Thúc đẩy số hóa nông nghiệp
Truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là “chìa khóa” để đẩy mạnh phát triển nông sản theo hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc hiện còn phân tán, chưa đồng bộ. Việc kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, "mạnh ai nấy làm".
Đáng chú ý, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm về truy xuất nguồn gốc, ví dụ như gian lận mã số vùng trồng.
Phân tán nhỏ lẻ
Đánh giá việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều nông dân trên cả nước, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả khả quan.
Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được nông dân áp dụng hiệu quả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, phân bón… để dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại. Dù vậy, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của chuyển đổi số còn hạn chế nên nông dân chưa chủ động học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số. Trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của nông dân còn thấp. Chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm hỗ trợ cho các hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc.
Đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, công tác truy xuất nguồn gốc nông sản hiện có nhiều thuận lợi song cũng đối mặt với khó khăn đan xen. Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động truy xuất nguồn gốc hiện còn phân tán, chưa đồng bộ; Việc sản xuất ở nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn nhất định khi áp dụng công nghệ hiện đại; tình trạng thiếu nhân lực khiến công tác kiểm tra thông tin, dữ liệu đầu vào cập nhật trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản chỉ dừng lại ở công đoạn hậu kiểm.
TS Vũ Quế Anh - đại diện Vụ Khoa học và công nghệ (KHCN), các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KHCN) cho biết, theo thống kê, hiện mới có 38/63 địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc.
“Vẫn chưa nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mã số mã vạch theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước” - TS Vũ Quế Anh cho hay.
Đẩy mạnh nông nghiệp chuyển đổi số
Theo TS Nguyễn Khắc Toàn - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên một phần bắt nguồn từ hạn chế về kiến thức, kỹ năng công nghệ của nông dân cũng như hạ tầng công nghệ ở nhiều khu vực, nhất là vùng sâu, vùng xa. Một số cán bộ Hội Nông dân còn mơ hồ, chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, thậm chí có cán bộ lớn tuổi còn chưa sử dụng thành thạo thiết bị di động thông minh.
Ngoài ra, chi phí cao cho đầu tư ban đầu để thực hiện chuyển đổi số cũng là bài toán khó khiến nông dân không mặn mà do không đủ nguồn lực. Một số nơi nông dân sản xuất còn phải ghi số liệu nhật ký sản xuất bằng tay rồi mới nhập thủ công lên máy tính, tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, chưa kể trường hợp sai lệch.
Nêu khó khăn về thực hiện chuyển đổi số vào nuôi trồng thủy sản, bà Nguyễn Hồng Cương - chủ trại nuôi tôm và sản xuất tôm giống tại thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) thừa nhận, trình độ công nhân để tiếp cận và vận hành vẫn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, đa số các sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sử dụng truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc hiện nay chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế…
Để tháo gỡ khó khăn cũng như nâng cao hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh, các cơ quan nhà nước như Bộ NNPTNT, Bộ KHCN cần phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu để hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Dù đứng trước nhiều khó khăn song theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, chưa bao giờ cơ hội về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp lớn như hiện nay, trong đó có cơ hội về nhu cầu của người dùng và người sản xuất về truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, chúng ta phải xác định chuyển đổi số khác với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề đặt ra là quy trình và cách làm; làm thế nào để trong một khai báo truy xuất nguồn gốc, người nông dân phải khai báo ít nhất.