Đột phá chính sách để thu hút giáo viên
Chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về chính sách để tăng sức hút của nghề giáo, để các nhà giáo an tâm công tác, tập trung phát triển chuyên môn, nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
5 đột phá trong dự thảo Luật Nhà giáo
Hiện 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước với sự đa dạng về cấp học, trình độ, nơi công tác: từ cấp mầm non đến đại học, từ đào tạo trình độ sơ cấp đến đào tạo trình độ sau đại học; từ vùng thuận lợi đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; từ nông thôn đến thành thị, từ vùng đồng bằng đến hải đảo, biên giới. Dự thảo Luật Nhà giáo nếu được thông qua sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ bộ tới sở, phòng và các cơ sở giáo dục.
Một trong những điểm được coi là đột phá trong dự thảo Luật Nhà giáo là đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với nhà giáo, như chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là “chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực”. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) Vũ Minh Đức thông tin, Bộ GDĐT dự kiến quy định 5 nội dung mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Nhà giáo. Đó là công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh/thành phố khác nhau và giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp. Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục. Chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
Ông Đức cho rằng những điều kiện nói trên là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, nơi nhà giáo được bảo vệ và được đảm bảo về các điều kiện vật chất, tinh thần, đảm bảo điều kiện an sinh xã hội.
Từ đó, các nhà giáo an tâm công tác, tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục; được ghi nhận xứng đáng đối với những thành tích, đóng góp đạt được để duy trì động lực phấn đấu, tận tụy với nghề, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có cơ hội công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp; được xã hội tôn vinh tương xứng với vị thế nghề nghiệp trong xã hội, vun đắp thêm niềm tự hào, vinh dự với “nghề” nhà giáo.
Nhờ vậy, “trở thành nhà giáo” tự khắc là nguyện vọng của những người có tài năng, có năng lực, là sức hút tự nhiên làm tăng số lượng người muốn trở thành nhà giáo, thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo nhà giáo, tăng hiệu quả công tác tuyển dụng nhà giáo…
Không cào bằng
Từ ngày 1/7 tới đây, giáo viên sẽ không được hưởng một số loại phụ cấp bao gồm phụ cấp thâm niên nghề cho nhà giáo, phụ cấp chức vụ, phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Trong khi đó, một số phụ cấp tăng lên dẫn đến thu nhập thực lĩnh của giáo viên trẻ mới vào nghề tăng rõ rệt tuy nhiên với các giáo viên có thâm niên, số tiền tăng không biết có bù nổi khoảng 30% lương đã bị bãi bỏ là trăn trở của nhiều nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, điều chúng ta mong mỏi nhất khi cải cách tiền lương là đối với ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương cho họ. Khi đó, xã hội phấn khởi, viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương được chuẩn bị đến năm 2026, nên sau năm 2026, Bộ trưởng cho rằng, nếu không nỗ lực tăng thu và tiết kiệm chi thì rất khó khăn để tiếp tục thực hiện trả lương mới.
Xa hơn nữa là đề xuất giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp cùng với các ngành y tế, công an hay quân đội. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia, với 1,6 triệu nhà giáo, trong đó số cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương của ngành giáo dục chiếm đến 70% số công chức, viên chức của cả nước, thì lương nhà giáo chỉ cần tăng một phần nào đó, quỹ lương cũng sẽ bị đẩy lên cao và nguy cơ vỡ quỹ lương có thể xảy ra.
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực tăng lương, tăng phụ cấp cho nhà giáo, nhiều ý kiến đề xuất không thể cào bằng trong việc tăng lương. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, cần có chính sách ưu tiên riêng cho giáo viên dạy vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, giáo viên dạy các trường chuyên biệt, những giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Đây là những đối tượng cần được quan tâm hơn vì công việc mang tính chất đặc thù, vất vả hơn cả về điều kiện dạy học, đối tượng học sinh…
Quan tâm toàn diện đời sống nhà giáo
Trên thực tế, hiện nay việc hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa đã được Đảng, Chính phủ và các địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi điều kiện vật chất thiếu thốn, thiếu phòng học, thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Ghi nhận tại Trường Tiểu học xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, nơi đây là huyện miền núi khó khăn, điều kiện sinh hoạt rất thiếu thốn. Có giáo viên ở cách trường 40km phải đi đi, về về mỗi ngày, vất vả mưa nắng không kể xiết. Thầy cô nào nhà xa quá thì phải tự thuê nhà trọ của người dân để ở lại vì trường chưa có nhà công vụ cho giáo viên.
Thống kê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có gần 1.500 cán bộ, giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện sống, sinh hoạt hết sức thiếu thốn, đặc biệt là nhà ở, nhiều giáo viên phải ở nhờ nhà dân hoặc ở trong nhà tập thể tạm bợ, xuống cấp, hư hỏng nặng cần kịp thời sửa chữa. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 168 ngày 9/12/2021 thông qua Đề án xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 với 399 phòng, trị giá 59,8 tỉ đồng, trong đó 50% nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này cần sự tiếp tục chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể để sớm biến ước mơ của những giáo viên cắm bản thành hiện thực.
Đối với chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo được đông đảo giáo viên và nhân dân hoan nghênh, ủng hộ. Đây không chỉ là một sự trợ giúp kinh tế mà còn là sự công nhận và động viên tinh thần to lớn, giúp giáo viên yên tâm hơn trong công việc giảng dạy. Ngay với nhiều giáo viên ở thành phố, việc chi trả học phí hàng tháng cho 2 con đi học cũng chiếm một phần không nhỏ đồng lương eo hẹp, bởi vậy không ít thầy cô đã phải bươn chải thêm các công việc khác để đảm bảo cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc đưa chính sách khám bệnh định kỳ hàng năm vào dự thảo Luật Nhà giáo cũng được đánh giá là một bước tiến đáng kể, giúp bảo vệ sức khỏe của giáo viên, đặc biệt là những người công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện y tế không đầy đủ. GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam nhìn nhận, việc quan tâm, chăm lo toàn diện tới nhà giáo từ lương, thương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc đến chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học phí cho con giáo viên… chính là những chính sách thiết thực để nhà giáo bớt đi phần nào lo lắng về chỗ ở, việc học tập của chính con em mình cũng như sức khỏe của bản thân để tập trung toàn tâm toàn ý vào công việc dạy học.
“Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nếu điều này trở thành hiện thực thì rất tuyệt vời. Trước mắt, trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, từng sự quan tâm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn sẽ giúp nhà giáo vững tâm với nghề, gắn bó với sự nghiệp trồng người mà họ đã lựa chọn với tất cả niềm tin yêu” – GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành nói.
Từ ngày 1/7 tới đây, giáo viên sẽ không được hưởng một số loại phụ cấp bao gồm phụ cấp thâm niên nghề cho nhà giáo, phụ cấp chức vụ, phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Trong khi đó, một số phụ cấp tăng lên dẫn đến thu nhập thực lĩnh của giáo viên trẻ mới vào nghề tăng rõ rệt, tuy nhiên với các giáo viên có thâm niên, số tiền tăng không biết có bù nổi khoảng 30% lương đã bị bãi bỏ là trăn trở của nhiều nhà giáo.