Bảo vệ thương hiệu Việt
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức bãi bỏ việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu khi các sản phẩm mì gói của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/7 tới. Đây là tin vui, tuy nhiên bên cạnh chú trọng xây dựng thương hiệu thì việc gìn giữ, bảo vệ thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam càng phải được tăng cường.
Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật): Do doanh nghiệp (DN) Việt Nam tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mì ăn liền (có chứa gói gia vị hoặc nước sốt), nên sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập vào EU. Trước đó, từ tháng 2/2022, EU đã đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định kiểm soát dư lượng Ethylene oxide (EO).
Để sản phẩm xuất khẩu không “dính luồng đỏ”
Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc SPS Việt Nam, việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm là một bước tiến quan trọng, giúp mì ăn liền Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU và các thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên, khi vào EU, Việt Nam vẫn còn một số mặt hàng “dính luồng đỏ” kiểm soát. Cụ thể là với trái thanh long, do còn có một số lô hàng vi phạm quy định nên EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 30% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng. Với trái ớt và đậu bắp, EU vẫn áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng. Riêng với sầu riêng, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 10%.
Được biết, hiện EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại: ít rủi ro và rủi ro cao. Những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía EU, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ bị áp dụng nhiều biện pháp, tính từ lúc nhập vào EU cho đến hậu kiểm, tại các siêu thị, đại lý bán lẻ, kênh phân phối...
Đại diện SPS Việt Nam khuyến cáo, các DN xuất khẩu nông sản cần phải tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm. Vì đây là các quy định bắt buộc áp dụng của EU. Để hạn chế thấp nhất rủi ro bị gia tăng tần suất kiểm tra, thậm chí tạm dừng nhập khẩu với một số nông sản thực phẩm nhập khẩu vào EU, DN cần tuân thủ và hiểu đúng các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) cũng như các quy định liên quan của thị trường EU.
Mới đây, Trung Quốc tiếp tục cảnh báo về việc phát hiện các lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia này không đạt tiêu chuẩn. Điều này dấy lên nỗi lo ngại cho “trái cây vua” của Việt Nam. Ngoài các đơn vị bị cảnh báo, phía Trung Quốc cũng tạm dừng nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam kể từ ngày 12/6/2024.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu sầu riêng Việt Nam bị phía Trung Quốc cảnh báo vi phạm an toàn chất lượng sản phẩm. Trước đó, báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, số lượng mã số vi phạm bị cảnh báo đối với sầu riêng là 187, trong đó có 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, có đến 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói được xác định vi phạm nhiều lần, trong khi có 80 mã số vùng trồng và 43 mã số cơ sở đóng gói vi phạm một lần...
Trong khi đó, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết thị trường nhập khẩu sầu riêng chính của Việt Nam là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm đến 91,93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm 2024.
Còn theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam 79.300 tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Chủ động xây dựng và giữ thương hiệu
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, tính đến hết tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Tính chung từ năm 2017 đến nay, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc mà Việt Nam đã gặp phải trong 30 năm qua.
Theo đại diện Bộ Công thương, việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây là do Việt Nam đã tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa. Sự gia tăng về lượng và quy mô hàng hóa từ Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Do đó, các nước nhập khẩu đã tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tới nay hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Điều đó cũng có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường.
Để vượt qua các rào cản thương mại đến từ các thị trường nhập khẩu, trước hết DN Việt Nam phải tăng cường chất lượng sản phẩm, hiểu biết sâu về luật pháp, quy định của các nước nhập khẩu. Cùng với đó, các DN xuất khẩu hàng hóa cần chủ động trong việc xây và bảo vệ thương hiệu, hay nói cách khác giữ được chữ tín để có thể trụ vững tại các thị trường.
Việt Nam đã được thế giới ghi nhận xuất khẩu nhiều sản phẩm với số lượng trị giá đứng thứ nhất, nhì thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm xuất khẩu chưa được gắn với câu chuyện thương hiệu mà hầu hết chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, mới qua sơ chế. Do đó, khi xuất khẩu, nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt phải đứng dưới tên một thương hiệu của quốc gia khác.
Bởi vậy, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tới đây cần nâng cao năng lực để hỗ trợ cho DN để xây dựng và quản trị, phát triển thương hiệu sản phẩm để có thể tiệm cận, đáp ứng được tiêu chí của chương trình. Đồng thời, phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững.
Thương hiệu không phải là câu chuyện giá trị hàng hóa mà còn thể hiện lợi thế của quốc gia và DN. Do vậy, xây dựng thương hiệu là việc sống còn của DN nên để duy trì, các DN cần bắt đầu từ thị trường trong nước, mang đến những sản phẩm chất lượng ổn định, đặc thù và có tầm nhìn chiến lược về điều hành kinh doanh. Và để tạo ra sự khác biệt về thương hiệu cần một nguồn lực tổng thể không chỉ ở trong kinh doanh mà cả trong đầu tư hệ thống máy móc thiết bị đến liên kết bao tiêu với nông dân rồi đến mẫu mã bao bì, kết hợp lại thành một chuỗi để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ và phải luôn đổi mới; xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với quản trị thương hiệu. Đặc biệt, DN phải khắc phục tư duy hàng tốt xuất khẩu, hàng kém bán trong nước; chinh phục người tiêu dùng Việt Nam trên cơ sở xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, khép kín với sự phối hợp của hiệp hội ngành nghề và sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa thị trường và nhà nước.
Khai thác tối đa ưu đãi từ các FTA
Thông tin tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cuối tháng 5 vừa qua cho biết, xuất khẩu nông sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ sản xuất trong nước. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu của ta, nhất là đối với các khu vực/phân khúc thị trường mới, tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả... Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, cần tập trung tuyên truyền, hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và những yêu cầu của từng thị trường; hỗ trợ DN ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh). "Đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Công thương theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với hàng gạo, rau quả xuất khẩu của Việt Nam; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong quy trình sản xuất, nhất là sử dụng các vật tư, nguyên liệu bảo đảm an toàn, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.