nhàng, đôi khi chỉ là một câu nói, hành động đẹp hay nhắc lại bài học trong sách giáo khoa.

NGỌC HÀ