Xã hội

Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long: Cần lời giải cấp thiết

THÀNH LUÂN 01/07/2024 14:00

Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông và bờ biển đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết cho toàn vùng, khi đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực.

coverto.jpeg
Hạn hán, xâm nhập mặn khiến nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long khô cằn. Ảnh: Trung Kiên.

Ngày 30/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM và Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long”, với sự tham dự của gần 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực.

Hạn hán, hạn mặn ngày càng khốc liệt

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diện tích khoảng 3,9 triệu ha. Đây là khu vực có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là chìa khóa trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Dù vậy, TS Võ Văn Hải - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM bày tỏ lo ngại, hiện nay hàng triệu người dân trong lưu vực ĐBSCL đang phải đối diện với các thách thức của hạn hán và hạn mặn vì nhiều nguyên nhân.

Theo ông Hải, ĐBSCL luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước hàng năm. Tuy thế, vấn đề thiếu nước ngọt lại nảy sinh trong những năm gần đây, gây ảnh hưởng cho khả năng đóng góp ngân sách, cũng như cuộc sống mưu sinh của hàng triệu dân toàn vùng. Do đó, cần cấp thiết có sự đánh giá và dự báo thiếu nguồn nước ngọt ở ĐBSCL, coi đây là vấn đề tiên quyết, cần được xác định trong quy hoạch xây dựng các công trình thủy lợi, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững cho ĐBSCL.

Tại Hội thảo, kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia, nhà khoa học về nước ngọt cho ĐBSCL đã đưa ra nhiều con số “biết nói” để báo động về tình trạng thiếu nước ngọt, dẫn đến hạn hán, hạn mặn cho toàn vùng này. Cụ thể, tác động từ thủy điện là tiềm tàng nguy cơ khi chỉ ở thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 đập thủy điện, trong đó có khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ thiếu nước, hạn hán, hạn mặn, sạt lở và xói mòn ở hạ lưu. Kết quả nghiên cứu về tình hình hạn mặn ở ĐBSCL cũng ghi nhận khu vực sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đang có phạm vi xâm nhập mặn trong phạm vi 80-90km. Kế đến, khu vực sông Cửa Tiểu, cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn từ 60-70km; sông Hàm Luông có mức độ xâm nhập mặn từ 57-65km; sông Cổ Chiên bị xâm nhập mặn trên khu vực 50-60km; sông Hậu có tình trạng xâm nhập mặn trong phạm vi 55-60km... Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học tài nguyên nước tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang vào khoảng 70.168 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại gây ra đối với hoạt động sản xuất, bao gồm cây ăn trái, hoa màu, lúa và thủy sản. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào các năm 2030, 2040 và 2050, với mức thiệt hại dự báo, lần lượt là: 72.385 tỷ đồng; 73.530 tỷ đồng và 76.485 tỷ đồng.

Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, hiện nay chế độ thủy văn ở khu vực ĐBSCL đang chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn, chế độ triều ở biển Đông, biển Tây và các chế độ mưa trên đồng bằng. Vùng đồng bằng phụ thuộc vào hơn 80% tổng lượng nước ngọt hàng năm từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. “Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy chất lượng nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái khi có những thay đổi của dòng chảy theo mùa. Sự suy thoái này có thể do các yếu tố tự nhiên hoặc các yếu tố con người, hoặc cả hai yếu tố này cùng tác động” - TS Sâm bày tỏ lo ngại.

anhto.jpg
Kênh rạch bị khô hạn trơ đáy do tác động của biến đổi khí hậu kéo dài. Ảnh: Trung Kiên.

Cần sớm có giải pháp hữu hiệu

Trước các vấn đề cấp thiết liên quan đến thiếu nước ngọt tại ĐBSCL, TS Võ Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính phía Nam (Bộ Tài chính) cho rằng, thông qua các tính toán nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động dân sinh, kinh tế và mô phỏng xâm nhập mặn (kế thừa từ báo cáo tổng hợp Quy hoạch lưu vực ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) hiện nay đã có các dự án để cải thiện khả năng cung ứng nước ngọt cho vùng này. Ngoài ra, còn có các đề xuất dự án nước ngọt cho ĐBSCL, trong đó xây dựng các dự án thành phần cung cấp nước ngọt tại huyện Tam Nông – Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), với dung tích hữu ích khoảng 1,5 tỷ m3 nước (Tràm Chim); hồ chứa nước tại Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) có dung tích hữu ích khoảng 1 tỷ m3 nước. Với quy mô của 2 hồ chức năng này, chuyên gia cho rằng, có thể đủ sức để điều nước cho các tỉnh còn lại của ĐBSCL trong mùa khô.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cho rằng, đảm bảo nước ngọt cho ĐBSCL đang rất cấp thiết. Chỉ tính riêng đối với ĐBSCL thì nhu cầu sử dụng nước vào khoảng hơn 40 tỷ m3/năm, trong đó sử dụng cho trồng lúa chiếm phần lớn (đến 70%). Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội kéo theo gia tăng nhu cầu sử dụng nước của con người, nhất là phía thượng nguồn và dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, khiến cho lượng nước ngọt bị suy giảm.

Ông Phước cũng cho rằng, hiệu quả sử dụng nước ở ĐBSCL hiện nay chưa cao và đang phải đối mặt với các tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và sự phát triển của các đập thủy điện thượng nguồn khiến thay đổi dòng chảy. Điều này cũng đã khiến tình trạng sạt lở tăng kỷ lục, sạt lở sâu trong cả các kênh rạch nội đồng. Các địa phương đã và đang đối mặt với nguy cơ hạn hán, hạn hán cục bộ và xâm nhập mặn, đặc biệt là các vùng Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn... “Các diễn biến ở ĐBSCL cần có những đánh giá mức độ tác động, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp ứng phó và thích nghi để bảo đảm phát triển bền vững” - ông Phước đề nghị.

anhnho.jpg
Nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long “khát nước ngọt” trầm trọng.

Đề xuất giải pháp để ngăn chặn xâm nhập mặn ở ĐBSCL, theo TSKH Trần Quang Thắng - đại biểu HĐND TPHCM, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, bên cạnh giải pháp đóng nắp cống và đắp đê ở vùng ven, các tỉnh ĐBSCL cần có kế hoạch xây đập ngăn mặn và giữ nước ngọt, hồ điều tiết giữ nước mưa, nước ngọt. Song song đó, cần có giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch và ứng dụng KHCN để thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. “Hiện nay, chúng ta cũng có một số hỗ trợ của Hà Lan tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang và Vĩnh Long. Canada cũng đang tham gia các dự án hợp tác để chống biến đổi khí hậu và khắc phục ngập lụt cho toàn vùng này” - TS Thắng cho biết và ông cũng đề nghị các tỉnh ĐBSCL quan tâm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đất. Cần sớm hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các hình thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Đa dạng sinh kế giúp tăng trưởng sự linh hoạt và đề phòng trước biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm cả việc hạn chế xói lở bờ sông, bảo vệ đất đai màu mỡ và tạo ra mạng lưới cơ sở hạ tầng nền tảng.

ongnguyen-van-hung.jpeg

PGS.TS sử học Nguyễn Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học đề nghị, UBND các tỉnh ĐBSCL và từng tỉnh, thành của khu vực này cần sớm có giải pháp cho các vấn đề hạn hán, hạn mặn, mà trực tiếp là tình trạng thiếu nước ngọt đã và đang rất cấp bách. Đặc biệt, theo ông Hùng, rất cần kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái, vựa lúa, vùng trồng trọt và quản lý ô nhiễm môi trường. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước đòi hỏi sự hợp tác của các cộng đồng trong vùng ĐBSCL, chính quyền từng địa phương, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.

THÀNH LUÂN