Thí sinh cần làm gì để tăng cơ hội trúng tuyển?
Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, các nhà trường sử dụng rất nhiều phương thức để xét tuyển. Câu hỏi được đặt ra là, với nhiều phương thức tuyển sinh như vậy, thí sinh cần làm gì để tăng cơ hội trúng tuyển?
Tập trung phương thức xét tuyển cơ bản
Bộ GDĐT đã công bố danh mục các phương thức xét tuyển đại học năm 2024 với 20 phương thức khác nhau, như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập cấp THPT hay còn gọi là học bạ, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, xét tuyển kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường và các phương thức khác, xét tuyển theo đề án của cơ sở đào tạo, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy của đơn vị khác tổ chức để xét tuyển, thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển, kết hợp giữa kết quả học tập THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển, xét tuyển qua phỏng vấn…
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, thực chất chỉ có 6 phương thức gốc: Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học bạ THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp.
Các phương thức gốc trên kết hợp với nhau tạo nên nhiều nhánh nhỏ nhằm đa dạng phương thức tuyển sinh và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Học sinh chỉ cần quan tâm và chuẩn bị đáp ứng tốt nhất có thể với các phương thức gốc.
Ông Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, cho biết: Năm 2024 nhà trường tuyển 36 ngành với 4 phương thức: Xét kết quả thi tốt nghiệp 25%, xét học bạ 70% gồm xét tổ hợp môn năm lớp 12 và điểm trung bình 3 học kỳ, xét điểm thi đánh giá năng lực 5%. Trong đó, xét tuyển bằng học bạ và đánh giá năng lực là 2 phương thức đang rất được thí sinh quan tâm.
Theo thông báo của Trường ĐH Ngoại thương, năm 2024 nhà trường tuyển 4.130 chỉ tiêu với 7 phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo các tổ hợp môn xét tuyển của trường; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực...
Trường ĐH Mở TPHCM tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu cho 44 ngành, với các phương thức xét tuyển thẳng và xét điểm thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết quả học tập 3 năm THPT, bằng tú tài quốc tế, chứng chỉ SAT, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi có chứng chỉ ngoại ngữ, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, kết quả của học sinh tham dự kỳ thi đầu vào trên máy tính của nhóm 10 trường...
Đăng ký ngành đủ điều kiện
Để tránh nhầm lẫn, sai sót trong đăng ký xét tuyển đại học năm 2024, Bộ GDĐT lưu ý thí sinh cần tìm hiểu thông tin về mã trường, mã xét tuyển được cơ sở đào tạo công khai trong đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để nhập liệu cho chính xác.
Thí sinh đặc biệt lưu ý không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo không đủ điều kiện để xét tuyển; cần khai báo, cung cấp đầy đủ, chính xác tất cả thông tin đăng ký dự tuyển vào các trường; khai báo chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm thông tin để hưởng khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên (nếu có) tại thời điểm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thông tin nơi thường trú ở các giai đoạn do thí sinh khai báo sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra và xác thực trên cơ sở dữ liệu về dân cư.
Ông Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho hay, trong những năm qua, không ít thí sinh có những sai sót đáng tiếc nên dù điểm cao vẫn không trúng tuyển vào ngành, trường mà mình mong muốn.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, sai sót phổ biến nhất là khai sai đối tượng ưu tiên và khu vực. Nhiều thí sinh không được ưu tiên nhưng lại khai có điểm ưu tiên, lúc trúng tuyển, làm thủ tục nhập học, trường kiểm tra lại thì các em bị trừ điểm ưu tiên và trở thành trượt. Vì vậy, các em phải xét tuyển bổ sung và khi đó các ngành, trường có thể không còn chỉ tiêu xét tuyển.
Sai sót về mặt kỹ thuật trong thao tác đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GDĐT cũng thường gặp. Khi đăng ký lên hệ thống, thí sinh thực hiện chưa đúng hoặc chưa hoàn thiện quy trình. Các em đăng ký xong mà không nộp lệ phí xét tuyển hoặc không xác nhận nhập học lên hệ thống cũng sẽ mất cơ hội trúng tuyển.
Nhiều thí sinh còn nghĩ rằng điểm sàn xét tuyển cũng là điểm trúng tuyển, nhưng điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn điểm sàn...
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, năm 2024, toàn bộ quy trình xét tuyển đại học, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm đầu tiên mà các thí sinh cần lưu ý. Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GDĐT.
Điều này vô cùng quan trọng bởi nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa.
Bà Thủy cũng lưu ý, quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký xét tuyển, các em cần sắp xếp các nguyện vọng mà bản thân thấy yêu thích nhất, có năng lực, sở trường và đam mê lên hàng đầu. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh, giúp các em có cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.
Theo đại diện các trường ĐH, Bộ GDĐT đã tạo điều kiện tối đa để mỗi thí sinh đều có thể trúng tuyển ĐH bằng ít nhất một phương thức xét tuyển. Vì thế, thí sinh cần biết tận dụng để không bỏ lỡ cơ hội bằng cách tham gia xét tuyển sớm.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing cho rằng: Tất cả phương thức xét tuyển đều là cánh cửa mở, thí sinh đừng để rơi vào tình huống từng xảy ra ở các năm trước, đó là chỉ xét tuyển vào một ngành ở một phương thức và không trúng tuyển.