Chung cư “tự phong” để thổi giá
Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư chung cư đã “tự phong” để dễ huy động vốn, thổi giá. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn phân loại nhà chung cư theo các thứ hạng A, B, C. Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát, thiếu chế tài nên dẫn đến việc tù mù, kể cả lừa đảo, tranh chấp giữa cư dân chung cư với chủ đầu tư mà phần thiệt luôn thuộc về người mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, phải có quy định bắt buộc các chủ đầu tư thực hiện đăng ký xếp hạng chung cư trước khi được phép mở bán. Đề xuất này lập tức nhận được nhiều ý kiến, bởi nó chạm vào điểm nóng của thị trường bất động sản khi mà có không ít chuyện lừa đảo, thổi phồng giá bán, khiếu kiện...
Được biết, theo quy định hiện hành, chung cư được phân hạng A, B, C dựa trên 4 nhóm tiêu chí gồm: quy hoạch - kiến trúc; hệ thống, thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội; chất lượng quản lý, vận hành. Nhưng người mua căn hộ chung cư thường không biết đến điều đó khi đặt niềm tin vào chủ đầu tư cũng như cân nhắc số tiền của mình. Cũng chính vì thế mà xảy ra chuyện hầu hết chung cư đều được chủ đầu tư tự phong và phân hạng cùng với giá cả kèm theo. Ví dụ, chung cư cao cấp hay hạng A từ 60 - 100 triệu đồng/m2; trung cấp (hay hạng B) 45 - 60 triệu đồng/m2, còn căn hộ bình dân khoảng 30 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, tới nay, tại Hà Nội hay TPHCM, ngay đến chung cư bình dân (hạng C) cũng gần như đã “biến mất” vì chúng đã được “thăng hạng” để bán giá cao.
Thực ra, để một dự án chung cư đạt chuẩn cao cấp là rất khó, thế nhưng chủ đầu tư cùng với giới buôn căn hộ vẫn tùy tiện sử dụng tên gọi "cao cấp", "hạng sang". Nhiều khi còn dùng tên gọi nước ngoài như High-end, Premium… như một thủ thuật quảng bá sản phẩm để hút khách và tâng giá. Cũng chính vì thế mà giá căn hộ chung cư ngày càng tăng và cũng không ít người đã bị lừa khi mà “loạn” hạng chung cư.
Nhiều dự án chung cư được quảng cáo người mua sẽ được sở hữu tiện ích như khách sạn 5 sao, có bể bơi 4 mùa ngoài trời, có trường mầm non, siêu thị, nhà sinh hoạt cộng đồng… Tuy nhiên, khi nhận nhà, người mua mới thấy khu chung cư ấy thiếu tiện ích, khuôn viên lại chập hẹp do mật độ xây dựng dày đặc. Chưa kể những bất tiện khác, nhất là chỗ gửi xe.
Nhà xây thấp cấp nhưng lại quảng cáo là cao cấp để bán giá cao là cách làm ăn thiếu trung thực. Đáng nói điều đó là phổ biến nhưng chưa có chủ đầu tư hay nhà phân phối, phát triển dự án nào bị pháp luật xử lý vì vi phạm. Kể cả việc ở nhiều chung cư, người dân đã phải liên tục đấu tranh đòi quyền lợi mà họ phải được hưởng.
Việc chủ đầu tư tự phong hạng để nâng giá bán không chỉ gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người mua mà còn vi phạm luật quảng cáo cũng như những quy định luật pháp hiện hành về xây dựng. Đã tới lúc việc chủ đầu tư tự phân loại theo kiểu mạnh ai nấy làm, chất lượng không tương xứng phải được chấn chỉnh, đưa vào trật tự bằng cách luật hóa.
Tuy nhiên, một câu hỏi cần phải được đặt ra đòi hỏi có câu trả lời là vì sao lại có hiện tượng ấy? Trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước ở đâu? Không thể nói cơ quan cấp phép dự án, chính quyền địa phương không biết giá trị chung cư đã bị thổi phồng. Vấn đề là họ đánh giá hành vi đó thế nào và xử lý ra sao mà thôi.
Nói như Luật sư Lê Thu Thảo (Đoàn Luật sư TPHCM) thì không nên xem việc phân loại chung cư là cơ sở để xác định giá bán vì giá nhà đất lên xuống liên tục, nên để thị trường điều tiết giá. Tuy nhiên, trong trường hợp đề xuất phải công bố xếp hạng chung cư trước khi mở bán được thực hiện thì trách nhiệm của các cơ quản lý nhà nước liên quan là phải bảo đảm giám sát để công tác phân hạng chung cư không phát sinh cơ chế xin - cho và cùng đó là việc chạy chọt, tiêu cực.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, cùng với việc buộc chủ đầu tư dự án phải công bố đúng hạng chung cư trước khi mở bán, thì rất quan trọng là cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra định kỳ chung cư khi đã đi vào hoạt động. Vì thực tế cho thấy, do chất lượng xây dựng cũng như sử dụng vật liệu xây dựng giá rẻ nên chung cư bị xuống cấp. Trong trường hợp đó, chủ đầu tư cũng như Ban quản lý chung cư phải chịu trách nhiệm, không thể để người mua nhà lại tiếp tục chịu thêm thiệt thòi.