Báo động tai nạn lao động
Ngày 24/6, Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) làm 3 công nhân tử vong, 7 người bị thương. Cùng với nhiều vụ khác, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng này cho thấy việc bảo đảm an toàn lao động còn nhiều bất cập.
Với vụ tai nạn xảy ra tại Quốc Oai, theo cơ quan Công an, nguyên nhân là do 10 công nhân cùng di chuyển bằng máy vận thang nâng hàng từ tầng 3 xuống tầng 1 thì đứt dây cáp, dẫn đến rơi tự do, xảy ra tai nạn.
Trước đó, cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) để lại hậu quả nghiêm trọng. Có thể kể đến: Ngày 15/4, một nhóm công nhân sửa chữa mái kính khu vực giếng trời tại một tòa nhà cao 8 tầng trong ngõ Tức Mặc (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sự cố xảy ra khiến 2 người tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ (23 và 32 tuổi); 2 người bị thương. Cùng ngày, 1 công nhân (31 tuổi) khi phá dỡ ngôi nhà 3 tầng (xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng), rơi từ độ cao hơn 4 mét xuống đất, tử vong.
Trước đó, ngày 3/4, tại Công ty Than Thống Nhất (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cũng xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương...
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2023, đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ, 7.553 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 662 vụ với 699 người; số người bị thương nặng là 1.720 người. Lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất là xây dựng (chiếm 18,27%); khai thác mỏ, khoáng sản (16,14%); cơ khí, luyện kim (11,78%); sản xuất vật liệu xây dựng (9,56%,); dệt may, da giày (7,18%); dịch vụ (4,5%)…
Cũng theo Bộ LĐTBXH, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, thiệt hại về vật chất từ các vụ TNLĐ (chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình nạn nhân…) năm 2023 là trên 16.357 tỷ đồng, tăng khoảng 2.240 tỷ đồng so với năm 2022. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 722 tỷ đồng (tăng khoảng 454 tỷ đồng). Cũng trong năm 2023, chỉ có 10 vụ TNLĐ được các địa phương đề nghị khởi tố và 9 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.
Phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người, Bộ LĐTBXH cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía người sử dụng lao động, chiếm 46,05% tổng số vụ. Đáng chú ý, báo cáo của Bộ LĐTBXH công bố vào cuối tháng 3 năm nay cho biết, trong năm 2023 chỉ có khoảng 7,52% doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước báo cáo về tình hình TNLĐ.
TNLĐ gồm nhiều nguyên nhân, cho dù hàng năm đều có Tháng An toàn lao động phát động trên phạm vi cả nước nhưng TNLĐ vẫn xảy ra, trở thành nỗi ám ảnh đau xót. Riêng với TPHCM, Sở LĐTBXH cho biết năm 2023 có tới 703 vụ TNLĐ, trong đó, 44 vụ có người chết. 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra 13 vụ TNLĐ làm 12 người chết. Vẫn theo Sở LĐTBXH TPHCM, giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn có tới 213/347 vụ TNLĐ làm chết 352 người. Trong đó, số vụ xảy ra tại công trình xây dựng, nhất là công trình dân dụng chiếm tới 61%.
Lỗ hổng trong kiểm tra, giám sát an toàn lao động thường xuyên được chỉ ra, nhưng có thể thấy ý thức của người sử dụng lao động cũng như người lao động chưa cao. Đặc biệt, với các công trình xây dựng do chủ thầu tư nhân nhận làm thì việc này rất lỏng lẻo. Rất nhiều trường hợp người lao động “hợp đồng miệng” với chủ, làm công ăn lương mà không có bất cứ loại bảo hiểm nào. Nên khi TNLĐ xảy ra thì người lao động chính là đối tượng phải chịu thiệt thòi.
Thông tin từ cơ quan điều tra cũng cho biết, trong nhiều vụ TNLĐ, người sử dụng lao động lại tìm cách không hợp tác nhằm trốn tránh trách nhiệm khiến quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn cũng như xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan gặp nhiều khó khăn. Nhất là với người lao động tự do, không ký hợp đồng lao động, không có đại diện người sử dụng lao động càng khó khi giải quyết vụ việc.
Nếu như việc đó vẫn tiếp diễn thì rất khó kéo giảm TNLĐ, tính mạng người lao động khó được bảo đảm.
Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo TNLĐ; cần có chế tài đủ mạnh đối với người sử dụng lao động khi để xảy ra TNLĐ. Đặc biệt đối với lao động tự do, họ là đối tượng yếu thế khi thương thuyết với chủ nên phải chịu thiệt thòi trên nhiều phương diện. Vì thế, nếu không có biện pháp chế tài mạnh đối với người sử dụng lao động tự do, vẫn coi họ như thể đối tượng “ngoài vòng pháp luật” thì bi kịch vẫn khó có thể chấm dứt.