Chuyển đổi năng lượng cho sản xuất xanh
Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như: Mặt trời, gió, nước, sinh học… không chỉ giúp giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường mà còn giúp tạo ra các nguồn năng lượng ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Tìm lời giải cho bài toán năng lượng sạch
Bà Nguyễn Ngọc Thủy - Điều phối viên quốc gia tại Việt Nam của Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết, một kế hoạch quan trọng của tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới là phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững, đây cũng là yếu tố tiên quyết giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng khí độc hại bằng 0 vào năm 2050.
Theo bà Thủy, năng lượng là ngành phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế, chiếm trên 66%; chỉ tính riêng năm 2020 ngành này đã thải ra gần 348 triệu tấn CO2. Dự kiến đến năm 2050, tổng lượng phát thải của nền kinh tế do ngành năng lượng chiếm tới 81%. “Từ những con số này có thể thấy năng lượng là bài toán thiết yếu nhất và phải có lời giải để hướng đến tăng trưởng xanh” - bà Thủy mong muốn.
Do sự tăng trưởng dân số có thể từ khoảng 96,7 triệu người lên 104 triệu người vào thời gian tới và sự phát triển quy mô ngành kinh tế, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng cao. Trong giai đoạn 2023 - 2025, con số này ước tính vào 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự báo đến năm 2030 cũng cho thấy, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay, tương đương 550 - 600 tỷ kWh điện.
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia thông tin, kế hoạch nâng công suất của năng lượng tái tạo lên trên 185 nghìn MW vào năm 2050 đặt ra thách thức về cơ sở hạ tầng và công nghệ. Trong đó, lo ngại lớn nhất của việc phát triển năng lượng tái tạo là hệ thống hạn chế và chi phí cao, mặc dù nhu cầu năng lượng ngày càng cấp thiết. Ngoài ra, các vấn đề như hao hụt truyền tải, điều hòa và chuyển đổi tần số mạng cũng là những thách thức mà các nhà quản lý và Chính phủ cần phải đối mặt.
Đại diện ETP cho rằng, cần phải quan tâm cả 2 mặt thách thức và cơ hội của quá trình chuyển dịch, cũng như các tác động gián tiếp, trực tiếp lên toàn nền kinh tế và xã hội. Ví dụ, Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi vào khoảng 600 nghìn MW nhưng một số khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý như thiếu cơ chế giá cho các dự án điện gió hay các trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án khiến việc phát triển chững lại. Chuyển dịch năng lượng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân đơn lẻ. “Mỗi hành động, dù nhỏ ví như tiết kiệm điện, tái chế, sử dụng phương tiện đi lại và sinh hoạt thân thiện với môi trường…, cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng”, bà Thủy nhấn mạnh.
Cần hành động từ nhiều phía
TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất, để vượt qua những thách thức trên, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng và toàn diện. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các quy chuẩn về môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng điện phù hợp, khuyến khích đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Các biện pháp như tín chỉ carbon CO2 và sàn giao dịch carbon cũng có thể giúp tăng cường hiệu quả trong việc giảm phát thải CO2. “Ngoài ra, việc khuyến khích sự đổi mới công nghệ cũng là một phần quan trọng của chiến lược. Sử dụng các công nghệ mới như điện than và khí ít phát thải khí nhà kính có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng của ngành công nghiệp đến môi trường” - ông Nghĩa gợi ý, đồng thời đưa ra kiến nghị, nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, cần hành động từ nhiều phía. Trước tiên, nên có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ mới để nâng cao hiệu suất và giảm chi phí sản xuất.
Trong khi đó, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) cho rằng, giải pháp tổng thể cho năng lượng xanh, không đơn thuần là phát triển năng lượng gió, năng lượng từ các công trình thủy điện mà còn được hiểu từ nhiều nguồn khác như năng lượng mặt trời, trong đó có thể lắp đặt các tấm pin trên tòa nhà lớn, trên mái nhà người dân; năng lượng hydro, khí sinh học biogas, điện sinh khối, điện rác… “Để đạt được các mục tiêu nêu trên, vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng, mang tính chất quyết định thành bại trong việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách, giải pháp liên quan. Vì vậy nên triển khai theo các phương châm: dân biết, dân làm, dân kiểm tra và đặc biệt là dân hưởng thụ”, ông Sỹ chia sẻ.
Bàn về một khía cạnh khác, bà Nguyễn Ngọc Thủy nhận định, truyền thông là một phương thức hiệu quả, không thể thiếu. Các chiến dịch tuyên truyền mà không đưa ra được những thông tin rõ ràng, mang tính thiết thực với cộng đồng và cá thể, sẽ không đem đến những kết quả thiết thực. Do đó, cần đặt một trọng tâm lớn vào việc tham vấn, lắng nghe và đề cao tiếng nói của cộng đồng, bao gồm các nhóm bị ảnh hưởng đa chiều.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia), điện mặt trời và điện gió có thể cung cấp hàng triệu MW điện. Chỉ riêng điện mặt trời đã có khả năng đạt khoảng 963 nghìn MW, trong khi điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt đạt 221 nghìn MW và 600 nghìn MW. Đây là một tiềm năng không thể bỏ qua trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước.