Xã hội

Nhịp sống ở vùng triều đảo Nẹ

ĐÌNH MINH 23/06/2024 09:14

Đảo Nẹ cách bờ biển Thanh Hóa khoảng 2,5 hải lý (khoảng 5 km). Xung quanh đảo là vùng triều rộng lớn được ngư dân 3 huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn khai phá và cải tạo, biến vùng đất sình lầy thành những cánh đồng ngao bát ngát.

anh-1......jpg
Vùng triều nuôi ngao tại đảo Nẹ. Ảnh: Đình Minh

Cuộc sống ở chòi ngao

16h một ngày giữa tháng 6/2024, từ cảng cá Hoằng Trường, tôi cùng 2 đồng nghiệp lên con thuyền độc mộc của anh Trần Văn Khánh tiến ra đảo Nẹ. Sau hơn 40 phút lênh đênh trên biển, chúng tôi đã tới vùng bãi triều, nơi có hàng trăm chòi canh ngao nổi trên mặt nước.

Anh Khánh chuyển vội 2 thùng nước ngọt, đồ dùng sinh hoạt và thực phẩm (gồm thịt, cá, rau củ quả) từ thuyền lên chòi. Theo chân anh Khánh, chúng tôi leo lên các bậc thang từ dưới chân lên đỉnh chòi, cao hàng chục mét. Sau khi ổn định được chỗ ăn nghỉ, ánh hoàng hôn cũng dần buông xuống, chìm vào phía chân trời xa xăm.

Anh Khánh, chủ chòi canh cho biết: Mỗi lần ra bãi ngao, phải tính được con nước lên xuống thế nào, chọn lúc nước lên thì mới đi thuyền ra.

“Thông thường, nước biển ở đây thường rút đi vào buổi đêm, đến khoảng 3 - 4h sáng thì mặt đất hoàn toàn lộ rõ. Ở phía dưới lớp bùn non, là những con ngao chắc mẩy, được người dân kỳ công chăm sóc. Từ 8 - 10h sáng, thủy triều sẽ quay lại và vòng tuần hoàn của thiên nhiên vậy cứ tiếp diễn” - anh Khánh nói.

Để có nơi canh ngao an toàn thì phải dựng chòi canh. Theo anh Khánh, thông thường một chòi sẽ có diện tích 15 - 20 m2, cao từ trên 5 m, làm bằng những cây gỗ lớn cắm sâu xuống biển, chống được mặn. Về phần mái thì có thể lợp nhiều lớp bằng lá cọ, hoặc lợp bằng các loại gỗ hoặc mái tôn để chống gió biển.

Bên trong chòi, thường có một chiếc giường và các vật dụng sinh hoạt và nấu ăn. Nếu muốn có điện, người dân phải mang máy phát từ đất liền ra, hoặc lắp các tấm điện năng lượng mặt trời áp mái. “Sống ở đây vất vả nhất là thiếu nước ngọt.

Mỗi lần ra đảo, tôi phải mang theo nhiều can nước lớn, dùng tằn tiện mới đủ. Mặc dù chòi canh của gia đình có tấm pin mặt trời nhưng đã hỏng vì không trụ được với gió biển” - anh Khánh tâm sự.

Sau khi chuẩn bị và ăn vội bữa cơm đạm bạc, bóng tối bắt đầu bao phủ lấy chòi ngao do không có điện. Ngắm nhìn ánh sáng từ đảo Nẹ trong màn đêm u tối mới thấy, cuộc sống thường nhật tại đây buồn tẻ và thiếu thốn đến mức nào. Biết tối nay thủy triều rút muộn, anh Khánh khuyên mọi người nên đi ngủ để sáng mai dậy sớm săn “lộc trời”.

anh6..jpg
Người lao động cào ngao trên bãi triều.

Mưu sinh trên bãi ngao

4h sáng, chúng tôi thức dậy khi nước đã rút hết, để lộ ra lớp đất bùn nhão dính lấy bàn chân. Soi đèn pin trên ruộng ngao, anh Khánh nhắc chúng tôi về bãi cọc và tấm lưới sắt có thể làm rách chân. Miệt mài “săn bắt” hơn 1h đồng hồ, thành quả chúng tôi có là 6 con cua biển, hàng chục con hàu và các loại cá, tôm…

Đến 5h sáng, ánh sáng dần ló rạng, tiếng gọi trên cánh đồng ngao bắt đầu vang vọng đến nhiều nơi. Đi theo luồng âm thanh này, chúng tôi gặp hơn 10 người phụ nữ đang có mặt tại một ruộng ngao để chuẩn bị “hành nghề”.

Ông Bùi Văn Quý (49 tuổi, trú xã Ngư Lộc), một chủ bãi ngao cho biết: Thời điểm ngao đang có giá, cả vùng triều này có tới 100 hộ nuôi nhưng hiện giờ chỉ còn không tới một nửa. Đa phần những hộ nuôi ngoài đảo Nẹ diện tích nhỏ, sau một vài vụ làm ăn không thuận lợi, họ chán nản nên bán lại bãi cho người khác.

"Hầu hết hộ còn nuôi ngao ở đây đều có diện tích lớn, có kinh nghiệm, thị trường mới theo được. Vì hiện nay, thị trường ngao đã bão hòa, trong khi thời gian nuôi được một lứa ngao kéo dài khoảng 18 tháng, nếu thời tiết thuận lợi, thị trường tốt thì người nuôi có lãi, còn không thì chỉ hòa hoặc thua" - ông Quý cho biết.

Cũng theo ông Quý, trước kia, khi thị trường chưa rộng, giá cả còn thấp thì bà con chủ yếu nuôi ngao ở vùng triều giáp đất liền. Đến những năm 2010 - 2012, con ngao được Trung Quốc thu mua với giá cao, có lúc tới 23.000 đồng/kg nên nghề này bỗng dưng “hot”, khiến người dân đổ xô ra biển tìm nơi nuôi ngao.

Để hình thành vùng ngao tại bãi triều đảo Nẹ như hiện tại, rất nhiều người đã phải nối tiếp nhau dong thuyền ra đảo cải tạo, bồi đắp trong nhiều năm liền. “Lúc mới ra, khu này toàn bùn đất, sình lầy, trong khi đặc tính của ngao là sống dưới cát nên nuôi được ngao ở đây bắt buộc phải đổ cát. Để có được bãi ngao 10ha này, nhà tôi đã đổ tiền tỷ xuống biển", ông Quý nói.

Là cánh đàn ông hiếm hoi đi cào ngao cùng chị em phụ nữ, ông Mai Xuân Đồng (70 tuổi, trú xã Hải Lộc) cho biết: Việc cào ngao ở đây phải làm thật nhanh trước khi thủy triều lên để đảm bảo khối lượng ngao cho các chủ bãi. Có những ngày, nước rút muộn, buộc người mò ngao phải dậy sớm hơn bình thường, làm cật lực cho đến khi trời hừng nắng. “Dẫu khó khăn, vất vả nhưng vì mưu sinh, chúng tôi vẫn cố bám trụ với nghề này” - ông Đồng nói.

Bà Nguyễn Thị Lộc (53 tuổi, trú thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) cho biết: Gia đình bà nuôi ngao gần 10 năm trước, hiện có bãi ngao rộng khoảng 1ha, mỗi vụ, trừ hết chi phí cũng thu lãi từ 100 - 300 triệu đồng. Theo bà Lộc, mỗi vụ ngao sẽ diễn ra trong khoảng 16 - 18 tháng. Thời điểm này là chính vụ thu hoạch ngao nên chủ bãi sẽ thuê công nhân đi cào ngao, mỗi giờ trả cho họ khoảng 30.000 - 50.000 đồng.

anh-3_.jpg
Đưa nước ngọt lên chòi canh ngao.

Khó khăn trong quản lý

Ngoài vấn đề về giá cả, thị trường bấp bênh, những năm gần đây, người nuôi ngao ở Thanh Hóa còn đối diện với dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm.

Tại vùng triều đảo Nẹ, với đặc trung là nuôi ngao xa đất liền nên khó khăn cũng gấp bội, từ việc phải ăn ngủ tại chòi cho đến tình trạng thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu thực phẩm và vật dụng sinh hoạt. Đó là chưa kể tới những hôm biển động, song to, gió lớn, ốm đau bất ngờ…

Ông Nguyễn Văn Đồng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết: Vùng nuôi ngao tại đảo Nẹ có diện tích trên 1.000ha. Hiện đây là khu vực nuôi ngao tự phát. Theo ông Đồng, trước đây, vùng này được UBND các huyện ký hợp đồng cho người dân thầu để nuôi ngao.

Tuy nhiên, vào năm 2014, 2015, hợp đồng đa phần đều đã hết hạn, trong khi cả 3 huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn đều chưa đưa vùng này vào quy hoạch nên rất khó để cơ quan chức năng quản lý. “Năm 2023, sản lượng ngao thương phẩm tại vùng này ước đạt 1.500 tấn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ có con ngao, nhiều hộ dân tại đây có nguồn thu nhập ổn định. Nghề thu hoạch ngao cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp kinh tế biển của các địa phương phát triển” - ông Đồng cho biết.

Bà Quách Thị Khuyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn cho biết: Huyện có 370ha diện tích nuôi ngao tại vùng triều đảo Nẹ với 17 hộ tham gia canh tác. Vào năm 2023, từng xảy ra tình trạng tranh chấp bãi nuôi ngao tại vùng này giữa người dân huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.

Tuy nhiên, sự việc này đã nhanh chóng được cơ quan chức năng giải quyết. Từ đó, UBND các huyện cũng đã thực hiện việc cắm chỉ giới, xác định khu vực khoanh nuôi của huyện mình để tránh xảy ra tình trạng chồng lấn tương tự.

ĐÌNH MINH