Văn hóa

'Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ…'

THƯ HOÀNG 27/06/2024 09:47

Mới rồi, nhiều bạn bè văn nghệ lại nhắc nhớ về nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi gia đình ông tổ chức chương trình nghệ thuật "Nguyễn Trọng Tạo - Cõi nhớ" ngay tại quê nhà của nhạc sĩ: huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

cua-so-nguyen-trong-tao(1).jpg
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Thư Hoàng.

Dịp này, Khu tưởng niệm nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng được khánh thành. Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng từ tháng 7/2022, ngay tại nơi nhạc sĩ sinh ra và lớn lên. Con trai của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là kiến trúc sư Nguyễn Vũ Trọng Thi thiết kế không gian đặc biệt tưởng nhớ người cha tài hoa.

Khu tưởng niệm được lấy ý tưởng từ các sáng tác của ông, gợi nhớ những vùng đất mà ông từng gắn bó thời gian dài là Huế, Nghệ An và Hà Nội.

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi. Năm 27 tuổi, ông xuất bản tập thơ đầu tiên “Tình yêu sáng sớm”. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc, ông nổi tiếng với các ca khúc như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”...

Trong đêm "Nguyễn Trọng Tạo - Cõi nhớ" vừa được tổ chức trên cánh đồng lúa quê hương, ca khúc “Khúc hát sông quê” một lần nữa vang lên, lay động lòng người:

Quá nửa đời phiêu dạt

Con lại về úp mặt vào sông quê

Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ

Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn…

Đây là ca khúc nhạc sĩ Nguyễn Trọng tạo phổ thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu. Nhà thơ Lê Huy Mậu sinh năm 1949, quê ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hiện sống tại thành phố Vũng Tàu.

Theo lời nhà thơ Lê Huy Mậu, “Khúc hát sông quê” là một chương trong trường ca “Thời gian khắc khoải” ông viết vào năm 2002. Cuối tháng 8/2002, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu dự Trại sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhà thơ Lê Huy Mậu có gửi mấy bài thơ để nhờ mang ra Hà Nội in báo. Vậy nhưng không ngờ, chỉ sau một đêm, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã chọn được những câu thơ, ý thơ để phổ thành bài hát.

Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng kể: Tôi đọc lại bài thơ và chính những câu thơ đầu tiên đã ngân lên âm nhạc. “Quá nửa đời phiêu dạt/ Ta lại về úp mặt vào sông quê…”. Rồi tôi đọc lần thứ ba, chọn lọc và viết lại một số câu thơ của anh cho hợp với sự phát triển của âm nhạc.

Lần này thì toàn bộ bài hát đã ngân lên trong tôi. Tôi lấy giấy nhạc ra, và chỉ cần chép lại bản nhạc đã lưu vào bộ nhớ trong đầu tôi. Trong bản thảo đầu tiên của bài hát này được ghi "Vũng Tàu, ngày 2/9/2002". Lúc ấy mới gần 8 giờ sáng”.

Nói về sự cộng hưởng giữa nhạc với thơ của mình, nhà thơ Lê Huy Mậu chân thành: Ai cũng biết rằng, âm nhạc đã chắp cánh cho bài thơ đến được với đông đảo người xem. Một cách công bằng, “Khúc hát sông quê” là một tuyệt phẩm âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo. Phần thơ, nhiều lắm bài thơ của tôi cũng chỉ tạo được một cảm xúc ban đầu cho Nguyễn Trọng Tạo, nhắc nhở hồn quê trong anh; và vì vậy, bài hát mới thực sự gây được sự cộng hưởng sâu rộng trong lòng độc giả nhiều vùng miền trong cả nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947, quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Trước khi “nổi tiếng” trong âm nhạc, Nguyễn Trọng Tạo được công chúng biết đến với nhiều bài thơ. Ngoài ra ông còn vẽ bìa sách, viết bài cho nhiều tờ báo. Nguyễn Trọng Tạo có nhiều bút danh: Nguyễn Vũ Trọng Thi, Cẩm Ly, Nguyễn Vũ Bảo Chi, Nguyễn Trọng…
Đầu tháng 1/2019, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời, chỉ sau vài tháng phát hiện mắc ung thư phổi.
Với những đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như “Giải đặc biệt Văn học Nghệ thuật Hà Bắc 1981”; Giải Nhì cuộc thi ca khúc Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ Văn hóa 1984-1985; 4 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương với ca khúc “Đôi mắt đò ngang”.

THƯ HOÀNG