Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy vinh quang gắn bó với nhân dân mình, đất nước mình, Người luôn coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp báo chí đồ sộ
Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước đầu thế kỷ XX, tại Pháp, cùng một số nhà cách mạng, Người đã thành lập tờ Le Paria (Người cùng khổ), dưới tên Nguyễn Ái Quốc. Le Paria thực thi tinh thần giải phóng con người. Số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922, khi đó Người vừa là chủ nhiệm đồng thời là chủ bút, họa sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo...
Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí cho đến lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với hơn 2.000 bài viết với hàng trăm bút danh khác nhau đăng ở nhiều tờ báo trong và ngoài nước, bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh... chủ đề đa dạng, sinh động, văn phong vừa độc đáo vừa gần gũi, dễ hiểu, luôn chiếm được sự mến mộ của bạn đọc. Người đã gắn liền với sự ra đời của 9 tờ báo: Người cùng khổ (1922); Quốc tế nông dân (1924); Thanh niên (1925); Công Nông (1925); Lính kách mệnh (1927); Việt Nam tiền phong (1927); Thân ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam độc lập (1941); Cứu Quốc (1942).
Khai sinh, thực hiện, định hướng phát triển nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đưa ra tư tưởng, phương pháp báo chí mới mẻ, tiến bộ phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại thế giới.
“Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”
Đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, trên báo Nhân Dân số 5409 ra ngày 3/2/1969, với bút danh TL, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho công bố bài báo quan trọng: "Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Đây được coi là một trong những bài báo cuối cùng trước khi Người đi xa.
Bài báo ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn 698 từ (kể cả tiêu đề) thể hiện sự đúc kết những tư tưởng lớn lao, những suy tư trăn trở của Người về vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng và quét sạch chủ nghĩa cá nhân - hai vấn đề liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng; chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và quyết định đến sự thành, bại của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Từ rất sớm, Người đã chỉ ra chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”, cần phải luôn phòng và chống triệt để, nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”; để đội ngũ đảng viên trở thành những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống hằng ngày.
Gắn bó, theo sát, vun đắp cho nền báo chí Cách mạng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... cho hòa bình thế giới. Vì thế tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc (Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.1996, tập 9, tr.414). Người nhắc nhở: Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công (Sđd, tập 9, tr.415). Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng (Sđd, tập 10, tr.616).
Báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng
Đạo đức cách mạng, đạo đức nghề báo chính là nguyên tắc, chuẩn mực, là cái “gốc” của người làm báo mà Người luôn nhấn mạnh, nhắc nhở, căn dặn, yêu cầu.
Tháng 5/1949, cuộc kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn cam go, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên ở Chiến khu Việt Bắc, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”.
Nói chuyện ở Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/9/1962, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở người làm báo phải gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”.
Phê bình lối viết “dây cà ra dây muống”
Là người thầy của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là biểu tượng sống động về cách thể hiện một tác phẩm báo chí. Người phê phán lối viết “dây cà ra dây muống”, lối khoe chữ không lợi ích gì. Người nói rằng, muốn viết báo thì trước hết phải gần gũi dân chúng, ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
Người cho rằng một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng tin tưởng thì không xứng đáng là một tờ báo.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Người nói: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm".
Người căn dặn, người làm báo phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bởi vì nếu không như vậy thì họ không thể vững vàng. Không có chuyên môn vững vàng, thì không thể hoàn thành trọn vẹn ý thức và tinh thần trách nhiệm xã hội. Người làm báo phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
Làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (tháng 6/1968) về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, Người nói: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo: Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng. Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau". (Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 1930-2010).
55 năm Bác đi xa, nhưng tình cảm yêu thương, những chỉ dạy ân cần, những đòi hỏi căn cốt của Người với báo chí nước nhà, với mỗi cơ quan báo chí, mỗi một nhà báo vẫn mãi là kim chỉ nam trong hành động của chúng ta.