Nhà báo Lê Quốc Minh: Không ‘bao cấp’ nhưng báo chí cần được đầu tư
Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Nhà nước không “bao cấp” 100% nhưng cần đầu tư cho một số cơ quan báo chí để làm nhiệm vụ tuyên truyền và phản biện chính sách, trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Ðại Ðoàn Kết.
Có tình trạng đầu tư dàn trải
PV: Theo ông, giữa kinh tế báo chí và sáng tạo nội dung ở các cơ quan báo chí hiện nay cái gì khó hơn, vấn đề kinh tế báo chí ở tờ báo lớn như Nhân Dân có thuận lợi hơn các cơ quan báo chí khác không?
Nhà báo LÊ QUỐC MINH: Kinh tế báo chí ở một cơ quan báo chí lớn như báo Nhân Dân thì còn khó hơn nhiều bởi vì ở đây là hơn 800 con người. Nuôi một bộ máy 800 con người thì đương nhiên là vất vả hơn những cơ quan báo chí chỉ có mấy chục người hoặc là một, hai trăm nhân sự.
Vậy ở góc độ Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông có ý kiến như thế nào về việc cần phải tiếp nguồn lực cho báo chí để có đủ nguồn lực kinh tế, yên tâm làm nhiệm vụ chính trị và làm truyền thông chính sách?
- Thực ra mong muốn để được hỗ trợ dưới dạng kinh phí nhà nước cho cơ quan báo chí là một tư duy không phù hợp với giai đoạn hiện nay nữa.
Giai đoạn trước kia các cơ quan báo chí hầu hết được bao cấp để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhưng trong quá trình phát triển thì ngay cả những cơ quan báo chí trực thuộc cơ quan Đảng, trực thuộc Chính phủ, nguồn kinh phí cấp cũng không đủ để đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới.
Công việc ngày càng tăng lên với chi phí lớn cho những nền tảng báo in, báo điện tử, mobile mà trước đây không được tính đến trong nguồn ngân sách của cơ quan chủ quản.
Nhưng đúng là hiện nay có tình trạng đầu tư dàn trải cho quá nhiều cơ quan báo chí trong khi lẽ ra chúng ta cần phải tập trung nguồn lực xây dựng những “quả đấm thép”, những cơ quan báo chí thật lớn.
Việc này cũng đang còn tiếp tục có những ý kiến trao đổi khác nhau, làm sao để có nguồn kinh phí bảo đảm cho cơ quan báo chí, đặc biệt cơ quan báo chí lớn vẫn là việc chưa thể có lời giải rõ ràng.
…Thả nổi cho báo chí tự bơi cũng không phải là phương án tốt vì thả nổi họ sẽ phải loay hoay kiếm kinh phí hoạt động, không tập trung vào nhiệm vụ chính. Để giải quyết được vấn đề này thì còn phải suy nghĩ thêm trong thời gian tới.
Nhà báo Lê Quốc Minh
Để hỗ trợ các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo và Chính phủ cũng đã ban hành những quy định, quy chế, nghị định. Câu chuyện về đặt hàng báo chí trong truyền thông chính sách là một khả năng để tháo gỡ nguồn lực cho báo chí.
Chính phủ đã chỉ ra rằng nhiệm vụ truyền thông chính sách không phải chỉ là của báo chí mà của tất cả các bộ ngành, địa phương. Các bộ ngành, địa phương cũng phải dành ngân sách để truyền thông, đặt hàng báo chí và khoản kinh phí này nên được xử lý thỏa đáng khi mà báo chí đảm nhận công tác truyền thông chính sách.
Đồng thời cũng phải thấy trong thực tế chúng ta cũng đang có khá nhiều các cơ quan báo chí do các hội, các viện thành lập. Các cơ quan này không thể nào trông đợi vào nguồn ngân sách của nhà nước để hoạt động được.
Ở đây chúng ta cần phải phân định một cách rõ ràng giữa những cơ quan báo chí chủ lực cần phải được nhà nước đầu tư một cách xứng đáng để thực hiện tốt vai trò định hướng, là những lực lượng chủ chốt của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Đặt hàng báo chí để truyền thông chính sách không phải là cơ chế xin cho.
Vâng, thưa ông, vấn đề chúng ta đang đề cập ở đây không phải là cấp kinh phí hoạt động cho báo chí theo kiểu bao cấp, mà như ông vừa nói một số cơ quan báo chí, một số nhà báo nên được đặt hàng để làm tốt truyền thông chính sách, bao gồm cả phản biện chính sách, thay vì chúng ta nhường “trận địa” này cho mạng xã hội?
- Đúng là cần có những kế hoạch kinh phí hỗ trợ phù hợp cho những cơ quan báo chí lớn về mặt hiệu ứng trong xã hội để họ tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước và để có đủ nguồn lực truyền thông chính sách một cách chính thống, bài bản.
Trong một chừng mực nhất định chúng ta vẫn cần sử dụng hiệu quả hệ thống báo chí của các hội, viện. Nhưng thay vì cung cấp ngân sách thì tạo điều kiện và kiểm soát để đảm bảo họ hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng.
Thực tế thì thời gian qua cũng có đặt hàng từ nhiều cơ quan nhà nước, các bộ ngành, địa phương trong việc truyền thông chính sách. Tuy nhiên nhiều khi tính hiệu quả cũng chưa cao do cách lựa chọn cơ quan báo chí để đặt hàng, hoặc do vướng mắc các thủ tục giấy tờ?
- Do cách làm thôi. Nếu xin cho thì không thể hiệu quả được. Còn nếu đòi hỏi lập đề án để đấu thầu thì báo chí không quen, không có thời gian để làm việc đó.
Vậy phải tìm cách nào đó sử dụng hiệu quả nguồn tài chính cho truyền thông chính sách. Để đánh giá giám sát cơ quan báo chí này làm truyền thông chính sách tốt, xứng đáng được đặt hàng, chỗ khác phải cắt đi vì không hiệu quả thì cần phải có bộ máy đánh giá chuyên nghiệp, công tâm, không thể chỉ là người phụ trách tài chính của các bộ ban ngành, địa phương được.
Cho nên đây cũng là câu chuyện chắc chắn còn phải bàn thảo để tìm ra cách thức, hướng cụ thể hơn để việc đặt hàng truyền thông chính sách được thực hiện một cách hiệu quả.
Thưa ông, ngược lại, bản thân các cơ quan báo chí cũng phải đổi mới, sáng tạo trong truyền thông chính sách thì mới có thể được đặt hàng. Nếu sự lựa chọn để đặt hàng công tâm thì sẽ tránh được dàn trải.
- Đúng thế, đặt hàng truyền thông chính sách phải dựa vào năng lực của cơ quan báo chí, lựa chọn những đơn vị truyền thông hiệu quả. Để chứng minh hiệu quả thì từng địa phương, từng bộ ngành sẽ phải tự đánh giá là sử dụng kênh nào, báo nào hiệu quả hơn. Không “bao cấp” 100% nhưng một số cơ quan báo chí cần được đầu tư để tuyên truyền và phản biện chính sách.
Thực tế mạng xã hội hiện nay rất nhạy cảm với các vấn đề thuộc chính sách. Ví dụ như có một quy định mới ra đời thì trên mạng xã hội sẽ nói nhanh hơn báo chí, một sự việc xuất hiện thì độ viral trên mạng xã hội rất lớn?
- Thực ra chúng ta phải xác định thế này, sự phát triển của công nghệ và truyền thông xã hội đã giúp bất kỳ cá nhân nào cũng có thể thể hiện tiếng nói mà không cần thông qua bất kỳ cơ quan báo chí nào. Trong khi trước đây khi muốn phản ánh cái gì đó cần phải nhờ đến cơ quan báo chí, báo in hay truyền hình.
Sự thay đổi này dẫn đến việc ai cũng có thể nêu lên một vấn đề gì đó trên mạng xã hội nhưng cần lưu ý, điều đó không phải nghĩa là việc gì báo chí cũng nên tham gia vào. Ví dụ trường hợp phụ huynh cháu bé không đóng tiền để liên hoan cuối năm vừa qua, một cơ quan báo chí viết ra nhưng lại không thực hiện đúng theo cái cách thức làm báo là thông tin đa chiều, thì bỗng dưng tạo ra làn sóng thông tin trên mạng xã hội. Câu chuyện này khởi đầu đâu phải là chuyện báo chí cần phải tham gia.
Ở đây không phải là câu chuyện phê phán để đổi mới giáo dục, cũng không phải câu chuyện cần thay đổi ứng xử gì đó chưa phù hợp của cô giáo, trường học hay ban phụ huynh. Đây là những cái khó chịu của cá nhân, từ những bức xúc rất bột phát, không hiểu rõ vấn đề. Thế mà một tờ báo ban đầu lại nhảy vào. Thông tin sau đó chia thành các phe, nơi này ủng hộ nơi kia phê phán.
Hay là những câu chuyện về người nổi tiếng, scandal này nọ, nhưng báo chí cần biết lựa chọn cái gì đáng nói cái gì không. Không phải cứ có bất kỳ chuyện gì nảy sinh là báo chí đều nhảy vào, tốn giấy mực vào những điều vô bổ. Thậm chí báo chí đáng lẽ ra còn phải định hướng cho công chúng là không nên sa vào những câu chuyện rất mất thời gian.
Trong thời buổi mạng xã hội phát triển như bây giờ thì các ý kiến khác nhau về sự việc nào đó là không thể tránh nổi. Hôm nay là chuyện này mai là chuyện khác. Cho nên báo chí không phải lúc nào cũng cần tranh đua tốc độ với mạng xã hội.
Nhưng đúng là trong rất nhiều trường hợp cần thiết, báo chí đúng là vào cuộc chậm. Ví dụ vấn đề chính sách, pháp luật của Nhà nước có chỗ nào hiệu quả thì phải tuyên truyền, bất cập thì phải phản biện để tìm ra cái mới mẻ.
Thế nhưng nếu nguồn lực không có thì báo chí không dành đủ thời gian, đủ dung lượng cho những nội dung như vậy, mà đó mới là điều cần thiết của báo chí, điều báo chí đáng nói hơn.
Cũng có nhiều lý do, trong đó có lý do cơm áo mà báo chí giờ phải theo “trend”, thích “câu view” hơn là những câu chuyện sát sườn của đời sống xã hội. Một chính sách cần phải tuyên truyền theo hướng tích cực hay một vấn đề cần phản biện, phê phán những điểm bất cập, có khi lại không có người đọc nên báo chí bỏ bê không làm nữa. Cái dở của báo chí là ở chỗ đấy.
Chúng ta rất chia sẻ với báo chí là trong bối cảnh cực kỳ khó khăn như hiện nay nếu không tạo được nguồn thu thì báo chí không thể tồn tại. Bây giờ nguồn thu sụt giảm, rồi tiếp tục kiên định đi theo cách làm truyền thống và những nội dung chúng ta mong muốn đưa, nhưng cán bộ nhân viên lại không có lương, chậm lương thì đấy cũng rất khó.
Cho nên vẫn phải trở lại câu chuyện chúng ta đang cần bàn ở đây là một số cơ quan báo chí cần phải được đặt hàng, cần được tiếp nguồn lực để làm tốt những nội dung vừa đề cập, thưa ông?
- Hiện nay cũng chưa có quy định cơ quan báo chí nào là cơ quan báo chí nên được đầu tư thỏa đáng, để không cần phải lo nghĩ gì đến tiền. Những cơ quan báo chí nào là để thả cho thị trường, tốt thì duy trì, không tốt thì phải dẹp bỏ, chúng ta đang chưa phân định được rõ chỗ đấy.
Nhà nước có cấp ngân sách cho một số cơ quan báo chí nhưng trong nhiều trường hợp lại bị dàn trải. Ví dụ việc nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số hội trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam thì nhiều khi bị chậm, chậm không giải ngân hết cuối năm lại phải trả lại.
Những bất cập như vậy chắc chắn đòi hỏi biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng, từ Chính phủ, từ các địa phương, may ra mới khắc phục được phần nào.
Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định lại “nuôi” báo chí theo kiểu bao cấp thì chắc chắn là không rồi, đó không phải là cách làm hiệu quả. Có thể chúng ta tư duy rằng đã không phải lo kinh tế thì báo chí làm tốt nội dung, nhưng thực tế thì nhiều trường hợp lại vì không phải lo gì, nên họ cũng không cần phải làm nữa, thả nổi chất lượng vì đằng nào cũng không phải cạnh tranh.
Như vậy, bao cấp theo cách ngày xưa chắc chắn không còn, nhưng tôi đồng tình quan điểm một số cơ quan báo chí mạnh sẽ cần phải được đầu tư, ví dụ đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, phần mềm, công nghệ.
Đồng thời vẫn phải khuyến khích cơ quan báo chí năng động để tạo ra những nguồn thu mới, không thể có chuyện bao cấp 100%. Bao cấp 100% với mong muốn tích cực nhưng chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng ỷ lại.
Nhưng thả nổi cho báo chí tự bơi cũng không phải là phương án tốt vì thả nổi họ sẽ phải loay hoay kiếm kinh phí hoạt động, không tập trung vào nhiệm vụ chính. Để giải quyết được vấn đề này thì còn phải suy nghĩ thêm trong thời gian tới.
Khơi dậy đổi mới sáng tạo từ nguồn lực sẵn có
Khi đảm nhận trọng trách Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông nói sẽ tiếp tục tinh thần sáng tạo đã từng thực hiện ở cơ quan cũ là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). “Sáng tạo” ở báo Nhân Dân có gì khác với thời ông làm tờ VietnamPlus của TTXVN?
- Cái quan trọng là mình phải hiểu được thế mạnh của mỗi cơ quan báo chí để phát huy. TTXVN là cơ quan báo chí lớn, thậm chí về mặt nhân sự, tầm phủ sóng và số lượng ấn phẩm phải nói là lớn hơn rất nhiều. Nhưng thế mạnh và không gian khác, không phù hợp với báo Nhân Dân. Những gì là thế mạnh của báo Nhân Dân cần phát huy thay vì đưa những gì mình đã làm được từ nơi khác về đây.
Khi về báo Nhân Dân, chúng tôi phát hiện rất nhiều lợi thế, sự khác biệt, vị thế vai trò của báo Nhân Dân cũng như điểm mạnh mà các nơi khác không có. Và làm sao để phát huy từ những điểm mạnh như vậy mới tạo nên sự khác biệt so với các “báo Đảng” cũng như các cơ quan báo chí khác trong làng báo. Điều quan trọng nữa là làm sao để khơi dậy sự đổi mới sáng tạo trong chính những con người của báo Nhân Dân. Khơi dậy sự sáng tạo của những người đã làm việc rất lâu, đã có cái gọi là “ADN của báo Nhân Dân” trong người thì sẽ hiệu quả hơn là mình đưa những nhóm bên ngoài vào.
Có thể thấy yếu tố thành công để sáng tạo và đổi mới trong báo chí không phải được quyết định bằng công nghệ làm báo hiện đại mà chính là ở nhân tố con người?
- Kinh nghiệm 3 năm qua làm việc ở báo Nhân Dân của tôi cho thấy rằng khi mà lên được một kế hoạch tốt, lên được một chiến lược hay thì những người làm báo Nhân Dân cũng rất dễ dàng thích ứng. Và nếu truyền cảm hứng cho anh em về việc tạo ra những sản phẩm mới, những nội dung mới thì anh em có thể có khả năng làm tốt hơn ở những nơi mạnh về công nghệ, dồi dào về nhân sự.
Áp phần mềm công nghệ vào báo in
Số báo giấy Nhân Dân hằng ngày vào đúng kỷ niệm 75 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được các bạn trẻ săn lùng vừa rồi là hiện tượng hiếm hoi của báo giấy hiện nay. Ý tưởng làm một ấn phẩm như vậy được hình thành như thế nào, thưa ông?
- Thực ra để sáng tạo cho báo in là rất khó. Trên thế giới, sáng tạo với phần nội dung quảng cáo trên báo in thì người ta đã làm nhiều và có rất nhiều cách rất thú vị.
Báo in thì thông thường chúng ta chỉ nghĩ làm đặc biệt là có những nội dung truyền thông đặc biệt. Để tạo ra một sản phẩm báo chí digital độc đáo cũng khó, nhưng cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Với những tính năng của digital thì không gian sáng tạo của chúng ta rất thoải mái. Nhưng để sáng tạo trên báo in là việc không hề đơn giản.
Thông thường chúng ta quan niệm sáng tạo trên báo in là nội dung bài viết hay hơn, hình ảnh đẹp hơn...
“Chúng ta rất chia sẻ với báo chí là trong bối cảnh cực kỳ khó khăn như hiện nay nếu không tạo được nguồn thu thì báo chí không thể tồn tại. Bây giờ nguồn thu sụt giảm, rồi tiếp tục kiên định đi theo cách làm truyền thống và những nội dung chúng ta mong muốn đưa, nhưng cán bộ nhân viên lại không có lương, chậm lương thì đấy cũng rất khó”.
Nhà báo Lê Quốc Minh
- Cho nên với báo chí thế giới thì một số sáng tạo thường nổi bật ở những nội dung quảng cáo để tạo ra sự hấp dẫn. Trong thời gian qua tôi nghiên cứu nhiều tài liệu về đổi mới sáng tạo trong báo chí, trong báo in thì đã thấy được điều này.
Vừa rồi báo Nhân Dân làm cuốn “Đổi mới sáng tạo trong báo chí và Báo cáo toàn cầu năm 2023". Khi làm nội dung đó và đọc phần Đổi mới sáng tạo trong báo in thì tôi thấy có một mô hình là một tờ báo của Đức rất thú vị và lập tức liên tưởng tới bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ hiện đang đặt tại Bảo tàng Điện Biên Phủ. Chúng tôi lên kế hoạch đo đạc và xem liệu có khả thi không khi in lên một tờ báo như vậy.
Rồi thấy ý tưởng thì được rồi nhưng mà cảm thấy vẫn chưa thực sự tạo dấu ấn nếu chỉ làm số báo in bức tranh panorama bằng kích cỡ thật. Thế là chúng tôi nghĩ ra việc kết hợp mặt kia của bức tranh in diễn biến 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng tôi đã triển khai trên website chuyên trang Kỷ niệm 75 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tiếp theo là đặt một mã QR, khi độc giả quét mã thì kết nối với trang web chuyên trang đặc biệt trên báo điện tử mà chúng tôi đã thực hiện ròng rã suốt mấy tháng.
Nhưng như thế thôi thực sự vẫn chưa cảm thấy hài lòng bởi vì nếu chỉ quét mã QR đến chuyên trang thì công nghệ QR đã truyền thống rồi, phổ biến rồi. Số báo Tết vừa qua chúng tôi đã dùng công nghệ hiện đại hơn để độc giả đặt smartphone vào chip gắn trên số báo in là có thể nhận được những lời chúc mừng năm mới là những hình ảnh động.
Vậy là chúng tôi đã quyết định đưa công nghệ này vào bức tranh. Ví dụ như xem trên bức tranh thì hình ảnh bộ đội phất cờ trên nóc hầm De Castries là hình ảnh tĩnh, nhưng nếu quét mã thì hình ảnh bộ đội phất cờ là ảnh động, lá cờ được phất lên phấp phới. Hoặc là hình ảnh thả dù nhu yếu phẩm, lương thực xuống chiến trường, trên bức tranh là hình tĩnh nhưng nếu quét hình lên thì nhìn thấy mọi thứ sẽ rơi, tạo cái cảm giác thú vị, hấp dẫn hơn.
Nhờ việc kết hợp giữa báo in truyền thống với công nghệ, số báo đặc biệt này đã thu hút được người dùng và đặc biệt là giới trẻ. Các em, các cháu sưu tập những bức hình như vậy rồi họ trải nghiệm tương tác, chia sẻ trên mạng xã hội, tạo ra những cơn sốt tìm kiếm, sưu tầm và trải nghiệm những bức tranh panorama như vậy. Nhờ đó lại có một cơn sốt là lùng tìm, sưu tập báo Nhân Dân.
Số lượng ban đầu là 180.000 bản, sau đó phải in thêm 50.000 bản. Phục vụ hai ngày triển lãm cuối cũng không đủ. Cuối cùng chúng tôi huy động tài trợ in thêm 100.000 bản nữa và phát miễn phí tại 63 tỉnh thành. Đến giờ phút này tôi phải khẳng định rằng hiệu ứng rất là tốt, mọi người rất đón nhận.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chuyên đề: Báo chí và truyền thông chính sách
Khái niệm chính sách trong truyền thông chính sách là các chính sách công bao gồm các biện pháp của Đảng, Chính phủ thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội.
Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước về những lĩnh vực cụ thể thông qua các kênh truyền dẫn khác nhau, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò chính, để đưa chính sách đến với công chúng. Nhằm đảm bảo sự thông suốt giữa chủ thể ban hành chính sách và các nhóm thụ hưởng, điều chỉnh bởi chính sách đó trong xã hội.
Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ của người thụ hưởng chính sách phù hợp với lợi ích của mỗi cá nhân, của cộng đồng và của toàn xã hội không nằm ngoài lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và của toàn thể nhân dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông chính sách không phải chỉ có báo chí chính thống, vai trò truyền thông chính sách của mạng xã hội đang tác động khá rõ nét.
Không thể phủ nhận mạng xã hội có những đóng góp tích cực vào truyền thông chính sách, đặc biệt là tham gia vào quá trình phản biện từ khâu dự thảo chính sách góp phần làm cho chính sách ra đời sát thực hơn với đời sống nhân dân. Nhưng đồng thời mạng xã hội cũng khiến quá trình truyền thông chính sách xuất hiện những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng hoặc suy diễn không đúng với quan điểm của những người soạn thảo chính sách.
Cho nên tính chính thống, chính xác của báo chí vẫn là sự đảm bảo cho vai trò chủ lực của báo chí trong truyền thông chính sách. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường truyền thông chính sách" ban hành tháng 3/2023, đã xác định "báo chí là dòng chảy chính".
Vậy làm thế nào để báo chí “giữ nhịp” là “dòng chảy chính” trong truyền thông chính sách?
Đó là những điều chúng tôi trăn trở đặt ra trong số báo kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay với một mong muốn rằng: Báo chí cần phải được tiếp thêm nguồn lực để làm tốt việc truyền thông chính sách góp phần để chính sách ra đời phù hợp với lòng dân, giúp tạo ra đồng thuận xã hội.
Đ.Đ.K