Kinh tế

Hơn 85% người dân lựa chọn hàng Việt

Thanh Giang 27/06/2024 10:44

Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết tại hội thảo Thương hiệu – “Nội lực mềm” cho doanh nghiệp Việt, do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, ngày 27/6.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%.

"Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", ông Đức nói.

khoi-nghiep.jpg
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm, qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua (80%), có thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%), giá bán cạnh tranh (39%).

Đặc biệt, có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận, sử dụng hàng Việt.

Liên quan đến ngành bán lẻ trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay có quy mô thị trường bán 142 tỷ đô và dự báo có thể tăng 350 tỷ đô vào năm 2025.

Ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, trong đó ngành bán lẻ được dự báo là ngành có khả năng cao đạt được mức độ đóng góp từ kinh tế số khoảng 25% vào năm 2025.

gao-viet.jpg
Ngoài thị trường trong nước, hàng Việt đang có chỗ đứng vững trên thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, để nâng cao vị thế, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.

Song song đó, hàng Việt rất cần các chính sách thúc đẩy hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại,… của Chính phủ, sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hàng Việt cả trong nước và trên thị trường quốc tế.

Thanh Giang