Văn hóa

‘Giấc mơ sông Hồng’ dần hiện hữu

Phạm Sỹ 26/06/2024 10:12

Ngày mai, 27/6, theo dự kiến, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua. Người dân đang kỳ vọng, đây sẽ chính là hành lang pháp lý, là cơ sở cho việc phát triển hai bên bờ sông Hồng, đặc biệt là việc kết nối không gian bờ sông với khu vực phố cổ của Hà Nội...

anh-6.jpg
Một góc bãi giữa sông Hồng.

Người dân mong mỏi

Nếu được thông qua, Luật Thủ đô sửa đổi sẽ cho phép trên bãi sông được tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng.

anh-1.jpg
Tiềm năng của sông Hồng nhiều năm qua bị bỏ quên.

Khi biết được thông tin này, người dân đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào những đổi thay khu vực sông Hồng. Ông Bùi Văn Tuấn (67 tuổi, phố Hàm Tử Quan (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không giấu nổi sự mong mỏi về một phương án sẽ mang lại lợi ích bền vững cho người dân ở khu vực bãi giữa và ven sông Hồng.

“Ngắm nhìn thành phố ven sông của các nước trên thế giới mới thấy sông Hồng đang để rất lãng phí. Bãi nổi giữa sông là một không gian vô cùng đặc biệt, nếu khai thác hiệu quả, đó sẽ trở thành biểu tượng, là điểm đến của thành phố Hà Nội. Chúng tôi mong sớm có những không gian công cộng xanh, những khu vui chơi giải trí; những tuyến đường đi dạo ngắm sông sau những giờ làm việc căng thẳng” – ông Tuấn chia sẻ.

anh-4.jpg
anh-2.jpg
Công viên nằm bên bờ sông Hồng thuộc phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Trọng Chiến (56 tuổi, tổ 5, phường Chương Dương quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua lần này là điều cực kỳ tốt. Tại khu vực đô thị bây giờ các khu vui chơi đang rất thiếu, người dân mong mỏi giấc mơ Công viên văn hóa sông Hồng sẽ được hiện thực hóa. Nếu hai bờ sông và bãi giữa sông Hồng được thay đổi, có các công trình phục vụ người dân, tương lai sẽ góp phần thay đổi cảnh quan và môi trường, mang lại nhiều lợi ích.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là bước tiến mang tính chất đột phá. Có rất nhiều việc mà trước đây người dân Thủ đô mong mỏi nhưng chưa thực hiện được. Hy vọng lần này với Luật sửa đổi, Thủ đô Hà Nội sẽ được trao thêm quyền hạn, trách nhiệm, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, cả về kinh tế - văn hóa và du lịch.

Khai thác hài hòa với thiên nhiên

anh-8.jpg
Sông Hồng nhìn từ cầu Chương Dương.

Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề pháp lý, ổn định dòng chảy của sông Hồng như nào và phải liên kết giữa hai bên sông Hồng với khu vực dự án này ra sao.

Đặt nhiều kỳ vọng nhưng bà Bùi Thị An cũng lưu ý, sông Hồng là dòng huyết mạch vì vậy phải vô cùng thận trọng. Cần có những đánh giá tác động rất cẩn thận về dòng chảy và những biến đổi, mực nước...Khi đã làm là phải làm cẩn trọng từng bước một.

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua sẽ tạo đặc thù, giao cho Hà Nội quyền tự chủ, chủ động. Tuy nhiên cần phải thực hiện theo quy hoạch và phụ thuộc vào quy hoạch thủy lợi, luật Đê điều… phải đồng bộ. Luật Thủ đô không thể nằm trên các luật khác.

Theo ông Tùng, điều quan trọng bây giờ là xem khu vực nào giữ lại được thì cần phải cải tạo để nâng cấp cho đời sống người dân tốt hơn lên. Đồng thời phải kết nối cả bãi giữa sông Hồng. Đặc biệt không khuyến khích xây nhà cao tầng. Việc xây dựng Công viên văn hóa sông Hồng cũng phải đảm bảo trên nguyên tắc cân bằng sinh thái, giữ được không gian xanh cho thành phố và tận dụng bãi giữa thành rừng trong thành phố hoặc kết hợp du lịch sinh thái.

“Những công trình hai bờ sông và bãi giữa sông Hồng phải tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, thể hiện được tính sáng tạo. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời hiện thực dần đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng. Làm sao để cho sông Hồng hài hòa, mang đặc trưng của Hà Nội. Trong quá trình khai thác không ảnh hưởng những quy định của Luật Đê điều. Đặc biệt, chúng ta đang sống thời đại công nghệ số, phát triển xanh, công nghệ xanh. Phải gắn với môi trường thiên nhiên, sinh thái bảo vệ được tài nguyên”, ông Tùng nhấn mạnh.

.
Sản phẩm du lịch sông Hồng chưa thu hút được khách.

Đồng quan điển, KTS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc khai thác và phát triển hai bờ sông và bãi giữa sông Hồng đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Nếu như luật Thủ đô (sửa đổi) lần này được thông qua sẽ tạo được thuận lợi cho việc triển khai các đề án phát triển đối với khu vực sông Hồng chúng ta đã để phí nhiều năm qua. Tuy nhiên, khai thác làm sao để người dân Thủ đô có cơ hội được tiếp cận với thiên nhiên một cách gần gũi nhất, tích cực nhất.

Kết nối không gian sông Hồng với phố cổ?

img_6520.jpg
img_6548.jpg
Các tác phẩm nghệ thuật công cộng ở Phúc Tân đã biến một phần không gian ven bãi thành một không gian nghệ thuật hấp dẫn.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, sông Hồng là con sông vô cùng quan trọng trong lịch sử hình thành Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, những giá trị lịch sử đó không mất đi, mà càng có ý nghĩa hơn trong không gian đô thị. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và quy hoạch đô thị cũng đã xác định sông Hồng là một trong 5 trục không gian, cảnh quan quan trọng.

Thực trạng khu vực dân cư ven sông Hồng, phường Phúc Xá thuộc quận Ba Đình nói riêng cũng như các khu dân cư thuộc các quận khác nói chung đã tồn tại từ khá lâu. Với mật độ dân cư cao, hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội không theo kịp được với tốc độ phát triển đô thị hóa, đã làm khu vực này trở thành một “mảng tối” trong đô thị. Những cố gắng của các cấp chính quyền trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo… nhằm cải thiện không gian, môi trường của khu vực này gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn do chưa “cởi trói “ được về pháp lý, về quy hoạch…

Do vậy Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua, cùng với đó là các quy hoạch quan trọng sẽ là định hướng sẽ mở đường cho việc cải tạo… biến đổi không gian khu vực này thành trục không gian không gian xanh, những khu vui chơi, đặc biệt nâng tầm giá trị khi gắn với các yếu tố văn hoá, lịch sử…Đặc biệt, việc kết nối không gian giữa khu vực sông Hồng với khu vực phố cổ, các di sản hiện hữu trong nội đô cũng cần phải được quan tâm.

lang-chai-song-hong.jpg
Làng chài ven sông Hồng.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng kỳ vọng, Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ. Bên cạnh đó Dự thảo Luật cũng đã bổ sung nội dung giao UBND TP Hà Nội thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố.

Đây là cơ hội cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều.

Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này. Trên cơ sở đó, UBND 04 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên đang tích cực triển khai thực hiện đề án "Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng".

Đối với khu vực thuộc 02 phường Phúc Tân, Chương Dương, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai tổ chức lập bản đồ ranh giới khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại và xin ý kiến thống nhất của các sở, ngành làm cơ sở báo cáo UBND thành phố cập nhật vào quy hoạch chung của Thủ đô; đồng thời UBND quận cũng đang đề xuất lập Quy hoạch chi tiết 02 phường Phúc Tân và Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ 1/500.

Các nội dung, đồ án nêu trên sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ là cơ sở để triển khai công tác xác định cụ thể khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp.

Điều quan trọng bây giờ là xem khu vực nào giữ lại được thì cần phải cải tạo để nâng cấp cho đời sống người dân tốt hơn lên. Đồng thời phải kết nối cả bãi giữa sông Hồng; nhưng không khuyến khích xây nhà cao tầng. Việc xây dựng Công viên văn hóa sông Hồng cũng phải đảm bảo trên nguyên tắc cân bằng sinh thái, giữ được không gian xanh cho thành phố và tận dụng bãi giữa thành rừng trong thành phố.

(KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

Đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa
lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long.

Phạm Sỹ