Ngày thi đầu tiên an toàn, nghiêm túc
Ngày thi đầu tiên diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế là nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dù đề thi môn Ngữ văn trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội trước khi kỳ thi diễn ra, song Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đề thi môn Ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối.
Hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh
Tại điểm thi Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bà Vũ Việt Nga - trưởng điểm thi cho biết, dự báo thời tiết trong những ngày thi diễn ra, thời tiết thất thường nên điểm thi trước đó đã có các chuẩn bị về cơ sở vật chất để ứng phó với các tình huống xảy ra. Trong đó, Công ty Vệ sinh thoát nước đã làm việc suốt cả tuần qua để đảm bảo tránh ngập úng nếu mưa lớn. Buổi sáng thi môn Ngữ văn, trời mưa nhỏ, đội thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ thí sinh đi vào điểm thi. Ngoài ra, điểm thi cũng chuẩn bị áo mưa để hỗ trợ thí sinh.
Ghi nhận tại nhiều điểm thi, giám thị không chỉ phổ biến tới thí sinh quy chế phòng thi mà còn nhắc nhở chi tiết những vật dụng được mang vào phòng thi. Đơn cử như nước uống thí sinh được mang vào phòng thi, nhưng phải xé hết nhãn bọc bên ngoài, cốc uống nước giữ nhiệt không được mang vào phòng thi…
“Để chống gian lận trong kỳ thi, đối với cán bộ coi thi, chúng tôi đã phổ biến tới từng cán bộ phòng thi những lưu ý cần thiết trong quá trình coi thi, đặc biệt phát hiện các biểu hiện gian lận, các thiết bị tinh vi, có cả các hình ảnh thiết bị công nghệ cao được giới thiệu để thầy cô có thể nhận diện trong thực tế nếu bắt gặp. Bất kỳ hình thức gian lận nào cũng đều có những động thái lạ, các thầy cô cán bộ khi coi thi một cách nghiêm túc sẽ kịp thời phát hiện học sinh gian lận” - cô Nguyễn Thị Cẩm Khuê - trưởng điểm thi Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói và cho rằng, quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền, giáo dục để các thí sinh nắm được quy chế thi, biết được các vật dụng được phép mang và không được mang, các hình thức kỷ luật nếu vi phạm để các em tự giác tuân thủ quy định phòng thi, không ảnh hưởng tới kết quả tốt nghiệp của chính mình.
Nhiều hoạt động tình nguyện tiếp sức cho các thí sinh đã diễn ra tại các điểm thi, cùng với sự phân luồng đảm bảo của lực lượng Công an đã góp phần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi, tạo tâm lý tốt cho thí sinh.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, tổng số thí sinh đăng kí dự thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là 1.054.601. Trong đó, tổng số thí sinh dự thi là 1.050.622, đạt tỷ lệ 99.62%. Tổng số điểm thi cả nước là 2.323, có 45.149 phòng thi. Số thí sinh vi phạm quy chế thi môn Ngữ văn là 7 em, trong đó có 3 thí sinh mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động. So với năm 2023 có 12 thí sinh vi phạm quy chế thi môn Ngữ văn, năm nay đã giảm rõ rệt.
Đề thi đảm bảo tính phân loại
Tại TPHCM, ngày thi đầu tiên 27/6 đã diễn ra đúng theo kế hoạch. Nhiều thí sinh đều tự tin với kết quả tốt, tự tin được điểm khá giỏi.
Buổi sáng, sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, thí sinh Hoàng Duy (quận Tân Phú) cho biết, đề thi năm nay ra bài thơ “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Đây là đề thi không bất ngờ, không khó với em cũng như nhiều bạn trong phòng thi. Bên cạnh đó, phần viết nghị luận cũng gần gũi với giới trẻ, không đánh đố thí sinh. Dự đoán em có thể đạt điểm 7 hoặc 8 ở môn Ngữ văn.
Trong khi đó, ở môn thi Toán vào buổi chiều, thời tiết ở TPHCM bất ngờ đổ mưa lớn. Đợt mưa dù chỉ kéo dài khoảng hơn 1 giờ đồng hồ nhưng cũng ảnh hưởng tới việc đi lại của thí sinh. Tại nhiều địa điểm thi, các thí sinh đều được phụ huynh đưa đến điểm thi. Ngoài ra còn đội ngũ tình nguyện viên khá đông đảo cầm ô che giúp các em đi từ ngoài đường vào trường thi để không bị ướt người, dụng cụ làm bài thi hay giấy tờ.
Nhận định về đề thi Ngữ văn, nhiều thí sinh hồ hởi vì đề thi vừa sức, không quá khó với tác phẩm “Đất nước” quen thuộc trong chương trình sách giáo khoa lớp 12. Đôi bạn đến từ Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là Nguyễn Anh Thư (lớp 12A14) và Nguyễn Huyền My (lớp 12A9) cho biết các em làm bài khá tự tin vì đã học rất kĩ bài thơ “Đất nước”.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, cô Hoàng Thị Tú Anh, giáo viên Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, dù thí sinh vui mừng vì ôn “trúng tủ”, nhưng đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 không dễ để các em đạt điểm giỏi nếu không thực sự nắm chắc kiến thức. Đề thi năm nay hay, đảm bảo đúng yêu cầu nội dung và hình thức của một đề thi tốt nghiệp, có tính bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao.
Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc là phân tích 18 câu thơ đầu trong đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm và là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: phân tích đoạn trích và nhận xét “sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ”. Đoạn thơ là phần đầu của đoạn trích “Đất nước”, nêu cảm nhận cội nguồn đất nước, lý giải sự hình thành đất nước theo 2 phương diện thời gian và không gian, thí sinh cần phân tích được những cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm ở phương diện không gian - thời gian, cảm xúc của nhà thơ, từ đó có sự liên hệ tới câu lệnh nhận xét “sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyên Khoa Điềm” (yêu cầu số 2).
“Câu hỏi nghị luận văn học tuy trích dẫn từ tác phẩm được học trong chương trình, nhưng để tổng hợp nội dung và trình bày được về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn thơ chắc hẳn nhiều thí sinh sẽ cảm thấy khó, gặp lúng túng trong quá trình làm bài. Hơn nữa phân tích đoạn thơ 18 câu tương đối dài, thí sinh dễ mất điểm nếu không biết phân bố thời gian hợp lí và viết ngắn gọn lại theo các luận điểm chính” - cô Tú Anh đánh giá.
Liên quan đến đề thi môn Ngữ Văn trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội trước khi kỳ thi diễn ra, đại diện Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khẳng định đề thi được ra đúng với cấu trúc, định dạng đã được Bộ GDĐT công bố, có sự phân phối hợp lý giữa phần Thơ và phần Văn. Phần đọc hiểu của đề thi bàn về sự sáng tạo và trách nhiệm của người nghệ sĩ, những yếu tố tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại; không trùng với những suy đoán trước đó.
Về câu nghị luận xã hội (phần làm văn), dù vào chủ đề gì cũng luôn yêu cầu thí sinh phải có liên hệ thực tiễn, nêu được suy nghĩ, tình cảm, nhận xét, trách nhiệm của mình đối với vấn đề đó nhằm bảo đảm tính thực tiễn, định hướng giáo dục, bồi đắp tâm hồn, nhân cách mà nhiều tài liệu, tác phẩm... đều hướng tới.
Số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra. Tuy nhiên, đề thi sử dụng toàn bộ tác phẩm hay một phần tác phẩm hoặc một phần cụ thể nào của tác phẩm cũng như yêu cầu (lệnh hỏi) đối với thí sinh là hoàn toàn khác biệt so với suy đoán trước đó.
Đây là năm cuối cùng học sinh học và thi theo chương trình GDPT 2006 nên việc dự đoán đề luôn được nhiều người quan tâm. Từ kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, thí sinh sẽ thi theo chương trình GDPT 2018 với nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau nên nhiều ý kiến mong muốn sẽ không có việc học tủ, đoán đề môn Ngữ văn trước mỗi kỳ thi.
Bắt đầu từ sang năm, khi giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình GDPT 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, hi vọng đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn.
Bà Phạm Thị Kim - Phó trưởng điểm thi Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội):
Trước mắt các em có rất nhiều cơ hội, nhiều con đường để các em trưởng thành và vươn tới thành công, hãy cứ hài lòng với kết quả mình đạt được khi mình đã nỗ lực hết sức. Hãy luôn cố gắng và tìm kiếm cơ hội cho mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào để sống một cuộc đời ý nghĩa!
Điểm 10 môn Toán sẽ không nhiều
Với môn Toán, chiều 27/6, nhiều thí sinh chia sẻ đề thi năm nay vừa sức khi bám sát chương trình và phân loại được học lực. Theo nhận định của các thầy cô giáo, đề thi Toán bám sát đúng yêu cầu của kỳ thi nhưng vẫn có sự phân hóa ở nhóm các câu hỏi cuối. Với đề thi này làm trong 90 phút không dễ dàng, nhất là với các bạn lực học trung bình khá. Các dạng câu hỏi trong đề thi không lạ nhưng vẫn phân loại được từng đối tượng học sinh. Với sự phân hóa như vậy, đỉnh của phổ điểm sẽ dao động ở mức 7,6 điểm, số lượng điểm 10 sẽ không nhiều.
T.Hương