Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn thuốc nhập khẩu chất lượng cao
Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) đánh giá, dự thảo Luật đã tiếp thu, sửa đổi nhiều nội dung, bổ sung thêm các điểm, khoản trong Điều.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 32 về kinh doanh được, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử, bà Uyên nhất trí với nội dung bổ sung quy định trong dự thảo Luật này và cho rằng “quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.
Tuy nhiên theo bà Uyên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Do đó, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc. “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn”-bà Uyên nói.
Theo ĐB Lê Văn Cường (Đoàn Thanh Hóa), dự án Luật lần này nếu được thông qua có thể giải quyết được hầu hết các vướng mắc, bất cập hiện có, giúp tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đơn cử, ông Cường dẫn chứng: Tại khoản 5, Điều 1 dự thảo Luật đã bổ sung nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ưu đãi đầu tư, chính sách thuế, đào tạo nhân lực.
Song để các chính sách này có thể triển khai trên thực tế, ông Cường kiến nghị cần quy định cụ thể những ưu đãi đó là gì, trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Bởi Luật Dược hiện hành, cũng như dự thảo Luật chưa quy định rõ việc giao quy định chi tiết các chính sách này, hoặc chưa có dẫn chiếu tới quy định của luật khác có liên quan. Do vậy, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc giao cho Chính phủ, hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách của Nhà nước về Dược.
Đối với các quy định liên quan đến hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, ông Cường nhìn nhận, dự thảo Luật có quy định bổ sung hình thức này. Theo đó, chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất do doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra.
“Theo dự thảo, chuỗi nhà thuốc do doanh nghiệp là chủ thể tổ chức thực hiện, trong khi trên thực tế, chuỗi nhà thuốc có thể có nhiều chủ thể, có thể bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã. Đề nghị điều chỉnh quy định này để không làm giới hạn quyền kinh doanh của các chủ thể khác khi họ đáp ứng đủ các điều kiện như Luật định”-ông Cường nói.
ĐB Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) cho biết, những năm qua nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong Luật Dược hiện hành nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát triển, bước đầu ngành công nghiệp dược nội địa đã có kết quả. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ năng lực cạnh tranh, thủ tục hành chính trong đầu tư, kiểm soát thị trường, nguồn nguyên liệu.
Ông Tân nhận thấy, dự thảo Luật được bổ sung khá nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước thông qua việc sửa đổi, bổ sung các điểm, khoản trong Điều 7, Điều 8 và Điều 10 của Luật hiện hành. Tuy nhiên cần tiếp tục rà soát để các quy định được bổ sung có tính đồng bộ và giải quyết được những vấn đề tồn tại, khó khăn nhất trong phát triển ngành công nghiệp Dược nội địa. Đồng thời tạo điều kiện thông thoáng để người dân dễ dàng tiếp cận và được sử dụng các nguồn thuốc nhập khẩu chất lượng cao và các loại thuốc, dược phẩm, dược liệu quý hiếm.
Liên quan tới kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc, theo ông Tân, Luật hiện hành đang có nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua bán thuốc tại các quầy thuốc tuy nhiên trên thực tế việc mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.
“Việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến. Từ đó, dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc. Do đó, cần bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế”-ông Tân kiến nghị.
Theo ĐB Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội), trong bối cảnh ngành công nghiệp dược đang có những tiến bộ về khoa học, có nhiều thuốc thế hệ mới hay một số dạng bào chế đặc biệt làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đang trông chờ vào bảo hiểm y tế để được khám bệnh, chữa bệnh. Do đó cần luật hóa nội dung này vào trong Luật.
Giải trình các vấn đề mà ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu để phối hợp cùng cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật này trong thời gian tới để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp tới.
Bà Lan cũng cho biết, trong giai đoạn năm 2016 ngành Dược còn gặp nhiều khó khăn nhưng tại thời điểm này với các hệ thống chính sách ban hành và mục tiêu phát triển đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ định hướng chúng ta đã có đủ điều kiện để phát triển ngành Dược.
Theo bà Lan, hiện nay chúng ta đã có Chiến lược phát triển ngành dược định hướng 2030 tầm nhìn 2045, đồng thời cũng đã có những quy định pháp luật liên quan tới đấu thầu thuốc, các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2023 về việc phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước là những điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp Dược.