Mặt trận

Tránh máy móc khi sắp xếp lại đơn vị hành chính

QUỐC ĐỊNH 29/06/2024 13:55

Hơn 1.000 cán bộ sẽ về đâu, đặt tên phường thế nào, trụ sở sẽ sử dụng ra sao cho hiệu quả… sau khi sáp nhập đơn vị hành chính? Đó là vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TPHCM” do Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức ngày 28/6.

bai-chinh.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q. Định.

Việc tăng nhưng lương không tăng

Báo cáo về triển khai việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023 - 2030 của TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện thành phố có 273 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 210 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Sau khi sắp xếp, ĐVHC cấp xã giảm 39 đơn vị.

Chủ trương sắp xếp nhằm thu gọn bộ máy là đúng, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố đánh giá, việc sắp ĐVHC góp phần tăng quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, ở chiều tác động ngược lại, bà Thúy cho rằng, do số lượng sắp xếp lớn nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, với đặc thù quận, huyện, phường, xã của TPHCM có diện tích nhỏ nhưng dân cư đông, vượt nhiều so với quy chuẩn. Nếu nhập hai hoặc ba đơn vị thành đơn vị mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích theo quy định. “Sau sắp xếp các ĐVHC vừa có diện tích và quy mô dân số lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức không tăng nên mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước sẽ không cao” - bà Thúy nhấn mạnh.

Cho rằng những khó khăn khi cơ cấu lại là thực tế, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm thông tin, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi thực hiện phương án sắp xếp khoảng hơn 1.000 người, việc sắp xếp này sẽ gặp nhiều trở ngại do đa số đã được chuẩn hóa theo quy định, nhất là số cán bộ trẻ, số này cần có lộ trình và thời gian để tinh gọn. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn trong giai đoạn đầu do cấu trúc văn hóa có sự thay đổi nhất định cũng như thay đổi về địa điểm giao dịch, thay đổi về thủ tục hành chính, thay đổi các loại giấy tờ có liên quan…

Nâng cao vai trò của Mặt trận cơ sở

Ông Nguyễn Minh Hùng - Bí thư Chi bộ Khu phố 2, phường 12, quận Bình Thạnh cho rằng, không nên đặt tên phường sau sáp nhập theo số mà cần đặt theo chữ, vừa có yếu tố văn hóa vừa tránh khô khan. Chẳng hạn như đặt theo địa danh cũ đã in sâu vào tiềm thức người dân như Bà Chiểu, Gia Định hoặc đặt theo vĩ nhân, danh nhân lịch sử như Lê Văn Duyệt, Võ Nguyên Giáp…

Theo ông Hùng, thành phố đang thực hiện chính quyền đô thị, không còn tổ chức HĐND ở cấp huyện, xã nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân là vô cùng quan trọng. Vì thế vị trí của MTTQ có ý nghĩa thiết thực trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chức năng của MTTQ cần được xây dựng nâng cao trong quan hệ hợp tác giữa các tầng lớp nhân dân với chính quyền.

Trong khi đó, bà Đoàn Thị Thanh Xuân (phường 7, quận 5), bày tỏ quan tâm đến tâm tư của đội ngũ cán bộ công chức sau khi sắp xếp. Bà Xuân nhìn nhận hầu hết cán bộ, công chức sống bằng lương, nay thành cán bộ dôi dư, bản thân họ cũng rất tâm tư không biết sẽ đi đâu về đâu, có được sắp xếp vị trí mới không? Bà Xuân đề nghị việc sắp xếp, bố trí cán bộ cần phải hợp lý, hợp tình, cần chọn được người có đức có tài, công tâm, khách quan.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ TPHCM đề nghị, UBND thành phố sớm ban hành hướng dẫn theo thủ tục rút gọn và căn cứ vào những khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết trên cơ sở tôn trọng ý kiến tại địa phương, tránh máy móc để xác định rõ “nhóm nhiệm vụ cần thực hiện sau”, tránh tình trạng “làm hàng ngang” trong khoảng thời gian eo hẹp dẫn đến trì trệ, không đúng tiến độ đề ra. “Cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương” - ông Hậu mong muốn.

Theo số liệu thống kê năm 2022, hiện TPHCM có trên 2.095km2 diện tích tự nhiên; dân số gần 12,3 triệu người, trong đó: thường trú gần 10,3 triệu, tạm trú gần 2 triệu. Thành phố hiện có 22 ĐVHC cấp huyện, bao gồm: 16 quận, 1 thành phố (Thủ Đức) và 5 huyện. ĐVHC cấp xã có 273 bao gồm: 210 phường, 5 thị trấn và 58 xã.

QUỐC ĐỊNH