Xét duyệt hiện vật Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ngày 24/6, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị xét duyệt hiện vật của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
Tại hội nghị có 125 hiện vật, nhóm hiện vật thuộc các loại hình, chất liệu khác nhau về chủ đề toàn dân đoàn kết phòng chống đại dịch Covid-19 sưu tầm tại TP. HCM năm 2022-2023 được Hội đồng khoa học Bảo tàng đánh giá, xét duyệt, bao gồm: Hiện vật là những văn bản chỉ đạo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP. HCM và các quận, huyện thuộc thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; hiện vật phản ánh điều kiện công tác, sinh hoạt, đi lại khi đại dịch bùng phát; hiện vật là vật dụng của cán bộ Mặt trận, đội ngũ y bác sĩ, quân đội, dân phòng, tình nguyện viên, các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động thiện nguyện… đã không quản khó khăn, nguy hiểm tự nguyện, tích cực tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; hiện vật phản ánh tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân Việt Nam trong đại dịch; hiện vật phản ánh trí tuệ sáng tạo của người dân khi sáng chế ra những công cụ, vật dụng giúp cho việc phòng chống, dịch Covid-19 được thuận lợi, an toàn; hiện vật là những tác phẩm nghệ thuật phản ánh cuộc sống của TP.HCM trong những ngày giãn cách, ca ngợi, tôn vinh những tấm gương hy sinh quên mình khi trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS Trần Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Khoa học Bảo tàng MTTQ Việt Nam đánh giá cao công tác sưu tầm hiện vật và xây dựng hồ sơ hiện vật của Bảo tàng MTTQ Việt Nam trong thời gian qua. Những hiện vật sưu tầm đã phản ánh một cách sinh động hình ảnh của những nhân chứng, vật chứng của phong trào Mặt trận trong giai đoạn chống dịch Covid-19. Giá trị của những hiện vật sưu tầm lần này thuộc mọi tầng lớp, từ bình dân đến lãnh đạo, từ người trẻ đến cao niên, lực lượng vũ trang, y bác sĩ, cán bộ, viên chức Nhà nước đến người nội trợ, người lao động tự do… nói lên tính toàn dân, toàn diện của phong trào Mặt trận, tính phong phú, đa dạng, tính tự nguyện từ trái tim đến trái tim của truyền thống nhân ái Việt Nam. Những hiện vật này đưa vào Bảo tàng sẽ góp phần chứng minh chân lý giản dị nhưng vĩ đại của dân tộc ta là mỗi khi gặp gian nan, thử thách, dân ta hơn bao giờ hết lại đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, sống chết có nhau.
TS. Nguyễn Xuân Năng, Ủy viên Hội đồng Khoa học Bảo tàng MTTQ Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, số lượng hiện vật lần này nhiều hơn và là hiện vật gốc có giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa, thể hiện sự nỗ lực trong công tác sưu tầm. Hồ sơ hiện vật được chuẩn bị tương đối tốt, đầy đủ, chi tiết. Những hiện vật này sau khi hoàn thiện hồ sơ có thể phục vụ trưng bày và triển lãm chuyên đề của bảo tàng.
Ở góc độ khác, ThS. Dương Thị Hằng, Ủy viên Hội đồng Khoa học Bảo tàng MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đánh giá, bảo tàng MTTQ Việt Nam đã kịp thời sưu tầm hiện vật về chủ đề toàn dân đoàn kết phòng chống đại dịch Covid-19 là rất kịp thời, sáng tạo, hiệu quả. Các hiện vật được xét duyệt lần này sau khi hoàn hiện hồ sơ đều có khả năng nhập kho cơ sở, nhiều hiện vật có câu chuyện xúc động.
Phát biểu kết luận hội nghị, ThS Chu Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bảo tàng MTTQ Việt Nam đề nghị, Bảo tàng MTTQ Việt Nam tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng để hoàn thiện hồ sơ hiện vật đồng thời nghiên cứu xây dựng tiêu chí lập hồ sơ hiện vật và kế hoạch bảo quản trị liệu hiện vật, không ngừng nâng cao chất lượng các khâu nghiệp vụ của bảo tàng để hoạt động bảo tàng ngày càng bài bản, hiệu quả hơn.