Hà Nội: Kỳ vọng đến năm 2035 sẽ về đích “Net Zero”
Hà Nội đã và đang áp dụng nhiều mô hình giao thông xanh với kỳ vọng dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân, hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại.
Nhiều thách thức
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện nay lượng phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 9,2 triệu phương tiện (trong đó có hơn 6 triệu xe máy cá nhân, 1,4 triệu ô tô, hơn 1,2 triệu là phương tiện từ tỉnh ngoài vào Hà Nội). Tốc độ gia tăng phương tiện từ 4-5%/năm. Lượng phát thải từ các phương tiện giao thông ra môi trường chiếm 75%. Đây là con số thách thức, một bài toán đặt ra đối với giao thông Thủ đô.
Là một người có ý thức bảo vệ môi trường, chị Trần Mai (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: “Được sự vận động của cơ quan trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm không khí, góp phần làm xanh và sạch Thủ đô, tôi và nhiều đồng nghiệp đã chuyển sang đi xe buýt. Tôi thấy rất thuận tiện, mát mẻ và sạch sẽ. Tuy nhiên, một vài đồng nghiệp của tôi không thuận tiện lắm trong việc di chuyển từ nhà ra bến xe buýt”.
“Tôi đi xe máy đã mấy chục năm nay, rất tiện cho công việc và đưa đón các cháu đi học. Để bảo vệ môi trường, tôi sẵn sàng di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng nếu đổi sang xe buýt thì sẽ có rất nhiều vấn đề như: Nhà tôi trong ngõ, cách đường lớn gần 2km. Nếu di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu điện thì tôi sẽ đi bằng phương tiện gì ra bến xe buýt hoặc nhà ga, có đáp ứng được yêu cầu về thời gian, và bài toán kinh tế hay không?” - anh Phạm Thoại (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ.
Theo ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GTVT Hà Nội, với việc phát triển giao thông xanh, cụ thể là phương tiện xanh cũng như phương tiện phi cơ giới là một trong những xu thế tất yếu và có vai trò quan trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức, thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, thì các vấn đề như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng khí, nguồn lực tài chính… là những hạn chế ảnh hưởng đến quá trình xanh hóa giao thông của Thủ đô.
Giải pháp và kỳ vọng
Theo ông Thành, giao thông xanh không chỉ đơn thuần là các phương tiện giao thông xanh mà còn là các công trình giao thông xanh. Trong đó bao gồm: đầu tư các công trình giao thông sử dụng năng lượng xanh, vật liệu xanh.
Ông Thành cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 876/QĐ-TTg. Ngay sau đó, TP Hà Nội đã triển khai một số giải pháp trong mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng của Thủ đô như: Triển khai các phương tiện CNG (xe sử dụng khí tự nhiên), buýt điện, đường sắt đô thị, xe đạp… Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng phương tiện giao thông công cộng xanh, sạch, sử dụng khí hóa lỏng và sử dụng điện. Đây chính là một trong những mục tiêu bước đầu đặt ra của Hà Nội. Hiện nay, toàn bộ mạng lưới có khoảng hơn 2.000 phương tiện xe buýt, trong đó có khoảng gần 14% là phương tiện nhiên liệu khí và phương tiện nhiên liệu điện. “Trên cơ sở thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch tổng thể để đệ trình UBND thành phố đưa ra một chiến lược dài hạn cho mạng lưới vận tải đường bộ của Thủ đô từ nay đến 2035 và 2050. Kỳ vọng và đặt mục tiêu của Hà Nội là đến 2035 sẽ về đích “Net Zero”, tức là về đích trước so với Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”- ông Thành cho biết thêm.
Cũng theo ông Thành, mục tiêu hướng tới của Hà Nội là mạng lưới vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn đó chính là đường sắt đô thị. Do đó, phát triển giao thông xanh phải đi đôi với việc quản lý phương tiện cá nhân. Bài toán cốt lõi của vấn đề vẫn là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, hướng tới phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu xanh. Đây là bài toán tổng thể giải quyết được tất cả các vấn đề từ môi trường, cảnh quan, ách tắc giao thông, đến cả kinh tế - xã hội của Thủ đô. Muốn vậy, phải tạo điều kiện tốt để người dân tiếp cận phương tiện giao thông công cộng. Riêng đối với TP Hà Nội đã có trợ giá cho xe buýt, tổ chức các xe buýt nhỏ đón khách phù hợp với các hạ tầng giao thông; tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân nhằm đưa ra phương án tối ưu nhất, hài hòa được trong khả năng của người dân cũng như khả năng cân đối tài chính của thành phố. Cùng với đó là đề xuất hỗ trợ về thuế, phí cho các doanh nghiệp xây dựng các trạm sạc. Nghiên cứu tìm hiểu thêm về kinh nghiệm chính sách quản lý nhu cầu giao thông của thế giới như: Ưu tiên chỗ đỗ cho phương tiện giao thông xanh; hỗ trợ phí chuyển đổi xe cá nhân…
Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, để có một hệ thống giao thông xanh, không chỉ có phương tiện, mà còn phải đồng bộ với cơ sở hạ tầng, như hệ thống sạc cần được bố trí phù hợp, thuận tiện. Đặc biệt là vấn đề bảo dưỡng, sữa chữa để phục vụ cho số lượng lớn phương tiện. Theo ông Hải, thời gian gần đây, thành phố đã có những đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh. Mạng lưới được hoàn thiện một cách tích cực, hợp lý hơn, mức bao phủ rộng rãi hơn, các phương tiện cũng được thay đổi nhiều hơn. Loại hình mới cũng được đưa vào đó là xe buýt điện, xe CNG, đường sắt đô thị... Với những động thái đó, ông Hải cho rằng, từng bước người dân sẽ được tiếp cận với những dịch vụ mới thuận tiện hơn, văn minh hơn, góp phần làm xanh hơn mạng lưới giao thông Thủ đô.