Quản lý các hoạt động tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ
Ngày 27/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân.
Việc xây dựng và ban hành văn bản Luật, theo bà Anh sẽ tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân trên cơ sở những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn mà Chính phủ nêu tại Tờ trình trình Quốc hội, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
ĐB Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới chỉ có những quy định khung, mang tính nguyên tắc. Trong khi đó, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo ông Quân, Điều 7 của dự thảo Luật, về các hành vi bị nghiêm cấm đã quy định 7 loại hành vi bị nghiêm cấm gồm: Trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân; Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; Cung cấp thông tin, chỉ điểm, quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ làm lộ mục tiêu trận địa, kế hoạch, trang bị kỹ thuật, các công trình chiến đấu và phá hoại, làm thay đổi hiện trạng công trình phòng không nhân dân. Tuy nhiên ngoài 7 hoạt động này còn nhiều hoạt động khác làm phương hại đến phòng không nhân dân chưa được dự thảo Luật nhắc tới. Do đó ông Quân đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định “nghiêm cấm các hành vi khác ảnh hưởng đến phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật”.
ĐB Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát bổ sung để làm rõ hơn khái niệm phòng không nhân dân đảm bảo toàn diện, đầy đủ, có tính kế thừa, phát huy và phát triển các quy định về phòng không nhân dân nêu tại Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phòng không nhân dân.
Ông Anh cũng đề nghị cần làm rõ hơn về nội hàm vị trí vai trò của phòng không nhân dân trong công tác quốc phòng, mối quan hệ giữa xây dựng phòng không nhân dân với xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không, nhằm thực hiện phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch, bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng đánh giá, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các văn kiện về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới.
ĐB Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã và sẽ cho ra đời nhiều loại vũ khí tiến công đường không hiện đại, độ chính xác cao, trong đó đặc biệt có máy bay không người lái với số lượng lớn, giá rẻ vừa tác chiến diện rộng, vừa có thể tấn công được mục tiêu rất nhỏ như xe tăng, xe thiết giáp thậm chí là các mục tiêu nằm sâu trong nội địa của đối phương. Đối với nước ta, với mục tiêu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, vai trò của phòng không nhân dân trong tham gia chiến đấu với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân để ngăn ngừa đánh địch ở khu vực không gian tầm thấp là hết sức quan trọng. Do vậy, cần phải có chính sách, thể chế hoàn thiện để xây dựng tổ chức hiệu quả thế trận phòng không nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, về các hành vi bị nghiêm cấm, Bộ sẽ bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn.
Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, ông Giang cho biết, trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh. Đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.