Nông dân bất an vì nhiều diện tích lúa phải bỏ hoang
Nhiều hộ dân ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đang phải bỏ hoang ruộng lúa, không thể canh tác. Theo nhiều người dân, đó là do ảnh hưởng của việc thi công Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi?
Thời gian qua, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp gần khu vực suối Ba Đơn ở tổ 8, phường Quảng Phú không thể canh tác do quá trình thi công Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gây sạt lở, bồi lấp. Hiện tại nhiều ruộng đất nông nghiệp của bà con bị bỏ hoang không thể gieo sạ hoặc trồng cây rau màu được.
Ông Lê Văn Tín (tổ 8, phường Quảng Phú) cho biết, khi chưa có dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì ruộng lúa ở đây chưa bị sạt lở, người dân vẫn canh tác bình thường. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, khi làm đường cao tốc thì xảy ra sạt lở, bồi lấp do cống Ba Đơn gây ra vì thế ruộng lúa đành bỏ hoang.
“Hồi trước 3 sào ruộng của gia đình tôi canh tác mỗi năm được 2 vụ nhưng hiện nay thì bỏ hoang không thể sản xuất được. Mong các cấp chính quyền quan tâm, kiến nghị các ngành chức năng về vấn đề này để giải quyết quyền lợi của người dân, để bà con có đất sản xuất” - ông Tín nói.
Không chỉ riêng ông Tín mà hàng chục hộ dân ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi cũng cùng chung tình trạng tương tự. Theo quan sát của phóng viên, thực tế nhiều diện tích ruộng ở gần khu vực suối Ba Đơn, sát bên dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng và hiện nay bà con đang bỏ hoang.
Có khoảng 5.000m2 đất nông nghiệp của 12 hộ dân ở sát chân cầu ORB28a, thuộc km 130+173 sát tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị bỏ hoang vì sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng nên không thể canh tác. Các hộ dân cho rằng việc xây dựng cầu trên tuyến cao tốc đã gây ra tình trạng này và kiến nghị chủ đầu tư phải xem xét giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, ông Lê Đình Từ cho biết, trong quá trình xây dựng dự án, đơn vị thi công có làm thay đổi dòng chảy của suối Ba Đơn nên tạo ra ngã ba suối. Khi nước từ trên chảy xuống, vào mùa lũ lụt, lượng nước lớn làm bồi lấp hết các thửa đất ruộng, đồng thời còn gây ra sạt lở. Hiện nay cơ quan chức năng đang đưa ra các biện pháp khắc phục vấn đề này.
“Trước tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang nhiều năm, chúng tôi đã đề nghị đơn vị quản lý đường cao tốc hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại. Về lâu dài, mong đơn vị quản lý có phương án thu hồi như đề nghị của bà con vì hiện nay sạt lở nghiêm trọng, việc cải tạo để sản xuất gặp rất nhiều khó khăn” – ông Từ nói.
Liên quan vấn đề này, mới đây Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Huỳnh Thị Ánh Sương đã đi khảo sát thực địa khu vực thi công cầu ORB28a thuộc dự án cao tốc này, đoạn qua tổ 8, phường Quảng Phú để làm rõ những kiến nghị, phản ánh của người dân.
Bà Sương cho rằng, những kiến nghị của người dân tổ 8, phường Quảng Phú là chính đáng. Do đó, chủ đầu tư dự án cao tốc cần phải có phương án khơi thông dòng chảy, nghiên cứu kè rọ đá suối Ba Đơn ở khu vực bị sạt lở, bồi lấp do dự án gây ra nhằm tạo điều kiện để người dân cải tạo diện tích đất bị bỏ hoang đưa vào canh tác. Việc khơi thông dòng chảy phải thực hiện hoàn thành trước tháng 6/2024. Cạnh đó, việc thực hiện kè rọ đá trong phạm vi giải phóng mặt bằng cần thực hiện trước mùa mưa, bão năm 2024.
Gần đây nhất, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chuyển kiến nghị của cử tri về việc này đến Bộ Giao thông vận tải và được hồi đáp. Theo đó, báo cáo của chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết, việc thiết kế và thi công công trình cầu ORB28a không làm thay đổi và ảnh hưởng đến dòng chảy của suối Ba Đơn. Tình trạng sạt lở, bồi lấp một số thửa đất lân cận phía hạ lưu cầu ORB28a đã xảy ra trước thời điểm triển khai thi công công trình cầu ORB28a và đoạn tuyến cao tốc qua khu vực suối Ba Đơn.
Như vậy, đến nay vẫn chưa có tiếng nói chung để giải quyết vấn đề mà người dân có ruộng bị bồi lấp kiến nghị. Nhưng thực tế, khi chưa có dự án cao tốc ngang qua đây, ruộng lúa người dân vẫn sản xuất bình thường.