Cơ chế đặc thù để Hà Nội bứt phá
Dù đã có nhiều cơ chế ưu đãi song Hà Nội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Một cơ chế đặc thù để Thủ đô vươn mình bứt phá là vấn đề đang được đặt ra.
Tầm nhìn phát triển
Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như trái tim của cả nước, nơi mọi mặt cuộc sống quan trọng hội tụ và lan tỏa ra toàn quốc. Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ. Phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người Hà Nội chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng và nền tảng lịch sử - văn hoá nghìn năm văn hiến của Thủ đô.
Do đó, tại Nghị quyết 15, Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Vậy để đạt được mục tiêu trên, rất cần những cơ chế thực sự đặc biệt để Thủ đô có thể vươn tầm. Điều đó đang được đặt ra ở dự án Luật Thủ đô sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV vào ngày 27/6. Bên cạnh đó, song hành với dự án Luật Thủ đô sửa đổi, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
“Cởi trói” cho bộ máy, con người
Thế nhưng những cơ chế nào để thực sự “cởi trói” cho Thủ đô, tháo gỡ những khó khăn để Hà Nội bứt phá là vấn đề đáng quan tâm. Có lẽ, vấn đề đầu tiên cần được tháo gỡ chính là bộ máy, và con người - nhân tố quyết định sự thành bại.
ĐBQH Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định, chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.
Theo ĐBQH Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có nhiều nội dung thể hiện tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của Bộ Chính trị. Việc phân cấp, phân quyền này là cơ sở pháp lý và để chính quyền TP Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị.
Trong khi đó, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, các quy định về chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo luật thực sự là các nội dung chính sách có tính chất vượt trội và đột phá. Sự vượt trội, theo ông Thi, nằm ở việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu các tổ chức đó.
Căn cứ thực tiễn hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học cũng như cơ sở khoa học công nghệ, các viện, trường thì có một dư địa rất lớn để làm sao hình thành các hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm. Đồng thời tái đầu tư và công tác nghiên cứu và phát triển, đặc biệt phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô.
“Hiện nay Thủ đô là nơi tập trung 80% cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức khoa học công nghệ công lập và 70% tổng số cán bộ các nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên của cả nước. Chúng ta có sự phát triển rất nhanh mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ vòng đời sản phẩm cũng như chu trình sản xuất rất nhanh. Các quy định này bảo đảm bắt nhịp với xu thế đó” - ông Thi nói.
Cũng liên quan đến yếu tố con người, ĐBQH Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, quy định cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Hà Nội được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài, điều này vừa giúp cho các em học sinh hội nhập ngay tại đất nước mình, vừa giúp các thầy cô giáo có cơ hội tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến và các bậc phụ huynh giảm được chi phí thay vì cho con đi du học.
Thử nghiệm có kiểm soát, ưu tiên quyền cắt điện, nước
Thử nghiệm có kiểm soát cũng là nội dung mới được coi là điểm đột phá lần này cho Hà Nội. ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn), đánh giá cao về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật, điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.
Một vấn đề nổi trội và nhận được sự quan tâm và đồng tình nằm ở quy định cho phép, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội thì Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo ĐBQH Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai), vừa qua TP Hà Nội cũng đã xảy ra một số vụ việc thương tâm liên quan đến các công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị cháy gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh và chú trọng giải quyết mạnh mẽ các sai phạm thì khó có thể kiểm soát được thiệt hại sẽ xảy ra. Việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước chưa phải là biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất nhưng với các yêu cầu rất cao về trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô thì đây là biện pháp cần thiết và ưu tiên áp dụng. Đây được xem như là bước dự phòng ban đầu, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, trật tự ở trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến việc cắt điện, nước các công trình vi phạm, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đây là vấn đề cực kỳ bức xúc. Ví dụ với các công trình nhà xây vượt tầng, không có phòng cháy chữa cháy, cách tốt nhất để dừng lại vi phạm là cắt điện nước, không thi công khi dân chưa vào ở. Giải pháp là phải xử lý khi dân chưa vào ở. Bởi nếu dân đã vào ở thì khó di dân ra được. Do đó, với các vi phạm này phải cắt điện, nước để dân không vào ở. “Quyền này không phải giao tùy tiện mà chỉ để Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện quyết định. Quyền này hướng tới mục tiêu để bảo vệ sự sống của người dân” - ông Thanh nói.
Điều 6 của Quy định số 131- QĐ/TW nêu rõ: Trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cá nhân có liên quan khi không thực hiện hành vi quy định tại Điều 4. Điều 7 của Quy định nêu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác. Trong đó nhấn mạnh việc: Nghiêm cấm các hành vi: Can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Thiết lập quan hệ để hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích chạy tội, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết về kết luận, quyết định kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc. Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.