Mỏ vàng kinh tế biển
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khoá XII ban hành trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển và ven biển dựa trên quy hoạch không gian biển, phát triển kinh tế biển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Phát triển kinh tế biển ngay từ cộng đồng
Các ngành kinh tế biển của Việt Nam bao gồm: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Căn cứ vào từng đặc điểm địa phương, để lựa chọn phát huy từng thế mạnh hay tổng thể. Trong đó, thế mạnh nuôi trồng và khai thác hải sản đang được thấy rất rõ.
Năm 2022, ngành Thủy sản đạt được nhiều thắng lợi nổi bật và ấn tượng. Điều đó có thể nhìn thấy qua nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích nuôi ước đạt 1,3 triệu ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 737 nghìn ha. Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2022 đạt 745 nghìn tấn.
Về nuôi biển, diện tích khoảng 9 triệu m3 lồng. Tổng sản lượng 670 nghìn tấn, tăng 3,5% so với năm 2021. Trong đó, cá biển 40 nghìn tấn, tôm hùm 2,2 nghìn tấn; nhuyễn thể 395 nghìn tấn, đối tượng khác 233 nghìn tấn. Về cá tra, diện tích thả nuôi đạt 5.700ha, bằng với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng đạt 1,712 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021 (1,55 triệu tấn).
Về khai thác thủy sản, tổng sản lượng khai thác năm 2022 ước khoảng 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác biển 3,66 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2021 (3,74 triệu tấn); sản lượng khai thác nội địa 0,198 triệu tấn, tăng 2,8% so với năm 2021.
Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán đích ở con số kỷ lục với gần 11 tỷ USD.
Theo TS Hà Thị Hồng Vân - Trung tâm Phân tích và Dự báo, cần chiến lược bảo đảm sinh kế cho ngư dân đi cùng với việc khai thác, quản lý, phát triển kinh tế biển ngay từ cấp cộng đồng; Tăng cường năng lực ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng khả năng chống chịu, giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan và hạn chế tính tổn thương từ tác động thời tiết đến người dân.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - chuyên gia về khoa học và quản lý biển, phát triển bền vững kinh tế biển không chỉ phát triển kinh tế quốc dân, mà còn góp phần ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích biển; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Để tiếp tục phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tiếp theo, ông Hồi đề xuất thúc đẩy kinh tế biển xanh; có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các biểu hiện biến đổi đại dương; khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; phát triển bền vững kinh tế biển dựa vào cơ sở khoa học, cộng đồng.
Ông Hồi cũng đề nghị có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa, từng bước biến rác thải nhựa thành tài nguyên; tăng cường chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, ít phát thải. Hơn hết, các nguồn vốn cần tập trung đầu tư, khai thác là vốn con người, cần phải khuyến khích, tuyên truyền từ các cấp chính quyền đến người dân trong việc nhận thức về việc áp dụng kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sinh kế chủ động để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu nguy cơ tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và các cấp chính quyền cần tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng quy mô vừa và nhỏ đối với các hộ gia đình, tăng cường khuyến khích cho vay vốn với các hộ gia đình, hoạt động trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và những hộ có phương án sản xuất các sản phẩm địa phương chuyên sâu, tăng giá trị và có thương hiệu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển. Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực...
Chuyển động từ các địa phương
Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã khai thác tốt tiềm năng biển. Trong đó có Quảng Ninh, Phú Yên, Kiên Giang.
Tới nay, tỉnh Phú Yên đã dần hình thành kinh tế hàng hải. Cảng Vũng Rô khi được đầu tư nâng cấp có khả năng tiếp nhận tàu 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm; quy hoạch cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 50.000 tấn… Tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp ven biển với tổng diện tích hơn 460ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 77%. Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút được 118 dự án đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 9.285,59 tỷ đồng và 38,43 triệu USD.
Còn với Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho biết, tỉnh xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm, bảo đảm sức khỏe của hệ sinh thái đại dương, không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, ngoài việc tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, tỉnh chuyển mạnh nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển. Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển 7.500 lồng nuôi cá biển, sản lượng hơn 29.870 tấn và đến năm 2023 là 14.000 lồng, sản lượng hơn 105.720 tấn; nuôi nhuyễn thể 24.000ha, sản lượng hơn 83.660 tấn và đến năm 2023 diện tích nuôi 25.000ha, sản lượng 101.470 tấn. Ngoài ra, còn phát triển nuôi trai ngọc và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao khác.
Đặc biệt, tranh thủ mọi nguồn lực xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.