Thách thức đối với nền báo chí toàn cầu
Các cuộc chiến tranh, biến đổi khí hậu, hậu quả của đại dịch và suy thoái kinh tế đã tạo ra những khó khăn chưa từng có cho các tòa soạn trong năm 2023. Áp lực đó được nhận định tiếp tục trong năm 2024 và có thể là một số năm tiếp theo.
Trong khi đó, thị trường quảng cáo suy giảm, lưu lượng truy cập các nền tảng công nghệ lớn kém đi góp phần dẫn đến tình trạng cắt giảm việc làm trên diện rộng trong toàn ngành báo chí - truyền thông thế giới.
Dấu hiệu ít lạc quan
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Anh), 47% biên tập viên, tổng biên tập và giám đốc các cơ quan báo chí nói họ tự tin về triển vọng của ngành báo chí trong năm tới, 41% không chắc chắn và 12% thể hiện sự bi quan.
Về khía cạnh tích cực hơn, một số nhà xuất bản cao cấp hy vọng có thể nhìn thấy con đường dẫn đến tăng trưởng bền vững nhờ kết hợp thu phí độc giả/khán giả trên mạng và các nguồn doanh thu khác. Cũng có người hy vọng rằng một năm có nhiều sự kiện chính trị và thể thao lớn có thể tăng số lượng người dùng và giúp chống lại tình trạng phân mảnh khán giả hay né tránh tin tức (news avoidance).
Né tránh tin tức là hành vi có ý thức hạn chế hoặc loại bỏ việc tiếp xúc với thông tin tin tức, tránh xem báo, nghe đài, do bị quá tải thông tin. Trong thời đại ngày nay, chúng ta liên tục được tiếp xúc với một lượng lớn thông tin, bao gồm cả tin tức. Việc này có thể khiến một số người cảm thấy quá tải và bị choáng ngợp. Hơn nữa, báo chí thường xuyên đưa tin về những sự kiện tiêu cực, chẳng hạn như chiến tranh, thiên tai và tội phạm. Việc tiếp xúc với những thông tin này có thể khiến cho một số người cảm thấy căng thẳng và lo lắng.
María Ramírez - Phó tổng biên tập tờ elDiario.es của Tây Ban Nha - cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhiều thách thức từ khía cạnh doanh thu và môi trường chính trị nhưng đồng thời trong năm nay, có thể độc giả, khán giả khắp thế giới sẽ quan tâm nhiều hơn đến báo chí khi một số cuộc bầu cử quan trọng và Thế vận hội Olympic diễn ra”.
Các cuộc bầu cử thường tạo ra sự gia tăng tạm thời về lưu lượng truy cập, nhưng cũng có nguy cơ gây chia rẽ và phân cực, làm suy yếu thêm niềm tin của công chúng vào các phương tiện truyền thông. Một biên tập viên cấp cao cho biết: “Sự phân cực quan điểm, do mạng xã hội thúc đẩy, đặt ra một trong những thách thức khó khăn nhất đối với sứ mệnh cốt lõi của các nhà báo”.
Mạng xã hội tạo ra môi trường khuyến khích sự phân cực quan điểm. Các thuật toán của mạng xã hội thường chỉ hiển thị cho người dùng những thông tin phù hợp với quan điểm hiện có của họ, tạo ra những "vòng bong bóng thông tin" (filter bubbles).
Điều này khiến mọi người ít tiếp xúc với những quan điểm khác biệt và dễ dàng củng cố niềm tin hiện có của bản thân, dẫn đến chia rẽ và thù địch trong xã hội. Điều này tạo ra thách thức đối với sứ mệnh cốt lõi của báo chí là cung cấp thông tin chính xác và vô tư cho công chúng, giúp mọi người hiểu rõ về các vấn đề và đưa ra những quyết định sáng suốt.
Các nhà báo cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhóm lợi ích và chính trị gia, những người muốn sử dụng báo chí để thúc đẩy quan điểm của riêng họ.
Trong bối cảnh đó, một thế hệ đang lớn lên hoài nghi về các phương tiện truyền thông truyền thống.
Tâm lý rối bời
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, tâm trạng chung của các nhà báo là niềm tin mãnh liệt vào giá trị của báo chí nhưng đa số lại không chắc chắn những gì sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Có nhiều bằng chứng cho thấy Facebook và các mạng xã hội khác đã giảm mức độ ưu tiên tin tức trong năm qua và xu hướng này ngày càng rõ nét.
Nói cách khác, Facebook và các nền tảng khác có thể đang hiển thị tin tức ít thường xuyên hơn, ưu tiên các nội dung khác như video giải trí, mua bán, các bài đăng từ bạn bè và gia đình. Điều này có thể là do các nền tảng mạng xã hội nhận thấy nội dung giải trí giúp người dùng tương tác nhiều hơn, ở lại trên trang lâu hơn, dẫn đến lợi nhuận cao hơn từ quảng cáo.
Tổng lưu lượng truy cập Facebook đến các sản phẩm tin tức và truyền thông đã giảm 48%, lưu lượng truy cập từ X (trước đây là Twitter) giảm 27% và Instagram giảm 10%.
Những thay đổi này, bắt đầu từ vài năm trước, là nguyên nhân dẫn đến việc các báo điện tử nổi tiếng như Buzzfeed và Vice News đã phải thu hẹp quy mô trong năm 2023. Nhưng các tờ báo khác trên toàn thế giới cũng đang phải chịu đựng tình trạng chung ấy. “Cả Facebook và X/Twitter với tư cách là nguồn truy cập tin tức, gần như đã chết đối với các tờ báo ở Ấn Độ”, một biên tập viên hàng đầu trả lời khảo sát của Reuters Institute nói.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc công chúng từ chối báo chí truyền thống là sự lên ngôi của các mạng xã hội dựa trên nội dung như YouTube và TikTok, hai nền tảng mà người sáng tạo có quyền truy cập, sử dụng các công cụ sáng tạo và phân phối tin tức hay nội dung ngày càng mạnh mẽ. Báo cáo Tin tức kỹ thuật số năm 2023 của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho thấy các trang video này đang phát triển rất nhanh chóng trên toàn thế giới và ngày càng có nhiều khán giả trẻ tiếp cận tin tức của họ hơn.
Đây là thách thức đối với nhiều tòa báo, một phần vì video không phải là kỹ năng bẩm sinh của họ và một phần vì họ có ít cơ hội liên kết trở lại tờ báo điện tử nơi họ có thể kiếm tiền từ nội dung. Nhiều tòa soạn truyền thống cũng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên mạng video với những nhà sáng tạo tin tức trẻ tuổi thông thạo ngôn ngữ và quy ước của các nền tảng này.
Nhà sáng tạo tin tức sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tạo ra, chia sẻ và phân phối nội dung tin tức. Họ có thể là cá nhân hoặc nhóm, hoạt động độc lập hoặc thuộc các tổ chức truyền thông lớn. Nhà sáng tạo tin tức sử dụng nhiều định dạng nội dung, bao gồm bài viết, video, podcast, infographics, livestream.
Dylan Page - một nhà sáng tạo tin tức trẻ đến từ Vương quốc Anh - có nhiều người theo dõi và xem video trên TikTok thường xuyên hơn các tài khoản video của BBC hoặc New York Times cộng lại, ngay cả khi anh ta làm nội dung về những câu chuyện quan trọng như đụng độ ở dải Gaza.