Chính trị

Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết và dự án luật quan trọng

Theo TTXVN 26/06/2024 08:13

QH sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, Nghệ An; thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và bàn thảo nhiều nội dung quan trọng khác.

Sáng nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Sáng nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Tiếp tục chương trình làm việc đợt 2, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (26/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết và dự án Luật quan trọng. Các nội dung này được Truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Theo chương trình, buổi sáng Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Cuối phiên làm việc hôm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Qua hơn 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã cho thấy tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

z5573491378541_0c196fe1d083288979a53b1c09f1d635.jpg
Chi trả cho người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tại điểm Nhà văn hóa khu dân cư số 3A-3B Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn xảy ra ở nhiều địa phương, doanh nghiệp; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay; tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng chỉ chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu; đặc biệt là tỷ lệ người hưởng chế độ BHXH một lần tăng nhanh trong các năm gần đây…

Chính vì thế, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một trong những dự án Luật nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Trước đó, dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua là: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn: (1) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; (2) Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; (3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (4) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; (5) Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; (6) Sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; (7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; (8) Sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (9) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; (10) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; (11) Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.

Theo TTXVN