Xã hội

Truyền thông chính sách BHXH, BHYT từ sớm, từ xa

Lê Bảo 21/06/2024 10:54

Truyền thông chính sách từ sớm, từ xa là một trong những giải pháp được ngành BHXH Việt Nam vận dụng nhằm mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội. Theo đó, thời gian qua, các hình thức truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được ngành BHXH triển khai mạnh mẽ, góp phần giúp người dân hiểu và thấy được lợi ích để tích cực tham gia hệ thống an sinh xã hội.

Xung quanh vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Với phương châm “Mỗi cán bộ Bảo hiểm xã hội là một tuyên truyền viên”, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt là phong trào truyền thông nhóm nhỏ, đi từng ngõ, gõ từng nhà của các viên chức, người lao động ngành BHXH đã phát huy hiệu quả, vận động được hàng nghìn người dân tham gia vào hệ thống BHXH. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Ngành BHXH Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng, đây là cầu nối, là phương tiện hiệu quả để truyền tải các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT đến với người dân. Truyền thông triển khai hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT. Nhận thức được điều này trong thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách. Sự đổi mới truyền thông trước hết là ở chính viên chức, người lao động trong ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, phong trào truyền thông trực tiếp, đi từng nhà gặp từng người để vận động, tuyên truyền đã lan tỏa và trở thành phong trào điểm của ngành BHXH Việt Nam.

ptgd21-6.jpg
Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Thống kê trong năm 2023 cho thấy, BHXH các tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp tổ chức khoảng 28.800 hội nghị, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, tập huấn chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, với trên 1,58 triệu lượt người tham dự. Bên cạnh đó, duy trì và tăng cường mô hình truyền thông nhóm nhỏ với khoảng 139.000 cuộc cho khoảng 1,08 triệu lượt người. Riêng trong tháng 5/2024 vừa qua, nhân tháng BHXH toàn dân, BHXH các tỉnh đã tổ chức khoảng 2.780 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại với khoảng 133.845 lượt người tham dự.

Từ những cuộc truyền thông trên đã góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Theo đó đã có hàng triệu người dân tham gia hoặc quay trở lại tham gia chính sách BHXH, BHYT nhờ sự vận động, tuyên truyền quyết liệt đó.Minh chứng rõ nhất cho điều này là trong bối cảnh số người nhận BHXH một lần xu hướng tăng, nhiều người đến bộ phận một cửa của cơ quan BHXH để làm thủ tục rút BHXH một lần nhưng khi được tuyên truyền, giải thích về những thiệt thòi khi rút BHXH một lần, và những lợi ích của việc tham gia BHXH thì đã quyết định vẫn ở lại hệ thống BHXH. Thực tế nhiều người muốn nộp lại tiền trước đây đã rút một lần để được hưởng chế độ, song pháp luật hiện hành không cho phép.

Có thể thấy, hình ảnh viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam đã thực sự thay đổi. Ngoài nhiệm vụ thực thi chi trả chính sách còn là những tuyên truyền viên, là "người bạn" tin cậy góp phần giải đáp những khúc mắc, băn khoăn về chính sách cho người dân. Để xây dựng được đội ngũ này ngành BHXH Việt Nam đã có những chiến lược thế nào thưa ông?.

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Ngành BHXH Việt Nam được Chính phủ giao triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT- hai chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Các chính sách này được thực hiện không vì lợi nhuận, nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động... Chỉ riêng ý nghĩa này, đã đủ “sức nặng” cho các thông điệp truyền thông. Tuy nhiên, cũng vì là những chính sách an sinh xã hội liên quan đến đời sống, quyền lợi trực tiếp của hầu hết người dân, nên công tác tuyên truyền chính sách cũng đòi hỏi cán bộ không chỉ nắm rõ chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, mà còn phải am hiểu cả lĩnh vực kinh tế- xã hội…

tu.jpg
Cán bộ BHXH Hậu Giang đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp

Hiểu được điều này, ngành BHXH Việt Nam luôn định hướng và quán triệt phương châm: Tạo sự tin tưởng và đồng thuận từ những dân tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Để tạo được sự tin tưởng và đồng thuận này chúng tôi luôn coi người dân tham gia chính sách BHXH là khách hàng để phục vụ và đảm bảo quyền lợi tốt nhất. Nhất quán với phương châm này toàn ngành thực hiện nhiệm vụ kép: chi trả kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người dân đồng thời tư vấn, giải đáp tháo gỡ nhưng băn khoăn để người dân tin tưởng và an tâm khi tham gia chính sách BHXH.

Cùng với truyền thông nội ngành, truyền thông trên các phương tiện báo chí truyền thông cũng là một trong giải pháp được ngành BHXH Việt Nam lựa chọn. Xin ông cho biết những kết quả trong sự phối hợp này.

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Đúng vậy, thời gian qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng như các hoạt động của Ngành luôn được các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh kịp thời, đa chiều, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia của người dân, người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng luôn chủ động cung cấp thông tin và tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên tiếp cận, nắm bắt thông tin, nhất là khi có sự kiện hay vấn đề được dư luận xã hội quan tâm với nhiều kênh khác nhau (như hội nghị cung cấp thông tin định kỳ, thông tin báo chí, các chương trình tác nghiệp thực tế cho phóng viên tại cơ sở…).

Theo thống kê trong năm 2023 ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan báo đài địa phương thực hiện đăng tải, phát sóng khoảng 17.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục.... và hơn 36.000 tin, bài, phóng sự… (bình quân gần 100 tin, bài/ngày) được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, các hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam... Nhiều nội dung thông tin, chương trình, phóng sự do các cơ quan báo chí thực hiện thực sự đã mang lại hiệu quả truyền thông, thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Độ lan tỏa thông tin mang lại những giá trị khó có thể đong đếm được. Chính vì vậy, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông là một trong giải pháp mà ngành BHXH Việt Nam đặc biệt chú trọng để tiến tới lộ trình mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

Từ kết quả ông chia sẻ cho thấy, sự phối hợp giữa ngành BHXH Việt Nam với các cơ quan báo chí đã đem lại hiệu quả rất lớn trong việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp đến người dân. Tuy nhiên để thông tin trên báo chí đủ sức tác động đến dư luận xã hội ngành BHXH Việt Nam sẽ triển khai cung cấp thông tin như thế nào thưa ông?

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Có thể nói dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ song công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn đặc biệt là mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện. Nhất là trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nên còn nhiều người dân chưa mặn mà với chính sách BHXH tự nguyện. Để chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp mở rộng độ bao phủ và bền vững hơn nữa, bảo vệ tốt nhất cuộc sống người dân, công tác truyền thông sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2024 và thời gian tới. Trong đó cùng với truyền thông nội ngành thì truyền thông trên các phương tiện báo chí truyền thông sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Để đạt hiệu quả cao nhất công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí được tiến hành chủ động, chặt chẽ, hiệu quả với độ bao phủ rộng, tần suất tăng, hướng tới mọi nhóm đối tượng độc giả, khán - thính giả trong cả nước với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng chủ thể truyền thông, đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm truyền thông của BHXH Việt Nam.

Tại các địa phương, nhiều mô hình hay, giải pháp hiệu quả, sáng tạo đã được BHXH các tỉnh triển khai thực hiện. Cụ thể như xây dựng các mô hình truyền thông, phát triển người tham gia: “Mô hình Xã điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” tại UBND 30 quận,huyện tại TP. Hà Nội; “Mô hình Đại biểu HĐND vận động Nhân dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện” tại tỉnh Hậu Giang; “Tiết kiệm nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” tại tỉnh Bến Tre.

Lê Bảo