Nên ‘đặt hàng’ báo chí thường xuyên
Báo chí cần được tiếp thêm nguồn lực, cả về kinh phí lẫn cơ chế thực hiện để có thể thực hiện truyền thông chính sách một cách bài bản, đa chiều trở thành dòng chảy chính trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với người dân và phản ánh tâm tư nguyện vọng nhân dân đến các cơ quan làm chính sách, giúp cho việc ban hành chính sách sát thực với đời sống nhân dân. Dưới đây chúng tôi ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội và các nhà báo xung quanh câu chuyện này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Nên “đặt hàng” báo chí thường xuyên
Dự những buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội với các cơ quan báo chí lớn, cơ quan báo chí chủ chốt thì tôi thấy các cơ quan báo chí đều đặt vấn đề Nhà nước cần “đặt hàng” thường xuyên, định kỳ. Khi có sự kiện đặc biệt xảy ra bất ngờ không theo kế hoạch thì có “đặt hàng” trực tiếp. Còn định kỳ thì nên “đặt hàng” thường xuyên, để cho các cơ quan báo chí có kế hoạch, bố trí hoạt động của mình cho phù hợp.
Đây là yêu cầu chung của các cơ quan báo chí. Và khi Nhà nước “đặt hàng” sẽ đảm bảo hoạt động theo kế hoạch, có sự chi trả phù hợp theo quy định thì để giúp cho các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn.
Khi các cơ quan Nhà nước “đặt hàng”, họ cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan báo chí phải có một lượng đối tượng độc giả nhất định. Phải có độ bao phủ để giúp cho các cơ quan Nhà nước đạt được mục tiêu truyền thông về các hoạt động của mình.
Do đó nếu bản thân các cơ quan báo chí mà không nỗ lực, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực của mình thì cũng không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan Nhà nước. Vì các cơ quan Nhà nước họ được lựa chọn về đối tượng mà họ hướng đến, phục vụ cho công tác truyền thông chính sách.
Cho nên các cơ quan báo chí cũng phải nỗ lực để nâng cao khả năng, năng lực của mình đáp ứng yêu cầu khi được “đặt hàng”.
Ví dụ, khi các cơ quan Nhà nước tổ chức nhiều hoạt động hội thảo thì cũng “đặt hàng”, mời các cơ quan truyền thông hỗ trợ cho việc đưa tin, bài về các sự kiện cho lượng độc giả nhất định, nhất là độc giả quan tâm đến lĩnh vực mà họ muốn tuyên truyền. V.T (ghi)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Giúp báo chí bớt khó khăn có thể chuyên tâm làm nghề
Theo báo cáo của Chính phủ trong năm 2023, những tháng đầu năm 2024 số doanh nghiệp giải thể, khoanh nợ, không hoạt động, rút lui khỏi thị trường sản xuất kinh doanh khá nhiều, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đó có nguồn thu ngân sách, hoạt động của người lao động trong các doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó khăn nên người lao động phải thôi việc, tìm việc khác, thất nghiệp năng suất lao động từ năm 2021đến năm 2023 xuống thấp.
Nếu doanh nghiệp giải thể, không đủ sức hoạt động, thu không đủ chi, hoạt động bình thường hoặc hoà vốn, đủ trang trải cho hoạt động thôi thì họ không chi cho công tác truyền thông của báo chí. Trong khi báo chí nhờ vào hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp để trang trải trong bối cảnh phải tự hạch toán. Đây là vấn đề lớn đang ảnh hưởng tới các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Cùng với đó, việc áp dụng khoa học công nghệ đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hoạt động của báo chí. Báo giấy đang gặp khó khăn vì sự cạnh tranh của mạng xã hội. Do đó báo chí đang rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Nhà nước, doanh nghiệp.
Ngoài ra về phần mình, báo chí cũng phải nâng cao chất lượng để mở rộng đối tượng bạn đọc, có nhiều người biết đến thì doanh nghiệp sẽ tìm đến để truyền thông, quảng cáo. Nếu báo chí không đổi mới, nâng cao chất lượng, sức tuyên truyền chưa đủ sức thuyết phục thì hoạt động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. H.V (ghi)
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang): Sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia đã đặt ra nhiều thách thức và khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm. Trong khi đó, kinh phí sản xuất ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nhân lực, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền, nhưng định mức tối đa chưa bắt kịp với tình hình thực tế khiến cho hoạt động của các cơ quan báo chí đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.
Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện để ban hành sớm ngày nào tốt ngày đó các thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đảm bảo tính đúng, tính đủ. Đồng thời sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan báo chí. Có lộ trình sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí, chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại báo chí và xu thế phát triển kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Đây đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra và các cơ quan báo chí đang mong mỏi việc hoàn thiện các cơ chế tài chính để tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan báo chí cũng phải linh hoạt chủ động hơn về bộ máy, năng lực chuyên môn để cải thiện mình chứ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tôi biết hiện nay có nhiều cơ quan báo chí rất năng động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động để tự tháo gỡ những khó khăn của bản thân mình. Tuy nhiên ở góc độ Nhà nước thì cần tiếp tục quan tâm hơn. Giai đoạn này đòi hỏi sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương một cách nhanh chóng và kịp thời hơn để giúp cho các cơ quan báo chí phát huy hiệu quả.
Báo chí cũng cần mạnh mẽ chuyển đổi số vì hiện tỷ lệ chuyển đổi số trong cơ quan báo chí vẫn chưa cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số để tăng thêm nguồn thu, đáp ứng vấn đề đời sống. H.VŨ (ghi)
TS Nguyễn Tri Thức - Ủy viên Bộ biên tập, Trưởng ban Chuyên đề, Chuyên san Tạp chí Cộng sản: Nếu để “phó mặc”, báo chí đôi khi sẽ làm cho có
Có thực tế là còn không ít bất cập liên quan đến việc dành nguồn lực cho truyền thông chính sách. Vấn đề này gần như được xem là nhiệm vụ đương nhiên của các cơ quan báo chí để chuyển tải thông tin về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhu cầu của công chúng. Nhưng rõ ràng, việc truyền thông chính sách ở tất cả chu trình là thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Dẫu vậy vẫn không ít bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến chính sách đối với cơ quan báo chí, coi đó là nhiệm vụ của báo chí.
Việc truyền thông chính sách một cách miễn cưỡng, bất cập như vậy chưa đủ giúp cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí trong diện tự chủ tài chính, chủ động trong việc truyền thông chính sách, chưa thể tập trung nhân lực, vật lực cho công tác truyền thông chính sách. Nhất là với những chính sách báo chí không có nghĩa vụ phải truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, hay hình thành những tuyến bài, những chiến dịch truyền thông sâu rộng. Thậm chí, sự “phó mặc” ấy có thể nảy sinh tình trạng xuất hiện nhà báo, cơ quan báo chí trong quá trình truyền thông chính sách tiến hành kiểu đối phó, cho xong, thậm chí chủ ý “khoét sâu”, tập trung xoáy vào những bất cập, hạn chế, gây ra trở ngại không đáng có trong quá trình dự thảo, ban hành, thực thi chính sách...
Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg, Về việc Tăng cường công tác truyền thông chính sách. Trong đó đề cập đến trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cần triển khai những kế hoạch kết hợp với cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.
Như vậy, chính sách về huy động nguồn lực cho truyền thông chính sách đã có những bước phát triển mới, căn cơ, khoa học, bài bản, rõ ràng, minh bạch hơn. Trong đó, việc xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực cho truyền thông chính sách được thể chế hóa sẽ tạo ra những nguồn lực đáng kể. Một nguồn lực vật chất khác, cụ thể là kinh phí, có thể huy động để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, đó là từ các tổ chức quốc tế trong từng khâu, chu trình của “vòng đời” chính sách.
Có thể khẳng định rằng, việc huy động nguồn nhân lực, vật lực cho truyền thông chính sách là hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, cải tạo, nâng tầm cuộc sống trên tất cả lĩnh vực.
Việc công khai, minh bạch gắn kèm với trách nhiệm giải trình, tính hiệu quả trong việc huy động nguồn lực, cũng như tất cả chu trình chính sách được đề cao, bảo đảm chắc chắn sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, làm nền tảng, động lực, sức bật cho quá trình đưa chính sách vào cuộc sống, làm cơ sở, bệ phóng để đất nước phát triển nhanh, vững bền. C.T (ghi)
Nhà báo Phạm Hữu Quang - Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay: Nguồn kinh phí không dồi dào càng cần được sử dụng hiệu quả
Trong việc đặt hàng báo chí làm truyền thông chính sách, theo tôi cũng không nên phân biệt cơ quan báo chí lớn hay nhỏ. Có lẽ báo chí cũng phải cạnh tranh nơi nào làm tốt mới được đặt hàng thì chất lượng truyền thông chính sách mới được nâng lên. Nguồn kinh phí dành cho truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước vốn đã không dồi dào thì càng phải được sử dụng đúng và hiệu quả.
Cùng với đó, cần hướng tới việc truyền thông chính sách trên các nền tảng khác nhau thay vì chỉ sử dụng các loại hình báo chí truyền thống trong bối cảnh công chúng hiện nay đang quan tâm đến các kênh truyền thông khác. Như chúng ta cần sử dụng đa kênh, đa nền tảng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân phối thông tin, chuyển tải thông tin đến đúng nơi, đúng người, đúng thời điểm. Truyền thông chính sách là hướng tới người dân, nên phải dễ làm, dễ hiểu, dễ tin.
Nếu các kênh truyền thông cơ bản của báo chí có ưu thế là độ phủ rộng rãi thì cũng đồng thời khó đo đếm được bằng con số mức độ tiếp cận tới công chúng. Cho nên cũng cần cá nhân hóa sản phẩm truyền thông chính sách, tiếp cận trực tiếp tới người thụ hưởng chính sách. Ví dụ như không chỉ “đặt hàng” cơ quan báo chí mà còn “đặt hàng” cụ thể tới các nhà báo có uy tín, có ảnh hưởng nhất định trên các nền tảng mạng xã hội cũng tham gia vào làm truyền thông chính sách. Điều này cho phép việc thảo luận về chính sách, các ý kiến phản biện chính sách được tiếp nhận, lắng nghe, phản hồi một cách cụ thể trực tiếp, tránh sai lệch và suy diễn. M.H (ghi)
Nhà báo Nguyễn Văn Minh - Tổng Biên tập báo Công Thương: Truyền thông chính sách trên nền tảng mạng xã hội của các cơ quan báo chí đang bỏ ngỏ
Chính phủ đã nhìn nhận ra tầm quan trọng của truyền thông chính sách với việc ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg, về việc Tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải bố trí nguồn lực cho báo chí. Các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất quan tâm đến vấn đề này trong những năm qua. Nhưng đứng ở góc độ lãnh đạo một cơ quan báo chí thì tôi thấy có những khó khăn và mệt mỏi về những cơ chế, thủ tục khi triển khai một chương trình truyền thông chính sách theo đặt hàng của bộ ngành, địa phương nào đó. Vấn đề nghiệm thu, thanh lý các hợp đồng theo các quy định về tài chính còn khá rườm rà, khiến có nhiều khó khăn cho báo chí trong quá trình thực hiện.
Thứ hai là việc truyền thông chính sách ở trên mạng xã hội hiện nay hầu như là bỏ ngỏ. Khi có các hợp đồng truyền thông, các cơ quan báo chí chưa có căn cứ để thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Trong khi truyền thông trên mạng xã hội đang là khu vực nóng bỏng, người dân quan tâm nhất. Mà hầu hết các cơ quan báo chí hiện nay đều đã xây dựng được các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube… trở thành một hệ sinh thái thu hút rất đông người quan tâm. Tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý hoặc các giải pháp về mặt pháp luật để công nhận hệ sinh thái nền tảng mạng xã hội cũng là kênh truyền thông chính thống của các cơ quan báo chí.
Bởi vì các cơ quan nhà nước chưa chấp nhận định mức kinh tế để chi trả cho cơ quan báo chí làm truyền thông chính sách trên mạng xã hội. Ví dụ như trả nhuận bút thì bao nhiêu và nếu mà tuyên truyền chính sách ở trên đó thì có được tính vào hợp đồng truyền thông hay không? Nên rất tiếc là truyền thông chính sách trên nền tảng mạng xã hội của các cơ quan báo chí gần như đang bỏ trống.
Báo Công Thương cũng là một trong những cơ quan báo chí của cấp bộ, mà chúng tôi làm nhiệm vụ truyền thông chính sách không phải chỉ của Bộ Công Thương mà còn được các bộ ngành khác “đặt hàng” như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, rồi nhiều địa phương. Tôi nhận thấy rằng để việc truyền thông tốt hơn nữa thì ngay trong việc xây dựng các đề án truyền thông phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, các địa phương với các cơ quan báo chí. Đề án càng cụ thể, hướng vào những vấn đề nóng của ngành, của địa phương được người dân quan tâm mới hiệu quả. Nếu chỉ hợp tác truyền thông chung chung thì nhiều khi những nội dung truyền thông lại chưa phải là vấn đề được dư luận quan tâm thì không mang lại hiệu quả thiết thực. C.A (ghi)
Chuyên đề: Báo chí và truyền thông chính sách
Khái niệm chính sách trong truyền thông chính sách là các chính sách công bao gồm các biện pháp của Đảng, Chính phủ thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội.
Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước về những lĩnh vực cụ thể thông qua các kênh truyền dẫn khác nhau, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò chính, để đưa chính sách đến với công chúng. Nhằm đảm bảo sự thông suốt giữa chủ thể ban hành chính sách và các nhóm thụ hưởng, điều chỉnh bởi chính sách đó trong xã hội.
Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ của người thụ hưởng chính sách phù hợp với lợi ích của mỗi cá nhân, của cộng đồng và của toàn xã hội không nằm ngoài lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và của toàn thể nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông chính sách không phải chỉ có báo chí chính thống, vai trò truyền thông chính sách của mạng xã hội đang tác động khá rõ nét.
Không thể phủ nhận mạng xã hội có những đóng góp tích cực vào truyền thông chính sách, đặc biệt là tham gia vào quá trình phản biện từ khâu dự thảo chính sách góp phần làm cho chính sách ra đời sát thực hơn với đời sống nhân dân. Nhưng đồng thời mạng xã hội cũng khiến quá trình truyền thông chính sách xuất hiện những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng hoặc suy diễn không đúng với quan điểm của những người soạn thảo chính sách.
Cho nên tính chính thống, chính xác của báo chí vẫn là sự đảm bảo cho vai trò chủ lực của báo chí trong truyền thông chính sách. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường truyền thông chính sách" ban hành tháng 3/2023, đã xác định "báo chí là dòng chảy chính".
Vậy làm thế nào để báo chí “giữ nhịp” là “dòng chảy chính” trong truyền thông chính sách?
Đó là những điều chúng tôi trăn trở đặt ra trong số báo kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay với một mong muốn rằng: Báo chí cần phải được tiếp thêm nguồn lực để làm tốt việc truyền thông chính sách góp phần để chính sách ra đời phù hợp với lòng dân, giúp tạo ra đồng thuận xã hội.
Đ.Đ.K