Giám sát - Phản biện

Tự “soi” tham nhũng

Lê Anh 01/07/2024 10:25

UBND TPHCM đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023. Trong năm qua TPHCM đã xét xử hơn 40 vụ án liên quan tội phạm về tham nhũng, chức vụ, trong đó đã tuyên án với gần 100 bị cáo về hành vi này.

anhbaitren(2).jpg
Tòa án nhân dân TPHCM xét xử vụ án tiêu cực, tham ô, đưa hối lộ gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Hồng Phúc.

Việc đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực của TPHCM, xuất phát từ sự chỉ đạo thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự quyết liệt của các cơ quan chức năng TPHCM trong điều tra, phá án.

Trong năm 2023, TPHCM đã thực hiện 74 đợt thanh tra về PCTN và đã chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Đối tượng và cơ quan thực hiện thanh tra có tới hơn 3.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị từ cơ sở đến cấp thành phố, với tổng số hơn 21.000 người được yêu cầu kê khai, công khai tài sản và thu nhập. Quá trình này, TPHCM đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đối với 746 cơ quan, tổ chức, đơn vị, sau đó đã xử lý hàng chục cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Chỉ tính từ cuối tháng 12/2022 đến cuối tháng 12/2023, Tòa án nhân dân TPHCM đã đưa ra xét xử hơn 40 vụ án liên quan tội phạm về tham nhũng, lợi dụng chức vụ. Trong đó, tuyên án với gần 100 bị cáo về hành vi tham nhũng.

Với các kết quả trên, UBND TPHCM tự đánh giá công tác PCTN, tiêu cực được quán triệt triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, sát với yêu cầu thực tiễn trên quan điểm ngăn ngừa là chính, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực. Khi tự chấm điểm, UBND TPHCM tự đánh giá công tác PCTN, tiêu cực năm 2023 đạt 86,67/100 điểm.

Mới đây nhất, ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM đã bị Trung ương kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng do để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền TPHCM, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước. Trong thời gian đương chức, cựu Bí thư Thành ủy TPHCM cũng để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền TPHCM.

Trước TPHCM, một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Bắc Ninh, Ninh Bình,…cũng đã triển khai từ sớm báo cáo tự đánh giá công tác PCTN, tiêu cực năm 2023. Từ quá trình triển khai này, các địa phương sẽ lần lượt công bố báo cáo tự đánh giá công tác PCTN, tiêu cực năm 2023 trong thời gian tới.

Việc các địa phương chủ động tự “chấm điểm” công tác PCTN, tiêu cực đã cho thấy sự đổi mới, tính chủ động, quyết liệt trong nỗ lực đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, giúp trong sạch bộ máy và lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và hiệu quả, hiệu lực quản lý ở từng cấp, ngành và địa phương. Các nỗ lực của chính quyền cùng với chức năng, vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan như HĐND, MTTQ đã giúp cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực đạt được hiệu quả cao hơn.

Từ việc chính quyền địa phương chủ động tự “soi” tham nhũng đã góp phần giúp Trung ương có cơ sở để quyết định thi hành kỷ luật, quyết liệt đưa ra khỏi hệ thống Đảng, chính quyền các cấp đối với những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chính quyền các cấp trong thời gian qua.

Lê Anh