Văn hóa

‘Đánh thức’ tình yêu của công chúng với nghệ thuật sân khấu

Phương Thanh 30/06/2024 14:26

Đó là khẳng định của NSND Trịnh Thuý Mùi về sự lan toả của chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng trong thời gian qua.

Đa dạng loại hình nghệ thuật

Ngày 30/6, Sở Văn hoá và Thể thao TP Hải Phòng tổ chức hội nghị sơ kết chương trình Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Theo báo cáo của đơn vị, 6 tháng đầu năm 2024 đã có 6 chương trình, vở diễn thuộc 5 loại hình nghệ thuật: Cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, chèo và múa rối được tổ chức biểu diễn và truyền hình trực tiếp trên kênh THP, phát sóng trên các kênh khác và lưu diễn miễn phí phục vụ nhân dân.

a1.jpg
Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng được công diễn tối ngày 29/6 tại Nhà hát lớn TP Hải Phòng.

Các vở diễn đã được dàn dựng, đầu tư công phu về cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, âm thanh, ánh sáng. Đội ngũ e kip hàng đầu Việt Nam và nghệ sỹ, diễn viên cả Trung ương và thành phố luyện tập tích cực, công phu, kỹ năng để quảng bá cho một Hải Phòng năng động, hội nhập và phát triển.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã chỉ đạo các đoàn nghệ thuật chủ động, linh hoạt trong việc dàn dựng và truyền hình trực tiếp các chương trình vở diễn tại các địa điểm phù hợp làm tăng hiệu quả tuyên truyền của Đề án.

Việc tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân tại Nhà hát thành phố đã tạo được ấn tượng sâu sắc, tạo nên điểm hẹn văn hóa với du khách, nhân dân. Công nhân, người lao động được thụ hưởng các chương trình nghệ thuật hàn lâm khi không có điều kiện được xem tại đơn vị.

a2.jpg
Sau 35 năm, Đoàn Kịch nói Hải Phòng (thứ 3, phải sang) đã giành được liên tiếp HCV và HCB tại các kỳ Liên hoan.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hải Phòng khẳng định: Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng chính là cú hích, nền tảng, đòn bẩy cho sự phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn cho các nghệ sĩ diễn viên của thành phố. Ở tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu, Hải Phòng đều có những lứa diễn viên “vàng”, đóng vai trò nòng cốt, chủ công trong việc đảm bảo chất lượng của từng tác phẩm.

Do đó, thời gian gần đây, Hải Phòng luôn có nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các Kỳ liên hoan. Sau 35 năm, Đoàn Kịch nói Hải Phòng đã giành được liên tiếp HCV và HCB tại các kỳ Liên hoan, Đoàn Cải lương Hải Phòng lần đầu tiên giành HCV tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2023 tại chính thủ phủ của loại hình nghệ thuật này - tỉnh Bạc Liêu. Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng lần đầu tiên giành HCV tại Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng năm 2024. Sau 37 năm, Đoàn Chèo Hải Phòng đã giành được HCV tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2023, lấy lại vị thế đứng đầu trong Chiếng Chèo Đông.

a4.jpg
NSND Trịnh Thuý Mùi và lãnh đạo TP Hải Phòng trao Bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Liên hoan sân khấu toàn quốc về đề tài Thiếu niên, Nhi đồng tại Hải Phòng.

Phát biểu tại hội nghị, NSND Trịnh Thuý Mùi khẳng định: Việc duy trì và phát triển mạnh mẽ Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng chính là cách để địa phương duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình văn hoá nghệ thuật truyền thống; nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của người dân, đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Chính nỗ lực của lãnh đạo TP, lãnh đạo ngành văn hoá và hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên đã “đánh thức” tình yêu công chúng với nghệ thuật sân khấu.

Đẩy mạnh xã hội hoá

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Trần Thị Hoàng Mai thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình Sân khấu truyền hình. Việc tổ chức lưu diễn phục vụ công nhân, thanh niên tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đạt theo tiến độ. Kinh phí cho hoạt động lưu diễn còn hạn chế, huy động xã hội hóa từ cơ sở khó khăn.

Nguồn kịch bản sân khấu chưa phong phú, chất lượng kịch bản còn hạn chế, chủ yếu mới có kịch bản văn học nên không có nhiều sự lựa chọn, đôi khi phải chuyển thể loại hình. Việc tuyển chọn diễn viên đặc biệt diễn viên đáp ứng được yêu cầu cả thanh và sắc rất khó khăn; lực lượng diễn viên các đoàn đều mỏng, tuổi đời và tuổi nghề cao.

Tại hội nghị, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất: Hải Phòng có thể xem xét truyền hình trực tiếp các vở diễn tại các địa điểm khác ngoài Nhà hát lớn thành phố như khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc hải đảo… để chương trình sân khấu phát huy được hiệu quả hơn, lan toả hơn đến với công chúng.

a5.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định: Hải Phòng sẽ dành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cao nhất để Đề án sân khấu truyền hình có thể đạt được những thành công hơn nữa. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển chuyên môn, ngành văn hoá Hải Phòng cần đẩy mạnh việc huy động xã hội hoá và khắc phục những tồn tại về trang thiết bị, chủ động đặt hàng các kịch bản cho chương trình sân khấu truyền hình năm 2025.

Ngoài việc tổ chức phát sóng vào thứ bẩy mỗi tháng các tác phẩm sân khấu còn được phát lại trên các kênh sóng: Truyền hình: THP, THP+, facebook, youtube, app THP on, website thhp.vn ; Phát thanh: tần số 93,7 Mhz. Trung bình từ đầu năm cho mỗi số sân khấu truyền hình có khoảng 25.600 người tiếp cận với 381 lượt tương tác. Đến hết tháng 5/2024 đã có 76 buổi lưu diễn được thực hiện và thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.

Phương Thanh