Thấp thỏm nỗi lo sau tăng lương
Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng và một số điều chỉnh mới trong chính sách tiền lương được áp dụng đem lại niềm vui đối với nhiều công nhân, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nỗi lo giá cả tăng theo lương. Đây là vấn đề đã từng xảy ra nhiều lần.
Câu chuyện "lương chưa tăng, giá đã tăng" tiếp tục đặt ra những thách thức đòi hỏi phải có giải pháp bình ổn, điều hành giá để người được thụ hưởng yên tâm, mức lương mới sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Nửa mừng, nửa lo
Với 14 lần tăng lương cơ sở trong khoảng thời gian 20 năm, từ mức 290 nghìn đồng (áp dụng vào thời điểm 1/10/2004) lên 1,8 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến nay), việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hằng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu lương sẽ là thu nhập chính, đảm bảo đời sống của người hưởng lương.
Việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 mang tới nhiều kỳ vọng không chỉ với những người làm công ăn lương trong khu vực công, mà còn mang niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở.
Đây là đợt cải cách tiền lương được rất nhiều công chức, viên chức, người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay chỉ đáp ứng các điều kiện sống cơ bản. Việc cải cách tiền lương với mức tăng khoảng hơn 30% trở thành một trong những niềm vui với rất nhiều người làm công ăn lương. Tuy nhiên, câu chuyện cứ mỗi lần tăng lương giá cả lại tăng theo cũng khiến nhiều người phải lo lắng.
Chị Đỗ Lan Hương, công tác tại một cơ quan hành chính ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, khi có thông báo tăng lương cơ sở, chị chưa kịp mừng vì có thêm một khoản thu nhập thì giá của các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như trứng, thịt heo, gạo... đều tăng, kéo theo đó sẽ là các khoản chi tiêu ngày càng đắt đỏ.
“Tôi thường xuyên đi siêu thị để mua thực phẩm cho gia đình nên tầm nửa tháng nay, tôi thấy giá của các loại mặt hàng thực phẩm đều trong trạng thái tăng. Chẳng hạn, giá trứng đã tăng lên 32.000 đồng/chục, so với giá trước đó là khoảng 25.000 - 27.000 đồng/chục. Giá gạo cũng nhích lên vài ba giá. Cứ mỗi thứ tăng lên một chút như vậy cũng tạo gánh nặng không nhỏ với người tiêu dùng”, chị Hương nói.
Ghi nhận từ thực tế, từ đầu tháng 6 tới nay, ở các chợ truyền thống đã có không ít mặt hàng tiêu dùng tăng giá so với tháng 5. Giá thịt lợn tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, lên mức 155.000 - 165.000 đồng/kg, cá các loại cũng tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg, tùy loại.
Không chỉ ở các chợ truyền thống, ngay các kênh phân phối hiện đại cũng đối mặt với những đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp. Điển hình như nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ một số nhãn hiệu lớn.
Theo đó, hầu hết nhà cung cấp đã báo tăng giá 10-15% với ngành hàng rau củ quả và tăng giá 10- 20% với ngành hàng thực phẩm công nghệ.
Việc tăng lương kéo theo là tăng giá các loại hàng hóa đã không còn là điều quá bất ngờ sau mỗi đợt điều chỉnh lương. Trước thực tế đó, nhằm bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương, bình ổn thị trường, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục…); Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.
Cùng với việc kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như: với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng… Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường...
“Với tất cả những giải pháp đã thực hiện thì thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội đã thích ứng với việc tăng lương, không có nhiều tác động đến tâm lý, song song với những giải pháp chủ động của Chính phủ và cơ quan quản lý thì sẽ không có tác động lớn đến thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Còn nhiều bất cập
Với người dân, mỗi thời điểm tăng lương phải đối mặt với nhiều bất cập. Nếu không phải là tăng giá các loại mặt hàng thiết yếu thì người được hưởng lợi từ chính sách tăng tiền lương sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do phần thu nhập dôi ra nhiều hơn 11 triệu đồng. Trong khi đó thuế TNCN vẫn chưa được thay đổi, cũng đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.
Đề xuất các giải pháp kiểm soát tình trạng “giá tăng theo lương”, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh khuyến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng. Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
"Các bộ, ngành, doanh nghiệp nên tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, vì dễ gây lạm phát kỳ vọng, kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo", Vụ trưởng Nguyễn Thu Oanh nhấn mạnh.
Chị Đoàn Hồng Loan (Hà Đông, Hà Nội) cho biết đầu tháng 7/2023, khi lương cơ sở tăng từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng, lương của chị có hệ số lương 2,34 nên tăng thêm hơn 700.000 đồng. Cùng với những phụ cấp khác của cơ quan nên tổng cộng lương của chị là 11,7 triệu đồng. Vì thế chị buộc phải đóng thuế. "Dù số tiền thuế phải đóng không nhiều nhưng tôi cũng thấy hụt hẫng. Hiện chưa biết chính xác cả lương ngạch bậc và phụ cấp sẽ tăng lên bao nhiêu nhưng ước tính cũng lên hơn triệu đồng và thuế phải đóng hằng tháng sẽ cao hơn hiện tại. Mức tăng lương chưa bù đắp được phần nào cho tiêu dùng hàng ngày nay lại phải đóng thuế cao hơn", chị Loan nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng, lương tăng đồng nghĩa thu nhập tăng lên, song mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế TNCN không được điều chỉnh sẽ dẫn đến bất cập là mức thuế suất của người nộp thuế nhảy lên mức cao hơn. Đáng chú ý, điều này làm mất đi ý nghĩa của chính sách tăng lương 30% do Chính phủ đưa ra vì thực chất thu nhập của nhiều công chức, viên chức không tăng lên đến mức này.
Về vấn đề cải cách tiền lương nói chung, các Đại biểu Quốc hội tích cực thảo luận tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội diễn ra chiều ngày 26/6, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với việc Chính phủ trình tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách cũng như các đề xuất giải pháp lương mới áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Trong đó, ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) gây chú ý khi đề xuất cải cách tiền lương theo hướng trả lương theo tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. "Để cải cách tiền lương một cách toàn diện, phải đưa ra công thức tính và phải căn cứ vào GDP hằng năm. Tôi nghĩ Chính phủ nên xem xét, có thể chúng ta không kịp làm đợt này, nhưng về mặt lâu dài phải làm như thế mới căn cơ và chúng ta cũng sẽ đỡ vất vả về việc huy động nguồn ngân sách để dự trữ cho tăng lương", ông Huân nói.
Có thể thấy, từ chính sách đến thực tiện vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết xoay quanh câu chuyện cải cách tiền lương. Tuy nhiên tăng lương luôn là điều mà tất cả người lao động đều mong chờ. Vì vậy, cần thêm các biện pháp để khi được nhận lương mới, người dân sẽ để được dư giả chứ không phải chạy theo giá cả của thị trường. Bên cạnh đó cần quan tâm đến câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế giúp người dân ít hoặc không bị áp lực khi đóng thuế thu nhập. Trong thời gian tới, vẫn cần một sự tính toán và điều chỉnh lại về chính sách tăng và cải cách tiền lương, cùng với đó là các luật liên quan để phù hợp hơn với điều kiện thực tế của người dân.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Tránh việc “lương tăng 1 đồng, giá tăng 3 đồng”
Thông thường các năm việc tăng lương thì giá cũng tăng theo và thông thường giá này tăng hai lần. Một là khi mà chúng ta quyết định tăng lương thì lập tức giá bắt đầu tăng và khi người được hưởng lương nhận được lương thì lúc đó giá lại tăng một lần nữa.
Thời gian vừa qua, giá đã rục rịch tăng ở một số mặt hàng. Tuy nhiên mức tăng này chưa cao và chúng ta hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý tốt hơn để giá không tăng hoặc tăng hợp lý.
Thủ tướng gần đây đã ra công điện yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước ổn định thị trường, giá cả, không để cho giá tăng theo lương. Nhưng tôi cho rằng có mấy giải pháp cơ bản cần tiến hành ngay như sau: Trước hết, Cục Giá của Bộ Tài chính cùng với Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương phải rà soát đầu ra, đầu vào giá thành của những mặt hàng thiết yếu để xem giá thành thế nào, giá bán ra sao, có tăng hay không và tăng có hợp lý không, rất quan trọng vì nó ảnh hưởng ngay đến đời sống cũng như mặt bằng giá.
Thứ hai, các Cục quản lý thị trường cùng các đội quản lý thị trường phải cùng với chính quyền kiểm tra đầy đủ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh việc tăng giá cả, đảm bảo niêm yết giá và tăng giá phù hợp.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xem xét, nếu có việc tăng giá điện hay tăng giá các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo thì cũng phải xem mức tăng có phù hợp và phải có thời gian giãn cách để không tạo ra những cú sốc về giá.
Và đặc biệt việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nào tăng giá bất hợp lý thì phải có chế tài xử lý nghiêm.