Pháp luật

Cần xử nghiêm hành vi ném đá lên tàu

NGỌC LINH 27/06/2024 09:48

Hành vi ném đá lên các đoàn tàu khách Bắc – Nam đã xảy ra nhiều lần, gần đây có xu hướng tái diễn, uy hiếp an toàn đường sắt.

bai-trang-7.jpg
Hiện trường 1 vụ ném đá làm hư hỏng cửa kính tàu hỏa. Ảnh: Công an Bình Thuận.

Thời gian gần đây, tàu khách Bắc - Nam liên tục bị ném đá khi di chuyển qua địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận… Thống kê từ Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay trên đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 10 vụ ném đá lên tàu.

Hành vi ném đá lên các đoàn tàu đã gây ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và trật tự an toàn giao thông tuyến đường sắt.

Vị trí thường xuyên xảy ra tình trạng ném đá gồm đoạn qua huyện Trảng Bom (5 vụ), thành phố Biên Hòa (2 vụ), huyện Xuân Lộc (2 vụ), thành phố Long Khánh (1 vụ). Do tàu di chuyển với tốc độ cao, do vậy các vụ ném đá đều làm vỡ kính của các đoàn tàu.

Một trong những vụ ném đá nguy hiểm xảy ra vào đêm 30/5, khi tàu SE7 đi ngang qua Km 1690+100 (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) bất ngờ bị ném đá làm vỡ 1 tấm kính của toa số 21569. Tiếp đó, vào chiều 1/6, tàu SE6 đang lưu thông trên đường sắt Bắc - Nam. Khi đi đến Km 1681+500 (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị ném đá, bể một tấm kính của toa số 31403.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tính từ tháng 3/2023 đến nay, đã xảy ra 5 vụ ném đất đá lên các đoàn tàu chở khách. Trong đó có 3 vụ việc xảy ra tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, 1 vụ tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và 1 vụ tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc. Các vụ việc trên đã làm vỡ 6 tấm cửa kính các toa tàu, uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu và an toàn của hành khách, làm gián đoạn chuyến tàu.

Hồi tháng 5, Công an xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình (Đồng Nai) đã phát hiện và xử lý nghiêm đối tượng N.T.N. (sinh năm 1987 thường trú thôn Hòa Bình, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình) về hành vi nhiều lần ném đá lên tàu hỏa.

Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm hoi công an phát hiện, đa số các vụ ném đá vào tàu hỏa đang chạy đều không phát hiện được đối tượng ném đá.

Ông Trần Cao Thắng - Trưởng ban An ninh an toàn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tình trạng ném đất đá lên tàu vài năm qua đã giảm về số vụ, nhưng từ đầu năm đến nay lại tăng trở lại. Điểm nóng nhiều vụ ném đất đá lên tàu nhất thời gian gần đây là tại địa phận tỉnh Đồng Nai.

Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở khu vực vắng vẻ hoặc vào ban đêm nên việc xác định thủ phạm rất khó. Thường khi tàu dừng lại và lực lượng chức năng có mặt thì người ném đá đã bỏ đi. Việc truy bắt đối tượng phải mất nhiều thời gian. Các vụ ném đá hầu hết đều làm vỡ kính của các đoàn tàu gây ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Cũng theo ông Thắng, đối với “điểm nóng” về ném đất đá lên tàu hiện nay tại Đồng Nai, ngành đường sắt phối hợp với với Ban An toàn giao thông, Công an và Sở Giao thông vận tải địa phương triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.

Bên cạnh việc phát thanh tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân chấp hành các quy định đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Ngành đường sắt còn tổ chức ký cam kết với địa phương để nâng cao trách nhiệm quản lý tuyến đường sắt qua địa bàn.

Ném đá lên tàu không chỉ gây nguy hiểm cho việc chạy tàu mà còn vi phạm quy định về trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất hành vi và mức độ thiệt hại.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Đồng thời người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nếu làm người khác bị thương buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, hành vi cố ý ném đá vào tàu hỏa làm người khác bị thương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thương tích với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên. Hình thức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Điều đáng lên án là việc ném đá đất lên tàu hỏa không phải là hành vi chơi đùa vô ý của trẻ con mà thực tế có những người trưởng thành vẫn ngang nhiên coi nhẹ hành vi nguy hiểm này. Một số người đã thực hiện hành vi này nhiều lần.

Do đó, các địa phương nơi có đoàn tàu đi qua cần tuyên truyền, nhắc nhở và tăng cường các biện pháp để kịp thời phát hiện những đối tượng thực hiện hành vi ném đá vào các đoàn tàu, qua đó nhắc nhở, xử phạt để dăn đe.

Địa phương cũng cần nêu cao trách nhiệm trong việc điều tra, xác minh truy bắt, kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi ném đá lên tàu hỏa. Nếu không làm tới nơi tới chốn thì tình trạng ném đá lên tàu sẽ còn tái diễn.

NGỌC LINH