Văn hóa

Để kinh tế đêm tỏa sáng

Phạm Sỹ 24/06/2024 13:41

Nhiều địa phương xác định 2024 sẽ là năm trọng tâm phát triển kinh tế đêm và kỳ vọng đây sẽ là điểm sang, góp phần vào tăng trưởng chung. Tuy nhiên, thực tế chưa được như kỳ vọng.

anh-1-trang-16.jpg
Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TPHCM). Nguồn: VinWonders.

Vì sao kinh tế đêm chưa hấp dẫn?

Hiện các hoạt động kinh tế đêm chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng… Đối với Hà Nội, từ khi tuyến phố đi bộ quận Hoàn Kiếm được tổ chức, cho đến nay, nơi đây đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế đêm. Cùng tuyến phố này là không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và khu vực hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; Khu phố ẩm thực đêm, kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình… Ngoài ra, Chợ đêm phố cổ gắn liền với khu chợ nổi tiếng - chợ Đồng Xuân đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội.

Còn tại TPHCM, vào mỗi buổi tối, các con phố đi bộ như Bùi Viện, Nguyễn Huệ lại đông đúc, nhộn nhịp và rực rỡ ánh đèn. Người ta vẫn bảo, muốn biết “đêm không ngủ” ở TPHCM sầm uất ra sao thì phải tới phố Bùi Viện. Đêm xuống là lúc khu phố nhộn nhịp, tấp nập nhất với ánh đèn rực rỡ, tiếng nhạc sôi động hòa trong dòng người đông đúc.

Có thể thấy, kinh tế đêm đang là xu hướng phát triển, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là nền ẩm thực phong phú và con người thân thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế ban đêm ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn, kinh tế đêm của chúng ta mới chỉ dừng lại ở nhà hàng, quán bar và một số cửa hàng lưu niệm mà chưa phát huy được lợi thế văn hóa và những tiềm năng khác.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wonder Tour Lê Công Năng cho rằng, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc kéo dài thời gian hoạt động của một số dịch vụ hiện có thay vì tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới đặc thù cho ban đêm. Sự kết nối giữa các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực... còn thiếu đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn.

“Hiện nay, sản phẩm du lịch đêm tại còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự hấp dẫn du khách. Chúng ta chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù cho ban đêm, chủ yếu vẫn là các hoạt động vui chơi giải trí thông thường. Các sản phẩm du lịch ban đêm hiện có cũng chưa khai thác được hết tiềm năng. Chất lượng dịch vụ du lịch ban đêm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách” - ông Năng phân tích.

anh-2.jpg
Chợ hoa đêm ở Hà Nội. Nguồn: Dulich Today.

Vẫn còn rào cản

Mặc dù có tiềm năng để phát triển, song do nhiều nguyên nhân đã khiến cho kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, để khai thác kinh tế đêm thì cần có sự nhận thức toàn diện hơn. Quá trình phát triển đó không chỉ của một ngành, một địa phương, một điểm đến. Nếu chúng ta nhìn nhận kinh tế đêm chỉ phục vụ khách du lịch thì sẽ khó thành công.

Cũng theo ông Long, phát triển kinh tế đêm liên quan đến góc độ an ninh trật tự của điểm đến. Đây cũng là một trong những rào cản. Nhiều địa phương phát triển tốt kinh tế đêm nhưng lại tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội.

Vì vậy, ông Long cho rằng, nơi nào làm tốt công tác quản lý thì mô hình kinh tế đêm sẽ phát triển bền vững. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tiềm năng và lợi ích của kinh tế ban đêm, chưa có chiến lược phát triển bài bản, chưa thu hút được đầu tư.

“Bên cạnh đó, khung pháp lý đồng bộ cũng là một vấn đề. Hiện nay, chưa có khung pháp lý riêng cho kinh tế ban đêm, gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những nguyên nhân chính. Ngành du lịch nói chung và kinh tế ban đêm nói riêng đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo, quản lý và vận hành các hoạt động du lịch ban đêm” - ông Long cho biết.

anh-3.jpg
Chợ đêm Đà Lạt. Nguồn: Viet Fun Travel.

Để kinh tế đêm trở thành “mỏ vàng”

Hiện nay mới có 10 địa phương được tổ chức kéo dài thời gian hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng, trong đó, có những tỉnh, thành phố chỉ một khu vực được tổ chức thí điểm như Quảng Nam có Hội An, Kiên Giang có Phú Quốc…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để có thể khai thác hiệu quả thì tư duy người làm du lịch phải được thay đổi. Chúng ta rõ ràng có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa biết khai thác. Nếu được khai thác tốt, du lịch đêm sẽ trở thành nhiều mỏ vàng cho các địa phương.

Cũng theo ông Thịnh, nên tính toán quy hoạch, xây dựng hoạt động kinh tế đêm một cách khoa học, không ảnh hưởng đến hoạt động chung của địa phương và cộng đồng dân cư. Chúng ta cũng có thể có những phân khu là tổ hợp các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, nằm cách xa khu dân cư. Có thể nói, để phát triển, thúc đẩy kinh tế ban đêm thì phải có một chiến lược phát triển bài bản và tổng thể.

Cùng quan điểm, ông Lê Công Năng cũng cho rằng, để kinh tế đêm của Việt Nam thực sự tỏa sáng, thì trước hết cần tập trung vào hoàn thiện khung pháp lý. Sớm ban hành khung pháp lý riêng cho kinh tế ban đêm, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch ban đêm. Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế ban đêm bài bản, xác định rõ sản phẩm du lịch chủ lực, thị trường mục tiêu, giải pháp thu hút đầu tư.

“Cần tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của địa phương. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ban đêm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Với sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, đưa kinh tế ban đêm trở thành điểm sang, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Năng chia sẻ.

anh-theo-box.jpg

Theo PGS Phạm Hồng Long, kinh tế đêm không chỉ hỗ trợ cho du lịch mà hỗ trợ cho phát triển kinh tế của cả một điểm đến. Cùng với đó là sự tham gia của các bên, đặc biệt phía người dân địa phương và doanh nghiệp. Nếu người dân nơi điểm đến mà đồng tình, hỗ trợ thì hoạt động kinh tế đêm ở địa bàn đó mới phát triển tốt và sẽ trở thành một trong những mắt xích quan trọng tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm dịch vụ ban đêm. cùng đó sự đồng hành của doanh nghiệp là rất quan trọng. Đây chính là cầu nối để đưa khách du lịch tới điểm đến. Cần có những giải pháp để lường trước những tác động tiêu cực, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

Phạm Sỹ